Sản phụ mắc ung thư nhưng vẫn quyết giữ con
Theo báo Phụ Nữ Việt Nam, Bệnh viện K Trung ương cho biết đơn vị này vừa phối hợp với Bệnh viện Phụ sản Trung ương tiến hành mổ cấp cứu cho sản phụ P.T.T.T (trú tại Hà Nội) mang thai 31 tuần với chẩn đoán u lympho Non-Hodgkin giai đoạn IVA.
Khai thác tiền sử được biết sản phụ mang thai lần 3, trong đó 2 bé đầu sinh thường. Ở lần mang thai thứ 3, sản phụ không phát hiện bất thường. Khi thai ở giai đoạn 25-26 tuần, sản phụ xuất hiện đau bụng âm ỉ vùng hạ vị kèm ra máu âm đạo rỉ rả. Bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện K Trung ương và được được chẩn đoán u lympho Non hodgkin biểu hiện tại cổ tử cung trên nền thai 26 tuần.
Sau khi được bác sĩ tư vấn, bệnh nhân quyết định giữ con. Bệnh viện K đã trao đổi với các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Trung ương để theo dõi sát sự phát triển của khối u cho bệnh nhân và mong muốn kéo dài tối đa tuần tuổi thai kỳ. Đầu tháng 9/2022, sản phụ thấy xuất hiện máu âm đạo nhiều hơn. Chị đến khám và theo dõi tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương và được nhận định máu âm đạo chảy từ khối u. Các bác sĩ đã trao đổi ngay và chuyển người bệnh sang Bệnh viện K Trung ương để tiến hành phẫu thuật.
Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho sản phụ. Ảnh: Phụ Nữ Việt Nam
Cuộc hội chẩn diễn ra ngay trong đêm trực ngày 6/9, các chuyên gia của hai bệnh viện đánh giá: Khối u to sùi loét chiếm toàn bộ cổ tử cung, chảy máu nhiều. Các bác sĩ đã để gạc âm đạo cầm máu nhưng do khối u lớn, hoại tử nên không cầm được máu. Cùng với đó bệnh nhân có hiện tượng chuyển dạ, cơn co tử cung và đưa ra phương án mổ bắt con cho sản phụ ngay trong đêm.
Chỉ ít phút sau khi ca mổ diễn ra, bé trai nặng 1,6kg chào đời. Sau đó, em bé được chuyển về khoa Sơ sinh của Bệnh viện Sản phụ Trung ương, còn ca mổ tiếp tục được thực hiện. Theo TS Phạm Thị Diệu Hà – Phó Trưởng khoa Ngoại phụ khoa Bệnh viện K Trung ương, nguy cơ chảy máu trong mổ là rất lớn bởi bệnh nhân cùng một lúc tiến hành 2 cuộc mổ.
Bên cạnh đó, khối u trong cổ tử cung kích thước quá lớn và ống cổ tử cung cũng rất to đã xóa hết ranh giới giải phẫu, cùng với đó thân tử cung vì sản phụ mổ đẻ chưa co hồi nên càng làm mất các mốc giải phẫu, gây nhiều khó khăn cho bác sĩ trong mổ.
Trong quá trình mổ, bác sĩ nhận thấy có tổn thương u cổ tử cung kích thước 6x10cm, mủn nát hoại tử, chảy máu nên đã cắt toàn bộ tử cung cho bệnh nhân. Do mất máu nhiều trước đó, bệnh nhân đã được hồi sức tích cực và truyền 4 đơn vị hồng cầu, 4 đơn vị huyết tương. Ca mổ được thực hiện trong gần 4 tiếng, bệnh nhân hiện tỉnh, tiếp xúc tốt, tiếp tục được theo dõi và điều trị.
Cứu sống người đàn ông ngừng tuần hoàn hơn 40 phút
VTC News thông tin, bệnh nhân T.B.N (80 tuổi) có tiền sử bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Sau hơn 2 tuần điều trị, bệnh nhân qua cơn nguy kịch, tỉnh táo và tiếp xúc tốt.
Gia đình người bệnh cho biết ông N. đang đi thì đột ngột ngã quỵ, đau ngực trái dữ dội, kèm khó thở, được người nhà đưa vào cấp cứu tại bệnh viện huyện Kinh Môn (Hải Dương) trong tình trạng tỉnh táo. Vài phút sau, bệnh nhân đột ngột ngừng hô hấp, tuần hoàn. Ngay lập tức, bệnh nhân được các bác sĩ cấp cứu hồi sinh tim phổi. Sau hơn 40 phút ép tim liên tục, tim bệnh nhân đập trở lại, dù vẫn phải thở máy và an thần.
"Báo động đỏ” liên viện, từ Bệnh viện huyện Kinh Môn đến Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Hải Dương và đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 được kích hoạt để đưa ra phương án chẩn đoán, điều trị tối ưu nhất. Các thông số huyết động, hô hấp, hình ảnh điện tim liên tục được cập nhật; các bác sĩ vừa hội chẩn về chẩn đoán, vừa trao đổi về chiến lược xử trí.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân sau ca phẫu thuật. Ảnh: VTC News
Theo nhận định nhóm cấp cứu liên viện, đây là trường hợp nhồi máu cơ tim biến chứng sốc tim, ngừng tuần hoàn, rối loạn nhịp thất phức tạp, suy hô hấp thở máy, nguy cơ ngừng tim tái diễn và tử vong rất cao nên việc điều trị sẽ thực hiện tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Bác sĩ khoa Hồi sức tim mạch của bệnh viện đã trực tiếp giải thích cho người nhà qua điện thoại về dự kiến kế hoạch chẩn đoán, điều trị, những nguy cơ và biến chứng tiếp theo của bệnh nhân.
Trên cơ sở thông tin “báo động đỏ”, hệ thống cấp cứu và hồi sức tim mạch của Bệnh viện 108 được kích hoạt với mục tiêu chụp động mạch vành và tái tưới máu vùng nhồi máu cơ tim càng sớm càng tốt. Các phương án và dụng cụ can thiệp động mạch vành, các phương tiện hỗ trợ hồi sức tim mạch hiện đại như bóng đối xung động mạch chủ (IABP), hệ thống trao đổi oxy hóa màng ngoài cơ thể (VA-ECMO) được triển khai ngay tại phòng can thiệp.
Bệnh nhân tiếp tục xuất hiện ngừng tuần hoàn 3 lần, huyết áp phụ thuộc vào 3 thuốc trợ tim liều cao nhưng các bác sĩ khoa Hồi sức tim mạch đã kịp thời xử trí và giải quyết nguyên nhân, giúp cho bệnh nhân từng bước vượt qua nguy kịch. Sau khoảng hơn 2 tuần điều trị, người bệnh dần tỉnh lại, thoát sốc, bắt đầu tập đi lại và trở lại cuộc sống gần như bình thường.
Người đàn ông phải cắt cụt tay sau khi đi câu cá
Theo VietNamNet, bệnh nhân H. (30 tuổi, trú tại huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) phải vào bệnh viện trong tình trạng tổn thương nặng. Trước đó, người bệnh đi câu gần đường dây điện cao thế, khi vung cần vô tình chạm vào dây điện khiến điện phóng ra gây bỏng.
Sau tai nạn, bệnh nhân bị đau rát, bỏng vùng ngực, cẳng tay và 2 chân nhưng không đến cơ sở y tế thăm khám mà tự đắp thảo dược không rõ nguồn gốc (thuốc nam) để chữa trị. Tuy nhiên, tình trạng tổn thương không đỡ và đau nhiều kèm theo chảy dịch buộc bệnh nhân phải đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang thăm khám.
Bệnh nhân bị nhiễm trùng vết bỏng, cẳng tay hoại tử rất nặng nên có chỉ định phải cắt bỏ. Ảnh: VietNamNet
Bác sĩ CKI Nguyễn Quang Nguyên - Phó Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, cho biết, vết bỏng điện của bệnh nhân sâu, nhiều vỏ thuốc nam bẩn bám vào và chảy dịch. Bệnh nhân bị nhiễm trùng vết bỏng, cẳng tay hoại tử rất nặng nên có chỉ định phải cắt bỏ. Nếu không toàn bộ khu vực cẳng tay bị hoại tử sẽ nhiễm trùng, thấm ngược vào máu gây nhiễm trùng máu, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng
Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật cắt bỏ cẳng tay trái đồng thời chăm sóc các vết bỏng nặng trên ngực và 2 chân của bệnh nhân như vệ sinh vết bỏng, thay băng và điều trị bằng thuốc giảm đau, kháng sinh... Sau hơn 10 ngày phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân ổn định, các vết mổ và vết bỏng đã khô và lên da non.
Đinh Kim (T/h)