Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống ngày 3/10: Bác sĩ trẻ hiến máu cứu bệnh nhân nguy kịch

  • Đinh Kim
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 3/10/2022. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 3/10/2022 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Bác sĩ trẻ hiến máu cứu bệnh nhân nguy kịch

Trung tâm Y tế huyện Lục Nam (Bắc Giang) cho biết bác sĩ Nguyễn Danh Trung Kiên, Phó trưởng Khoa Phụ sản - Chăm sóc sức khỏe sinh sản vừa tình nguyện hiến máu cứu người bệnh nguy kịch, theo báo Tiền Phong.

Trước đó, bệnh nhân N.T.H (40 tuổi, ở xã Trường Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) được người nhà đưa vào Trung tâm Y tế huyện Lục Nam cấp cứu do sảy thai, băng huyết, mất máu nhiều.

Bệnh nhân phản ứng rất chậm, da xanh, niêm mạc nhợt nhạt, mạch đập nhanh, huyết áp tụt, nguy cơ tử vong cao. Các bác sĩ Khoa Phụ sản - Chăm sóc sức khỏe sinh sản nhanh chóng chỉ định dùng thuốc vận mạch, nạo buồng tử cung và truyền máu cấp cứu.

Bác sĩ kiểm tra sức khỏe của bệnh nhân sau phẫu thuật. Ảnh: Tiền Phong

Lúc này, kho dự trữ huyết học của Trung tâm Y tế huyện Lục Nam không còn máu nhóm A tương đồng với nhóm máu của người bệnh. Không để bệnh nhân mất thời gian chờ đợi nguồn máu từ tuyến trên chuyển về, ông Vũ Trí Quý, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lục Nam, chỉ đạo các khoa, phòng có liên quan rà soát trong cán bộ, nhân viên để sàng lọc, tìm nguồn máu phù hợp cấp cứu.

Bác sĩ Nguyễn Danh Trung Kiên có mặt tại ca trực đã tình nguyện hiến 1 đơn vị máu (350 ml). Được biết, bác sĩ Trung Kiên sinh năm 1992, công tác tại Trung tâm Y tế huyện Lục Nam từ năm 2016. Đây là lần thứ ba bác sĩ hiến máu tình nguyện (lần thứ nhất vào năm 2015, lần thứ hai là tháng 6).

Suy tuyến vỏ thượng thận vì lạm dụng thuốc chứa corticoid

Theo VnExpress, nam bệnh nhân 58 tuổi đau khớp, mệt mỏi, gầy sút cân nhưng béo bụng. Người bệnh có tiền sử bệnh gout, đái tháo đường nhiều năm, tự tiêm thuốc khớp và uống thuốc nam.

Ngày 1/10, các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Thạch Thất, cho biết bệnh nhân có triệu chứng điển hình của hội chứng Cushing (tăng cân, mặt tròn, béo, tích tụ mỡ ở vùng cổ, sau gáy...), teo cơ tứ chi, da mỏng, dễ xuất huyết.

Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị suy tuyến vỏ thượng thận do lạm dụng thuốc chứa corticoid để điều trị bệnh lý khớp trong thời gian dài. Theo bác sĩ, bệnh nhân phải điều trị lâu dài với phác đồ riêng tùy theo bệnh lý biến chứng kèm theo.

Được biết, Corticoid (hay corticosteroid) là nhóm hoạt chất có tác dụng kháng viêm mạnh, chống dị ứng, ức chế miễn dịch, thường được sử dụng để điều trị nhiều bệnh lý khác nhau, từ các bệnh về da như kích ứng do côn trùng đốt, eczema, chàm, vảy nến..., đến viêm khớp, viêm phổi, bệnh tự miễn như dị ứng, lupus ban đỏ hệ thống.

Tuy nhiên, việc tự ý dùng corticoid liều cao và kéo dài dẫn đến nguy cơ suy tuyến thượng thận, rạn da, suy giảm chức năng miễn dịch gây nhiễm trùng cơ hội, tăng đường huyết, rối loạn điện giải, rối loạn tâm thần... Người bệnh có thể rơi vào tình trạng mệt mỏi khó chịu, chán ăn, đau cơ, nhức đầu, bong vảy da... nếu ngừng thuốc hoặc giảm liều đột ngột.

Chảy máu mũi ồ ạt sau 3 ngày sốt cao

Báo Sức Khỏe & Đời Sống thông tin, bệnh nhân H.A.L (40 tuổi, ở Hà Giang) đang học tập tại Hà Nội. Trước khi nhập viện, bệnh nhân sốt cao 3 ngày, đã uống thuốc và đỡ sốt. Tuy nhiên, sau đó bệnh nhân đau đầu dữ dội không thể chịu được nên vào viện thăm khám.

Tại bệnh viện, người bệnh có kết quả xét nghiệm dương tính với sốt xuất huyết. Bệnh nhân khá bất ngờ do 3 người cùng phòng không ai mắc sốt xuất huyết, không rõ nguồn lây từ đâu.

Bệnh nhân có thể xuất viện vào đầu tuần tới. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thanh – khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện E, khi vào viện, dù bệnh nhân đã cắt cơn sốt nhưng bất ngờ chảy máu ồ ạt ở mũi, không thể cầm máu bằng phương pháp thông thường, phải đến sự hỗ trợ của bác sĩ khoa Tai Mũi Họng tiến hành nhét meche mũi (giống như miếng gạc nhét mũi) mới giúp bệnh nhân thoát khỏi cửa tử.

Bên cạnh đó, tình trạng tiểu cầu của bệnh nhân tụt nhanh chóng chỉ còn 13, dù được truyền 1 đơn vị tiểu cầu nhưng số tiểu cầu trong máu không tăng lên mà tiếp tục giảm phải truyền thêm 6 đơn vị tiểu cầu thì bệnh nhân mới ổn định về chỉ số máu. Hiện, người bệnh vẫn chảy máu nhưng số lượng giảm hơn, có thể rút meche trong 1 - 2 ngày nữa, có thể xuất viện vào đầu tuần tới.

ThS.BS Vũ Mạnh Cường - Phụ trách khoa Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện E cho biết, đây là trường hợp mắc sốt xuất huyết nặng nhất từ đầu mùa dịch năm 2022 đến nay tại đơn vị này. May mắn, khi chảy máu ồ ạt, bệnh nhân đã có mặt ở viện nên việc xử lý được đảm bảo, nếu không nguy cơ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe là hoàn toàn có thể xảy ra.

Đinh Kim (T/h)

Tin nổi bật