Tàu sân bay Mỹ chuyển hướng, không tới gần Israel
Theo trang USNI News, hôm 23/10, Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Pat Ryder cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã hạ lệnh cho nhóm tác chiến tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower di chuyển đến khu vực phụ trách của Bộ Tư lệnh trung tâm (CENTCOM). CENTCOM hiện quản lý hoạt động tại Biển Đỏ, vịnh Aden, biển Ảrập, vịnh Ba Tư và Israel.
Trước đó, vào ngày 14/10, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower gồm tàu tuần dương lớp Ticonderoga USS Philippine Sea, và 2 tàu khu trục lớp Arleigh Burke USS Gravely và USS Mason lên đường tới Đông Địa Trung Hải, gần bờ biển Israel. Theo kế hoạch, USS Dwight D. Eisenhower sẽ gia nhập với nhóm tàu sân bay USS Gerald R. Ford tại khu vực do Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ (EUCOM) quản lý.
Tàu sân bay Mỹ chuyển hướng, không tới gần Israel. Ảnh: Getty Images
USS Dwight D. Eisenhower trở thành nhóm tác chiến tàu sân bay đầu tiên của Mỹ hiện diện tại Trung Đông kể từ năm 2021, thời điểm Mỹ rút quân khỏi Afghanistan.
Bên cạnh khí tài hải quân, Bộ trưởng Austin cũng đã hạ lệnh đưa thêm hệ thống Phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) và các hệ thống tên lửa phòng không Patriot tới Trung Đông để đáp trả các cuộc tấn công gần đây vào quân đội Mỹ trong khu vực. Tuy nhiên, phát ngôn viên Ryder không nói cụ thể về địa điểm các loại vũ khí này được triển khai.
“Trọng tâm của Bộ Quốc phòng Mỹ là tiếp tục hỗ trợ quyền tự vệ của Israel trước các cuộc tấn công khủng bố, ngăn chặn xung đột Israel – Hamas mở rộng, và bảo vệ cho binh sĩ Mỹ trong khu vực”, ông Ryder nói.
Theo ông Ryder, số lượng các vụ tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) và tên lửa nhằm vào lực lượng Mỹ ở Trung Đông đang gia tăng, giữa lúc giao tranh Israel – Hamas ngày càng căng thẳng.
Lính Mỹ hạ UAV tập kích căn cứ ở Syria
“Căn cứ al-Tanf tại Syria bị tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) tự sát. Hai chiếc bị hạ, lực lượng Mỹ không chịu thương vong", phát ngôn viên Lầu Năm Góc, thiếu tướng Patrick Ryder nói ngày 23/10 và cho biết binh sĩ Mỹ dùng "hệ thống phòng thủ để hạ UAV" song không công bố thêm chi tiết.
Trước đó, một nhóm tự xưng là nhóm Kháng chiến Hồi giáo tại Iraq và được Iran hậu thuẫn thông báo phóng UAV nhằm vào lực lượng Mỹ tại căn cứ al-Tanf và al-Malikiyah ở Syria. Nhóm này cũng nhận trách nhiệm trong vụ tập kích nhằm vào lực lượng Mỹ đóng quân tại Iraq ngày 21/10.
Xe tăng Mỹ ở Syria. Ảnh: Miltary Times
Một số căn cứ của Mỹ tại Iraq và Syria tuần qua bị tập kích bằng rocket cùng UAV, làm một số người bị thương và gây thiệt hại vật chất. Vụ gần nhất xảy ra ngày 22/10 khi căn cứ không quân Ain al-Asad ở Iraq, nơi lực lượng Mỹ và một số quốc gia đóng quân, bị nã rocket.
Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cáo buộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) và các nhóm vũ trang thực hiện loạt vụ tập kích nói trên. Ông Kirby cũng cho rằng Iran đang hỗ trợ nhóm Hamas ở Dải Gaza và Hezbollah tại Lebanon.
Mỹ đang triển khai khoảng 2.500 quân tại Iraq và khoảng 900 lính ở Syria. Nguy cơ tấn công nhắm vào lực lượng Mỹ gia tăng khi Lầu Năm Góc triển khai thêm khí tài, binh sĩ tới Trung Đông.
Ông Austin ngày 21/10 thông báo Mỹ bố trí thêm các tổ hợp phòng thủ tên lửa tới Trung Đông, bao gồm khẩu đội Hệ thống Phòng thủ Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) và các tiểu đoàn Patriot, nhằm bảo vệ lực lượng Mỹ hoạt động trong khu vực.
Trước đó, Mỹ điều lực lượng phản ứng nhanh của thủy quân lục chiến với 2.000 binh sĩ cùng hai nhóm tác chiến tàu sân bay tới đông Địa Trung Hải nhằm ngăn khả năng các nhóm vũ trang mở mặt trận mới nhằm vào đồng minh Israel.
Phương Uyên (T/h)