Bé 6 tuổi ăn phải bim bim tẩm thuốc diệt chuột
Theo VietNamNet, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết vừa cứu sống bé N.T.N.N (6 tuổi, ở Hạ Long, Quảng Ninh) bị ngộ độc do ăn bim bim có tẩm thuốc diệt chuột. Người nhà kể, ngày 28/2, để bẫy chuột, gia đình có tẩm thuốc diệt chuột vào bim bim. Do sơ ý không để bẫy cẩn thận nên bệnh nhi đã lấy số bim bim này ăn.
Ngay sau khi phát hiện, gia đình đã đưa bệnh nhi vào Bệnh viện Bãi Cháy cấp cứu. Sau một ngày điều trị và chăm sóc tại khoa Nhi, sức khỏe của bệnh nhi đã ổn định.
Bác sĩ khám lại cho bệnh nhi. Ảnh: VietNamNet
Bác sĩ Nguyễn thị Như Trang – khoa Nhi Bệnh viện Bãi Cháy chia sẻ, bệnh nhi may mắn nhập viện sớm, lượng bim bim ăn chưa nhiều, được cấp cứu kịp thời nên không nguy hiểm tính mạng, VnExpress thông tin.
Bác sĩ nói thêm, trẻ em với bản năng tò mò, thích khám phá thế giới xung quanh, hay đưa mọi thứ vào miệng, nhất là những vật màu sắc sặc sỡ, mùi vị hấp dẫn.
Để tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra, bố mẹ lưu ý khi sử dụng hóa chất diệt chuột (làm bả, đặt bả chuột) phải đặt ở khoảng cách xa và cách biệt hẳn so với nơi ở, nơi ăn uống, đặc biệt xa thức ăn, nước uống, xa trẻ em.
Đồng thời, không dùng các dụng cụ chứa đựng thức ăn, đồ uống để chứa đựng hóa chất, không để thực phẩm và hóa chất gần nhau để tránh sử dụng nhầm. Nếu trẻ uống nhầm thuốc chuột, hóa chất thì cần đưa đến cơ sở y tế để cấp cứu kịp thời.
Người phụ nữ 56 tuổi phải cắt tử cung
Theo VnExpress, ngày 28/2, bác sĩ Lê Thị Anh Đào – Trưởng khoa Phụ Ngoại A5 Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho hay, nữ bệnh nhân 56 tuổi bị rong kinh, kinh nguyệt không đều, nghi ngờ có thai.
Bác sĩ chỉ định làm một số xét nghiệm hormone, đông máu, tổng phân tích máu, siêu âm ổ bụng và đầu dò. Kết quả cho thấy bệnh nhân chửa trứng, lạc nội mạc tử cung, thiếu máu do bị rong kinh.
Sau khi hội chẩn, kíp bác sĩ quyết định phẫu thuật cắt tử cung và hai phần phụ. Hiện, bệnh nhân theo dõi hậu phẫu tại bệnh viện.
Kíp bác sĩ phẫu thuật cho người bệnh. Ảnh: VnExpress
Theo bác sĩ, chửa trứng là tình trạng thai nghén bất thường, trong đó một phần hay toàn bộ gai nhau bị thoái hóa thành các túi chứa dịch to, nhỏ, dính vào nhau thành từng chùm. Đa số trường hợp không có bào thai (thai trứng hoàn toàn), một số trường hợp có bào thai (thai trứng bán phần).
Khoảng 80% trường hợp thai trứng là lành tính, được giải quyết bằng phương pháp nạo hút. Tuy nhiên, nếu không được theo dõi và điều trị đúng, bệnh nhân có thể gặp biến chứng rất nguy hiểm như trứng bị sảy gây băng huyết. Một số tai biến khác gồm thủng lớp cơ tử cung, gây chảy máu ổ bụng, phát triển ung thư.
Do đó, khi có các dấu hiệu như rong huyết, chậm kinh, rối loạn kinh nguyệt, nôn nhiều, mệt mỏi, xanh xao, người bệnh nên đi khám tại các cơ sở y tế chuyên môn. Sau điều trị, bệnh nhân chửa trứng cần theo dõi chặt chẽ sức khỏe trong hai năm.
Sốc mất máu do viêm tụy cấp biến chứng hoại tử động mạch lách
VTV News đưa tin, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ vừa điều trị thành công, cứu sống nam bệnh nhân 54 tuổi bị sốc mất máu do viêm tụy cấp biến chứng hoại tử động mạch lách. Trước đó, người bệnh xuất hiện đau bụng dữ dội vùng quanh rối, được người nhà chuyển đến Trung tâm Y tế huyện Yên Lập.
Sau đó, người bệnh được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ. Được biết, bệnh nhân có tiền sử viêm tụy cấp cách ngày vào viện 2 tuần.
Tại khoa Hồi sức tích cực – Chống độc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, người bệnh ở trong tình trạng đau bụng, mệt mỏi, buồn nôn không nôn, da, niêm mạc rất nhợt, tim nhịp nhanh; huyết áp 70/40mmHg, dấu hiệu phản ứng thành bụng khắp bụng.
Bác sĩ kiểm tra tình trạng của bệnh nhân. Ảnh: VTV News
Bệnh nhân được chẩn đoán sơ bộ: Theo dõi sốc nhiễm khuẩn chưa loại trừ sốc giảm thể tích, theo dõi viêm tụy cấp hoại tử và được điều trị hồi sức tích cực bao gồm đặt Catheter tĩnh mạch trung tâm, đặt Artline theo dõi huyết áp liên tục, truyền máu cấp cứu, bù dịch, thuốc vận mạch.
Khi huyết áp tạm thời ổn định, người bệnh được chụp CTScanner ổ bụng có tiêm thuốc cản quang dựng hình mạch máu ổ bụng, kết quả cho thấy hình ảnh thoát thuốc cản quang ra ổ bụng, theo dõi tổn thương động mạch lách.
Các bác sĩ lập tức hội chẩn và chỉ định phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhân bằng phương pháp kẹp động mạch lách, lấy tổ chức hoại tử đuôi tụy. Sau phẫu thuật, bệnh nhân tiếp tục được chăm sóc, điều trị tích cực tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc. Qua 9 ngày điều trị, tình hình sức khỏe bệnh nhân tiến triển tốt và có thể xuất viện trong vài ngày tới.
Đinh Kim (T/h)