Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống ngày 17/1: Tim nhân tạo giống y tim thật giá 4 tỷ đồng được bán rộng rãi

(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 17/1/2021. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 17/1/2021 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Tin tức đời sống mới nhất ngày 17/1/2021. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 17/1/2021 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Tim nhân tạo giống y tim thật giá 4 tỷ đồng được bán rộng rãi

Cận cảnh quả tim nhân tạo của công ty Carmat.

Theo Ezrport, Ủy ban châu Âu vừa chấp thuận cho công ty sinh học Carmat ở Pháp được phép bán thương mại sản phẩm tim nhân tạo có tên Aseson ra thị trường từ quý 2 năm nay.

Sản phẩm này được nghiên cứu sản xuất suốt 27 năm qua, bắt nguồn từ ý tưởng của bác sĩ phẫu thuật và nhà phát minh van tim Alain Carpentier.

Quả tim nhân tạo có trọng lượng khoảng 900g (gấp 3 lần tim thật), có kết cấu và hình dáng như tim người nhưng được thiết kế trên vật liệu sinh học, có cảm biến cho phép điều tiết lượng máu theo nhu cầu. Quả tim chạy bằng pin, gắn gọn nhẹ ngoài cơ thể.

Ông Stephane Piat, Giám đốc điều hành công ty Carmat cho biết, tim nhân tạo với nhiều năm tuổi thọ có thể thay thế tim thật ở những bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối có chỉ định ghép tim. Tuy nhiên, hiện Uỷ ban Châu Âu chưa chấp thuận tim nhân tạo là thiết bị cấy ghép vĩnh viễn.

Công ty Carmat cho biết, trong năm 2021 có thể sản xuất 10 quả tim nhân tạo mỗi tháng, sau đó công suất có thể tăng lên theo nhu cầu.

Tim nhân tạo của công ty Carmat có giá 150.000 Euro (tương đương hơn 4,2 tỷ đồng). Đây là mức giá tương đối cao, không phải bệnh nhân và quỹ phúc lợi nào cũng có thể tiếp cận.

Trong các thử nghiệm trước đây, từng có bệnh nhân tử vong khi sử dụng tim nhân tạo của Carmat, tuy nhiên vị CEO của công ty này cho biết, các thử nghiệm sau này đã thành công 100%.

Công ty của Pháp cũng đang khởi động một nghiên cứu tại Mỹ với hy vọng được cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm của nước này cấp phép cho thiết bị tim nhân tạo vào năm 2024.

Tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới, tình trạng thiếu người hiến tặng để ghép tim phổ biến tại nhiều quốc gia. Chỉ tính riêng 5 nước Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Đức và Italy, mỗi năm có khoảng 2.000 bệnh nhân chờ ghép tim.

Bé 3 tuổi bị mẹ đánh chấn thương sọ não đã tử vong

Khoa Hồi sức tích cực và chống độc BV Nhi đồng 2, nơi điều trị cho bé. (Ảnh: GD&TĐ)

Bé gái ba tuổi tử vong tại bệnh viện Nhi đồng 2 tối 15/1, sau gần hai tháng điều trị chấn thương sọ não do bị mẹ đánh.

Theo thông tin từ bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), ngay trong đêm 15/1, các nhà hảo tâm đã hỗ trợ xe và áo quan đưa thi thể bé về quê.

Bé được bệnh viện quận 12 chuyển đến cấp cứu tại Nhi đồng 2 ngày 17/11/2020 trong tình trạng hôn mê, đồng tử giãn, mất phản xạ ánh sáng cùng nhiều vết bầm trên cơ thể.

Bác sĩ chẩn đoán bé tụ máu màng cứng, phù não, nứt sọ và viêm phổi nặng. Các bác sĩ phối hợp nhiều biện pháp điều trị tích cực nhưng bé không qua khỏi.

Ngày 30/11/2020, mẹ bé, Trần Thị Dung, 26 tuổi, quê Thừa Thiên - Huế, bị Công an quận 12, TP.HCM bắt. Người mẹ hành nghề bán vé số, từng có biểu hiện trầm cảm. Cô ta bỏ nhà đi từ năm 18 tuổi, có 5 con nhỏ với 3 đời chồng.

Theo điều tra, hôm 17/11/2020, thấy con gái 3 tuổi đi dép dính phân vào nhà, Dung tát rất mạnh khiến bé ngã xuống nền. Người mẹ tiếp tục nắm tóc con, đánh.

Dung sau đó đưa con đi tắm nhưng bé ngất xỉu. Ban đầu, cô ta nói với bệnh viện là con bị ngã cầu thang. Khi được hỏi về các vết thương ở chỗ kín, cô ta thừa nhận đã đánh con.

Cụ ông gầy yếu bị lồng ruột

Bệnh nhân nam, 81 tuổi, nặng 36kg, tiền sử tăng huyết áp vào bệnh viện Việt Nam Thuỵ Điển - Uông Bí (Quảng Ninh) do nôn, đau chướng bụng.

Xem phim chụp X-quang, ngày 15/1, bác sĩ Đào Đăng Sơn, Khoa Ngoại tiêu hóa Tổng hợp chẩn đoán người bệnh bị lồng ruột non do có khối u ruột non.

Theo bác sĩ, lồng ruột ở người lớn chỉ 1-5% trường hợp, lồng ruột ở trẻ em chiếm tỷ lệ 90% và 5% còn lại các trường hợp tắc ruột.

Bệnh ở trẻ em thường không rõ nguyên nhân, ở người lớn 90% nguyên nhân do u, chủ yếu là u ở ruột non và đại tràng. Một số khác do viêm hạch mạc treo, viêm hồi manh tràng mạn, có túi thừa meckel, manh tràng di động... Do đó, bệnh hiếm gặp hơn ở người lớn. Đa phần dấu hiệu lồng ruột ở người lớn thường bị bỏ sót, chẩn đoán muộn.

Thông thường, điều trị lồng ruột ở trẻ nhỏ có thể sử dụng phương pháp bơm hơi tháo lồng hoặc phẫu thuật. Còn ở người lớn, chỉ phẫu thuật mới giải quyết được dứt điểm, tránh nguy cơ tái phát.

Bác sĩ chỉ định tháo lồng ruột cho người bệnh và cắt đoạn ruột non có khối lồng. Các khối u sau phẫu thuật được gửi xét nghiệm sinh thiết mô bệnh học.

Bác sĩ khuyến cáo khi đau bụng từng đợt, có thể buồn nôn hoặc nôn, nên đến các cơ sở y tế để thăm khám. Mọi người cần khám định kỳ để phát hiện bệnh sớm, tránh những trường hợp biến chứng có thể xảy ra.

Việt Hương (T/h)

Tin nổi bật