Bà dùng cồn nướng mực, cháu gái bị bỏng phải nhập viện
Theo báo Công An Nhân Dân, ngày 5/3, bác sĩ CKII Nguyễn Minh Tiến – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành Phố TP.HCM cho biết, đơn vị vừa cấp cứu và điều trị cho 2 trường hợp bệnh nhi bị bỏng nghiêm trọng.
Trường hợp thứ nhất là bé gái V.H.G (10 tháng tuổi, ngụ Tiền Giang). Trước khi nhập viện 2 giờ, bệnh nhi tập đi trong xe tập, đang đi thì chồm người tới bàn có bình đun nước sôi siêu tốc, kéo dây điện xuống.
Bình nước sôi đổ lên người bé, gây bỏng mặt, ngực, tay, chân phải. Người nhà phát hiện lập tức đưa bệnh nhi đến bệnh viện địa phương sơ cứu rồi chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Thành Phố.
Bé V.H.G bị bỏng nước sôi tại khoa Hồi sức ngoại. Ảnh: Công An Nhân Dân
Trường hợp thứ hai là bé gái Tr.Ng.Th.V (6 tháng tuổi, ngụ Đồng Nai). Theo lời kể của gia đình, trước khi nhập viện 3 giờ, bé được bà ngoại bồng, vừa chăm cháu vừa nướng mực bằng cồn. Khi gần hết lửa, bà ngoại châm cồn thêm. Lửa phựt mạnh cháy xém tay bà ngoại, cháy vào mặt, ngực, tứ chi của bé.
Người mẹ thấy vậy chạy tới phụ bồng bé và lấy tay dập lửa cho con nên cũng bị bỏng. Người nhà lập tức đưa bệnh nhi vào bệnh viện địa phương sơ cứu và chuyển Bệnh viện Nhi đồng Thành Phố.
Tại khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng Thành Phố, cả 2 trẻ đều trong tình trạng sốc với mạch nhẹ chi mát, huyết áp khó đo, diện tích bỏng khoảng 40% ở bé G. và 35% ở bé V. Hai bé đã nhanh chóng được các bác sĩ truyền dịch chống sốc, hỗ trợ hô hấp, dùng thuốc giảm đau và chăm sóc vết thương bỏng, sau đó chuyển đến khoa Hồi sức ngoại điều trị tiếp.
Bé Tr.Ng.Th.V bị bỏng cồn được điều trị tích cực tại khoa Hồi sức ngoại. Ảnh: Công An Nhân Dân
Các bệnh nhi được chăm sóc vết thương bỏng bằng các dung dịch sát trùng không gây đau và các loại gạc sinh học diệt khuẩn, tiêu mô hoại tử, kích thích tạo mô hạt, không dính mô khi thay gạc, kết với dinh dưỡng hợp lý. Sau hơn tuần điều trị, tình trạng vết thương bỏng cải thiện, lành dần.
Bé trai tắc hoàn toàn động mạch cánh tay sau cú ngã
VTV News đưa tin, ngày 28/2, khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên phẫu thuật cấp cứu thành công bệnh nhi D.V.B. (9 tuổi, trú tại Phú Bình, Thái Nguyên) bị tắc hoàn toàn động mạch cánh tay phải sau tai nạn chấn thương bằng kỹ thuật khâu nối mạch máu vi phẫu, sử dụng đoạn tĩnh mạch hiển đảo chiều tự thân.
Người nhà kể, trước vào viện khoảng 3 giờ, bệnh nhi đang chạy thì bị ngã và chống tay xuống đất, sau ngã bị biến dạng cánh tay phải. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng đau, hạn chế vận động tay phải, biến dạng vùng đầu dưới cánh tay phải, khuỷu tay phải. Cẳng bàn tay phải lạnh, động mạch quay, động mạch trụ tay phải không bắt được, hồi lưu ngọn chi kém.
Kiểm tra bằng chụp cắt lớp vi tính mạch máu thấy hình ảnh tắc hoàn toàn động mạch cánh tay phải một đoạn khoảng 10 cm, trên phim X-quang thấy hình ảnh gãy trên lồi cầu xương cánh tay phải di lệch.
Bác sĩ kiểm tra tình hình bệnh nhi. Ảnh: VTV News
Kíp phẫu thuật gồm các bác sĩ khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực, khoa Chấn thương chỉnh hình và khoa Gây mê hồi sức đã thực hiện kết hợp xương cánh tay và nối ghép vi phẫu đoạn động mạch cánh tay bằng đoạn tĩnh mạch hiển đảo chiều tự thân.
“Chấn thương gây tắc hoàn toàn động mạch cánh tay một đoạn dài có kèm theo gãy trên lồi cầu xương cánh tay di lệch trên bệnh nhi 9 tuổi là một ca bệnh khó và hiếm gặp, nếu không kịp thời phẫu thuật cấp cứu tái thông lại động mạch cánh tay, nguy cơ cao phải cắt bỏ cánh tay”, ThS.BSNT Vũ Đức Mạnh, khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực chia sẻ.
Bé gái 11 tháng tuổi chấn thương sọ não sau cũ ngã đập đầu xuống nền cứng
Theo VietNamNet, trong lúc chơi ở nhà, bé C. (11 tháng tuổi) bị ngã đập đầu xuống nền cứng. Sau ngã, bé vẫn tỉnh táo nhưng vùng đầu sưng nề, nôn, quấy khóc nhiều. Gia đình lập tức đưa bệnh nhi lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cấp cứu.
Kết quả thăm khám lâm sàng và hình ảnh chụp cắt lớp vi tính, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị chấn thương sọ não, máu tụ ngoài màng cứng đỉnh chẩm trái.
Sau khi hội chẩn liên khoa Nhi, Gây mê hồi sức, Phẫu thuật Thần kinh - Cột sống, các bác sĩ chỉ định phẫu thuật cấp cứu mở hộp sọ lấy máu tụ, cầm máu và ghép lại ngay xương sọ cho bệnh nhi.
Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhi. Ảnh: VietNamNet
Sau khi gây mê nội khí quản, phẫu thuật viên tiến hành bóc tách tổ chức dưới da bộc lộ xương sọ, thấy đường vỡ xương lan từ vùng chẩm trái lên đến đỉnh, tiếp tục cắt xương xung quanh vùng máu tụ đã xác định từ trước. Bên dưới, nhiều máu tụ ngoài màng cứng vùng hố sau, chẩm và đỉnh trái.
Khối máu tụ đã tạm thời đông đặc nhưng vẫn có dấu hiệu chảy máu liên tục từ đường vỡ xương và xoang tĩnh mạch ngang. Kíp mổ lấy máu tụ ngoài màng cứng, thực hiện cầm máu nguồn chảy, cuối cùng đặt lại xương, dẫn lưu và đóng vết mổ.
Ca mổ kéo dài 2 giờ. Sau mổ 1 ngày, bệnh nhi tỉnh táo, bú tốt, không nôn. Đến ngày 4/3, sức khỏe bệnh nhi tiến triển tốt, không quấy khóc, ăn ngủ và vận động bình thường, vết mổ khô.
Đinh Kim (T/h)