Cứu bệnh nhân sốt xuất huyết có biến chứng rất hiếm gặp
Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ thông tin, đơn vị này vừa can thiệp nút mạch thành công cho bệnh nhân N.T.K.Y. (33 tuổi, ngụ An Giang) bị xuất huyết động mạch tự phát rất hiếm gặp do biến chứng bệnh sốt xuất huyết.
Theo báo Giao Thông, trước đó, bệnh nhân bị sốt cao nhiều ngày kèm đau bụng âm ỉ vùng hông trái, đến bệnh viện địa phương điều trị. Người bệnh được cấp cứu, truyền máu và chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ vào tối ngày 28/9 trong tình trạng khó thở, sốt cao, niêm mạc nhợt, mạch nhanh nhẹ, tay chân lạnh, bụng chướng, ấn đau khắp bụng.
Các bác sĩ khoa Cấp cứu đã khám và xử trí cấp cứu, thực hiện các xét nghiệm, kết quả siêu âm bụng ghi nhận khối tụ máu lớn sau phúc mạc dọc hông trái, dịch ổ bụng lượng kém thuần trạng (nghi dịch máu), tràn dịch màng phổi hai bên. Người bệnh được truyền dich, truyền máu theo phác đồ điều trị sốt xuất huyết.
Tình trạng bệnh nhân ổn định, không xuất huyết tái phát. Ảnh: Báo Giao Thông
Kết quả chụp cắt lớp vi tính vùng bụng có cản quang phát hiện tổn thương choáng chỗ vùng thành bụng trái nghĩ nhiều là máu, có hiện tượng thoát mạch bên trong. Bệnh nhân có chỉ định chụp và nút động mạch cầm máu các tạng số hóa xóa nền ngay trong đêm ngày 28/9. Kết quả ghi nhận đa ổ xuất huyết xuất phát từ nhánh động mạch chậu trong trái nên tiến hành bơm hỗn hợp keo. Kỹ thuật thành công sau 30 phút, ổ xuất huyết đã được kiểm soát, tắc hoàn toàn.
Sau can thiệp, huyết động của bệnh nhân ổn, được tiếp tục theo dõi tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc. Ngày 30/9, người bệnh bất ngờ xuất huyết nội mạch tái phát, rối loạn đông máu, được xử trí truyền máu cùng các chế phẩm máu và được can thiệp nội mạch cấp cứu lần 2.
Các bác sĩ khảo sát thấy vài ổ thoát mạch vùng cấp máu xuất phát từ động mạch thượng vị dưới, nút tắc bằng hỗn hợp keo thành công với thời gian 30 phút. Tình trạng bệnh nhân ổn định, không xuất huyết tái phát.
Giữ song thai thêm 10 ngày trong bụng mẹ dù vỡ ối
Ngày 4/10, đại diện Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết thai phụ 33 tuổi từng được khâu vòng cổ tử cung giữ thai ở tuần 14. Thai phụ nhập viện khi buồng ối phải bị vỡ, đặt ra 2 tình huống điều trị là đình chỉ thai và lấy em bé ra hoặc tiếp tục giữ hai bé trong bụng mẹ.
“Nếu đình chỉ thai, trẻ chào đời quá yếu và non nớt. Nhưng nếu giữ con ở lại trong bụng mẹ, em bé cũng đối mặt nguy cơ nhiễm trùng, mất tim thai", VnExpress dẫn lời đại diện Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
Bác sĩ khám cho bệnh nhân sau sinh. Ảnh: VnExpress
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ lựa chọn tiếp tục giữ thai trong bụng mẹ, kết hợp sử dụng thuốc kháng sinh, giảm co tử cung, nhằm giúp thai nhi phát triển trong bụng mẹ càng lâu càng tốt. 10 ngày sau đó, thai phụ sốt 39 độ C, dương tính SARS-CoV-2. Đến tối cùng ngày, thai phụ đau bụng dữ dội, thai nhi thứ 2 vỡ ối.
Ekip khám và theo dõi sát để hai em bé trong bụng mẹ lâu nhất có thể. Tới khi có cơn chuyển dạ rõ ràng, cổ tử cung mở 3cm, các bác sĩ tiến hành mổ lấy thai. Thời điểm này, hai em bé được 28 tuần tuổi.
Các bác sĩ đánh giá chỉ số Apgar (tình trạng sức khỏe) của hai bé tốt, không cần thở máy như các bé sinh non khác, chỉ cần thở oxy hỗ trợ. Hai bé hiện đang được chăm sóc tích cực ở khoa Sơ sinh, còn người mẹ hồi phục sức khỏe tốt.
Cấp cứu thành công bệnh nhân tắc mạch phổi
Theo báo Tin Tức, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh vừa cấp cứu thành công bệnh nhân tắc mạch phổi lớn do nằm thời gian dài sau tai nạn giao thông bằng phương pháp dùng thuốc tiêu sợi huyết.
Được biết, phương pháp này đã được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh áp dụng thành công cho bệnh nhân bị nhồi máu não đến sớm. Tuy nhiên, đây là ca tắc mạch phổi nhánh lớn và nặng nhất từ trước đến nay điều trị thành công bằng thuốc tiêu sợi huyết.
Cụ thể, bệnh nhân T.T.L ở xã Tân Chi, huyện Tiên Du (tỉnh Bắc Ninh) bị tai nạn giao thông, chấn thương vùng khung chậu cách đây 20 ngày. Người bệnh không vận động được nhiều, hầu như chỉ nằm tại chỗ.
Ngày 30/9, bệnh nhân xuất hiện tình trạng run chân tay, khó thở, đau ngực dữ dội, nhịp tim tăng cao bất thường nên được gia đình đưa đến viện. Sau khi được cấp cứu sơ bộ và thực hiện các chỉ định cận lâm sàng, đánh giá nồng độ khí máu và độ bão hòa oxy máu giảm thấp, phim chụp cắt lớp cho thấy hình ảnh huyết khối gây hẹp lòng động mạch phổi 2 bên.
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh thăm khám cho người bệnh. Ảnh: TTXVN
Nhận định tình trạng người bệnh nguy kịch, kịch, nguy cơ tử vong cao do động mạch phổi phải bị khối máu đông bít tắc hoàn toàn, kết hợp với mạch nhanh và huyết áp không ổn định, các bác sĩ đã hội chẩn, đưa ra phác đồ, giải thích với gia đình và tiến hành điều trị tiêu sợi huyết cho bệnh nhân.
Chia sẻ về ca bệnh, bác sĩ Nguyễn Thanh Phương, Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh, cho hay bệnh nhân vào viện trong tình trạng cấp tính, toàn bộ động mạch phổi phải gần như bị bít tắc, nếu không khai thông sớm, người bệnh sẽ bị tử vong do thiếu sự cung cấp máu lên phổi để tiến hành trao đổi oxy.
Sau khi điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết, tình trạng của bệnh nhân đã cải thiện nhanh chóng. Sau 4 ngày điều trị, bệnh nhân không phải thở oxy, nhịp tim trở về bình thường 70 - 80 lần/phút, SPO2 (độ bão hòa oxy trong máu ngoại vi) khí trời đạt 96 - 97%, lâm sàng ổn định.
Các bác sĩ cũng tiến hành chụp cắt lớp động mạch phổi thấy cục máu đông gần như đã hết, lòng mạch cơ bản được lưu thông như bình thường. Đặc biệt, bệnh nhân được siêu âm tĩnh mạch chi dưới xác định có hình ảnh huyết khối trong tĩnh mạch đùi, các bác sĩ sẽ tiếp tục có kế hoạch điều trị lâu dài cho người bệnh.
Đinh Kim (T/h)