Nga đưa tên lửa "bất khả chiến bại" vào hầm phóng gần Moscow
Báo Dân trí dẫn nguồn tin từ Reuters cho biết, lực lượng tên lửa Nga cuối tuần qua đã nạp tên lửa đạn đạo liên lục địa Yars mới vào một hầm phóng ở tây nam Moscow.
"Tại căn cứ Kozelsky ở vùng Kaluga, Lực lượng Tên lửa Chiến lược đã nạp một tên lửa đạn đạo liên lục địa Yars vào hầm phóng", Bộ Quốc phòng Nga ngày 17/12 cho biết và đăng kèm một video cho thấy cận cảnh tên lửa được đưa đến hầm phóng và ghép vào trục.
Hệ thống tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Yars của Nga. Ảnh: Reuters
Trung đoàn Kozelsk - nơi tên lửa mới được đưa vào hầm phóng, là đơn vị đầu tiên trong Lực lượng Tên lửa Chiến lược của Nga bắt đầu nâng cấp tên lửa Yars phóng từ hầm chứa. Tên lửa này ban đầu được triển khai tại các trung đoàn khác dưới dạng cơ động.
Theo mô tả của Nga, tên lửa Yars có khả năng mang theo nhiều đầu đạn hạt nhân, có thể xuyên thủng lá chắn tên lửa của Mỹ và các đồng minh. Tổng thống Vladimir Putin đã đặt mục tiêu chế tạo hệ thống tên lửa Yars thay thế hệ thống Topol, và trở thành một phần trong các loại "vũ khí bất khả chiến bại", đóng vai trò là vũ khí trụ cột trên mặt đất trong kho vũ khí hạt nhân của Nga.
Hiện nay có rất ít thông tin xác thực về tên lửa Yars. Tên lửa này được cho có tầm bắn 12.000km. Theo các blogger quân sự, Yars có khả năng mang nhiều đầu đạn hạt nhân và có thể triển khai trong các hầm phóng.
Nga có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới, theo sau là Mỹ. Nga và Mỹ kiểm soát hơn 90% vũ khí hạt nhân của thế giới. Theo Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, Nga có khoảng 5.889 đầu đạn hạt nhân trong khi Mỹ có khoảng 5.244 đầu đạn. Trong số đó, Nga và Mỹ mỗi nước có khoảng 1.670 đầu đạn hạt nhân chiến lược được triển khai.
Israel, Hamas sẵn sàng gia hạn thỏa thuận ngừng bắn
Báo điện tử VTC News dẫn thông tin từ NDTV cho biết, Cửa khẩu Kerem Shalom nằm giữa Israel và Gaza đã được mở cửa lần đầu tiên kể từ khi bùng phát xung đột Hamas - Israel, cho phép các xe tải chở hàng viện trợ đi qua. Động thái này giúp tăng gấp đôi lượng thực phẩm và thuốc men đến dải Gaza.
Lực lượng Israel bên trong Dải Gaza hồi tháng 11. Ảnh: AP
Theo một số nguồn tin từ Ai Cập và Qatar, trước đó Israel và Hamas đã đàm phán về lệnh ngừng bắn kéo dài một tuần và thả con tin, đẩy mạnh quá trình viện trợ cũng như mở cửa khẩu Kerem Shalom trước khi thực hiện cuộc đàm phán mới.
Hi vọng về hòa bình tăng lên, khi Giám đốc cơ quan tình báo Israel David Barnea đã gặp Thủ tướng Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al Thani. Nội dung của cuộc thảo luận nêu trên chưa được tiết lộ. Qatar là quốc gia đóng vai trò trung gian trong việc giải quyết xung đột giữa Israel và Hamas.
Tuy nhiên, người phát ngôn quân đội Israel, Chuẩn Đô đốc Daniel Hagari cho biết trong cuộc họp báo hôm 17/12: "Điều quan trọng nhất đối với chúng tôi lúc này là Lực lượng Phòng vệ Israel quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt Hamas".
Trái ngược với động thái của Israel, quan chức của Hamas Sami Abu Zuhri cho biết: "Chúng tôi sẵn sàng đón nhận mọi nỗ lực nhằm chấm dứt các cuộc tấn công của Israel. Đây là nền tảng cho bất kỳ cuộc thảo luận nào”.
Theo nguồn tin trước đó của Reuters, Hamas nhất quyết yêu cầu đơn phương lập danh sách con tin được thả và đề nghị quân đội Israel rút lui về phía sau ranh giới đã xác định. Phía Israel đồng ý để Hamas lập danh sách, yêu cầu đối phương có mốc thời gian cụ thể và được xem danh sách con tin trước khi ấn định thời gian cũng như thời hạn ngừng bắn. Tuy nhiên, việc rút quân lại bị phía quân đội Israel từ chối.
Phương Uyên (T/h)