NATO bắt đầu cuộc tập trận lớn nhất 35 năm qua
"Liên minh sẽ chứng minh khả năng gia tăng sức mạnh cho khu vực châu Âu - Đại Tây Dương bằng cách điều lực lượng từ Bắc Mỹ xuyên Đại Tây Dương", VnExpress dẫn lời tướng Christopher Cavoli - chỉ huy Bộ tư lệnh lực lượng Mỹ tại châu Âu (EUCOM) phát biểu khi khai mạc cuộc tập trận Steadfast Defender 2024 hôm 24/1.
Ông Cavoli cho biết thêm rằng cuộc tập trận là minh chứng rõ nét cho sự đoàn kết, sức mạnh và quyết tâm của các nước thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong bảo vệ lẫn nhau, cũng như duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật pháp. Đây là cuộc tập trận lớn nhất 35 năm của NATO, với sự tham gia của 90.000 lính. Sự kiện kéo dài tới cuối tháng 5, mô phỏng phản ứng của liên minh trước khả năng bị một đối thủ tấn công.
Một cuộc tập trận của NATO vào năm 2015. Ảnh: AFP
Trong quá trình tập trận, quân đội Mỹ sẽ diễn tập khả năng chi viện cho các đồng minh châu Âu ở giáp biên giới Nga và sườn phía đông NATO nếu nổ ra xung đột. Hoạt động được tổ chức sau khi NATO cải tổ hệ thống phòng thủ kể từ khi nổ ra xung đột Nga - Ukraine hồi tháng 2/2022.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko hôm 21/1 chỉ trích cuộc tập trận Steadfast Defender 2024, nói rằng đây là dấu hiệu cho thấy NATO muốn quay lại với "các mưu đồ thời Chiến tranh Lạnh". Quan hệ Nga - NATO ngày càng căng thẳng sau chiến sự ở Ukraine. Nga tháng 11/2023 thông báo rút khỏi Hiệp ước về các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu (CFE).
CFE được ký năm 1990 giữa NATO và các quốc gia Khối Hiệp ước Warsaw nhằm thiết lập thế cân bằng quân sự, giới hạn số lượng xe tăng và thiết giáp, pháo, trực thăng và chiến đấu cơ đóng quân tại châu Âu, tránh các bên tập trung lực lượng quy mô lớn để tấn công chớp nhoáng.
Hamas bác đề nghị tạm dừng giao tranh 2 tháng của Israel
Báo điện tử VTC News đưa tin, AP dẫn nguồn quan chức cấp cao của Ai Cập cho biết, Hamas bác đề xuất của Israel về lệnh ngừng bắn kéo dài hai tháng. Hamas cũng từ chối rời Gaza và đang yêu cầu Israel rút hoàn toàn khỏi Gaza và cho phép người Palestine trở về nhà của mình.
Trong khi đó, tờ Times of Israel dẫn lời hai quan chức Israel cho biết đề xuất của Israel trước đó không đáp ứng yêu cầu của Hamas - Israel chấm dứt hoàn toàn cuộc xung đột.
Quân đội Israel tham gia chiến dịch chống Hamas ở Dải Gaza. Ảnh: IDF
Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Qatar Majed Al Ansari tỏ ra lạc quan về những nỗ lực hòa giải giữa Israel và Hamas khi cho biết: “Chúng tôi đang tham gia vào các cuộc thảo luận nghiêm túc với cả hai bên. Chúng tôi đã trình bày ý tưởng cho cả hai bên và đang nhận được nhiều phản hồi liên tục từ cả hai phía. Đó là điều để lạc quan".
Trước đó, Axios dẫn nguồn cho biết, Chính phủ Israel đề nghị Hamas “tạm dừng” giao tranh kéo dài 60 ngày để tất cả những người bị bắt giữ còn lại có thể được thả. Lời đề nghị này là "thỏa thuận nhiều giai đoạn, bao gồm việc thả tất cả các con tin bị giữ ở Gaza".
Giai đoạn đầu của thỏa thuận sẽ có việc Hamas thả nam giới và nữ giới trên 60 tuổi. Các giai đoạn tiếp theo sẽ bao gồm việc thả các quân nhân, nam giới dưới 60 tuổi và giao thi thể của các con tin đã chết.
Theo đề xuất của Israel, lãnh đạo Hamas Yahya Sinwar ở Gaza và các lãnh đạo hàng đầu khác của Hamas ở Gaza sẽ được phép di dời sang các nước khác. Đổi lại, Israel sẽ thả những người Palestine bị giam giữ. Israel cũng sẽ di chuyển một số lực lượng, rút khỏi các khu định cư chính ở dải Gaza và sẽ cho phép dân thường Palestine trở lại một số khu vực.
Phương Uyên (T/h)