Người đàn ông chịu đau 5 năm vì khối u hiếm gặp dưới móng tay
Theo VietNamNet, ngày 3/3, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cho biết, đơn vị vừa phẫu thuật thành công lấy khối u cuộn mạch dưới móng tay hiếm gặp cho bệnh nhân L.H.H.Q (SN 1991, ngụ phường Tân Tiến, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Được biết, bệnh nhân đang làm nghề kỹ sư tại Đồng Nai.
Trước đó, ngày 1/3, bệnh nhân đi khám tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất trong tình trạng đau dưới móng ngón giữa của bàn tay trái. Khi ấn nhẹ vào móng tay, bệnh nhân đau nhói, khó chịu. Người bệnh bị đau như vậy đã 5 năm, ảnh hưởng trực tiếp đến công việc và sinh hoạt hàng ngày.
Các bác sĩ phẫu thuật lấy u cuộn mạch dưới móng tay của bệnh nhân. Ảnh: VietNamNet
Bác sĩ phát hiện ở dưới móng tay của bệnh nhân có một nốt nhỏ đen mờ. Kết quả chụp MRI cho thấy đó là khối u cuộn mạch dưới móng tay. Sau đó, các bác sĩ cho bệnh nhân nhập viện và tiến hành phẫu thuật xẻ móng tay, lấy u cuộn mạch dưới móng tay của bệnh nhân bằng hạt nho. Hiện tại, người bệnh ổn định, đang uống thuốc giảm đau, dự kiến sẽ xuất viện trong vài ngày tới.
Bác sĩ CKII Nguyễn Tường Quang, Trưởng khoa Ngoại, chấn thương chỉnh hình - bỏng, chia sẻ u cuộn mạch dưới móng tay rất hiếm gặp, chỉ chiếm 1-5% u ở bàn tay. Khi phẫu thuật lấy khối u, các bác sĩ phải có bộ dụng cụ nhỏ, chuyên dụng. Bên cạnh đó, các phẫu thuật viên phải cẩn thận, tỉ mỉ.
Em gái hiến thận cứu chị gái bị suy thận
VTV News đưa tin, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa vừa thực hiện thành công ca ghép thận cùng huyết thống em gái cho chị gái, nâng tổng số ca ghép thận thành công lên 17 ca.
Cụ thể, bệnh nhân được ghép thận là H.T.O. (40 tuổi, trú tại Đại Tiến, phường Hải Ninh, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Người bệnh có tiền sử bệnh thận mạn giai đoạn 5, chạy thận nhân tạo chu kỳ 3 lần/tuần.
Gần đây, bệnh nhân mệt mỏi nhiều, tiểu ít nên được sàng lọc ghép thận từ người cho cùng huyết thống. Người hiến em gái bệnh nhân - chị H.T.P (29 tuổi, trú tại Đại Tiến, phường Hải Ninh, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Chị P. có sức khỏe bình thường, đủ điều kiện hiến thận.
Ekip bác sĩ phẫu thuật lấy thận từ người hiến. Ảnh: VTV News
Sau khi thực hiện các xét nghiệm sàng lọc cần thiết và chuẩn bị đầy đủ hồ sơ pháp lý theo quy định của pháp luật, ekip ghép thận của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành phẫu thuật ghép thận cho cặp ghép trên.
Sau 14 ngày điều trị và chăm sóc tích cực sau ghép thận, tình trạng sức khỏe bệnh nhân ổn định, chức năng thận ghép hoạt động tốt, các chỉ số xét nghiệm của thận ghép trong giới hạn bình thường. Hiện, bệnh nhân đã được xuất viện.
Hút gần 1,3 lít dịch trong phổi cứu người đàn ông
Ngày 3/3, TS.BS Đặng Thị Mai Khuê – Đơn vị Hô hấp, khoa Nội Tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho hay, nam bệnh nhân T.T.N (47 tuổi, Việt kiều Mỹ) cấp cứu trong tình trạng khó thở nặng, sốt cao, nồng độ oxy máu thấp do tràn dịch màng phổi phải, hóa mủ, theo VnExpress.
Người bệnh được điều trị bằng kháng sinh. Cùng với đó, bác sĩ hút ra gần 1,3 lít dịch vàng ở hai bên phổi (đặc biệt, phổi phải bị tràn dịch toàn bộ) để giảm khó thở cho bệnh nhân. Trong khi đó, lượng dịch bình thường ở khoang màng phổi rất ít, chỉ khoảng 20 ml. Kết quả chụp CT cho thấy người bệnh có thêm ổ mủ to trên vùng đỉnh phổi.
Theo nhận định của ThS.BS Lê Thị Ngọc Hằng và ThS.BS. Nguyễn Hồng Vinh, khoa Tim mạch - Lồng ngực, người bệnh cần phẫu thuật nội soi lồng ngực ngay để phá bỏ ổ tụ mủ, giúp phổi nở tối đa. Nếu không can thiệp ngay thì bệnh nhân có nguy cơ diễn tiến thành suy hô hấp, nhiễm trùng phổi, trung thất, nhiễm độc, dẫn đến tử vong.
Ảnh chụp tràn dịch màng phổi trước (bên trái) và sau khi hút dịch mủ và mổ nội soi (bên phải). Ảnh: VnExpress
Ca phẫu thuật cho bệnh nhân kéo dài 4 tiếng. Sau phẫu thuật, phổi bệnh nhân nở, hết dịch, không còn khó thở, hạ sốt. Bệnh nhân tiếp tục điều trị kháng sinh, tập vật lý trị liệu hô hấp, sức khỏe ổn định và xuất hiện sau 2 ngày.
Trước đó, bệnh nhân từ Mỹ về Việt Nam được một tuần thì đột nhiên xuất hiện tình trạng khó thở, sốt cao. Anh điều trị tại một bệnh viện ở tỉnh nhưng bệnh trở nặng. TS.BS Đặng Thị Mai Khuê chia sẻ, bệnh nhân này là trường hợp cận viêm của bệnh lý viêm phổi, khiến lượng dịch tăng lên gấp nhiều lần.
Bệnh thường xuất hiện ở những người thiếu dinh dưỡng, có cơ địa nhiễm trùng, hút thuốc lá, COPD, lao phổi, HIV, tiểu đường lâu năm. Trường hợp nói trên hiếm gặp do người bệnh không có bệnh nền, không suy dinh dưỡng.
Đinh Kim (T/h)