Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống mới nhất ngày 5/10/2020: Bé gái "tí hon" trải qua cuộc đại phẫu sau 2 ngày chào đời

(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 5/10/2020. Cập nhật tin đời sống mới ngày 5/10/2020 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Tin tức đời sống mới nhất ngày 5/10/2020. Cập nhật tin đời sống mới ngày 5/10/2020 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Bé gái phải trải qua cuộc đại phẫu sau 2 ngày chào đời

Bé gái chỉ to bằng bàn tay của phẫu thuật viên. (Ảnh: Tri thức trực tuyến)

BSCKI Nguyễn Cát Phương Vũ, khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), cho biết trên Tri thức trực tuyến, đơn vị này vừa chỉnh sửa thành công các dị tật bẩm sinh cho một bé gái "tí hon".

Bệnh nhi sinh non ở tuần thứ 32 tại Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM). Ngay khi chào đời, trẻ chỉ nặng 1,7 kg, bị suy hô hấp, sùi bọt cua, đặt ống thông vào dạ dày bị vướng. Trước đó, mẹ bé khám thai định kỳ nhưng không ghi nhận dấu hiệu bất thường. Nghi ngờ bé bị teo thực quản, các bác sĩ quyết định chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.

Sau khi thăm khám và chụp X-quang, siêu âm, các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị giãn hơi dạ dày và đoạn đầu tá tràng, đa dị tật ở tim, teo thực quản type C, tắc ruột tá tràng. Nhận thấy tình trạng trẻ nguy kịch, các bác sĩ quyết định mổ khẩn cấp để xử trí các tổn thương ban đầu.

Ca phẫu thuật lần một diễn ra lúc trẻ 2 ngày tuổi. Bệnh nhi được cột đường rò khí và đưa thực quản ra da, nối tá tràng. Mục đích là để làm giảm tình trạng suy hô hấp và nguy cơ vỡ dạ dày.

Cuộc mổ lần 2 diễn ra sau 28 ngày. Các bác sĩ cột cắt đường rò và nối lại thực quản cho trẻ. Các dị tật được sửa hoàn chỉnh.

Sau gần 2 tháng trải qua cuộc phẫu thuật phức tạp, bệnh nhi hồi phục ngoạn mục. Hiện trẻ được cai máy thở, đường tiêu hóa hoạt động ổn định.

ThS.BS Tạ Huy Cần, Trưởng khoa Ngoại Tổng hơp, bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết tình trạng yếu ớt của bé sơ sinh không thể chịu được thời gian mổ quá lâu. Do đo, các bác sĩ quyết định chia thành 2 thì mổ để giải quyết lần lượt các dị tật. Các bác sĩ nhận định đây là ca mổ khó và cũng là thách thức lớn trong lĩnh vực phẫu thuật dị tật sơ sinh, non tháng ở Việt Nam.

Lấy gần 20 chiếc răng trong khối u của bệnh nhi 12 tuổi

Khối u răng qua hình ảnh X-quang răng toàn cảnh (Ảnh: BVCC)

Mới đây, các bác sỹ chuyên khoa Răng hàm mặt BVĐK Hùng Vương – Phú Thọ đã phẫu thuật thành công một ca u răng, lấy ra gần 20 chiếc răng trong khối u cho bệnh nhân 12 tuổi.

Được biết, bệnh nhân được gia đình đưa đến bệnh viện khám với lý do 12 tuổi nhưng răng nanh hàm trên bên trái vẫn chưa mọc. Kết quả chụp răng toàn cảnh của bệnh nhân cho thấy hình ảnh khối u răng kết hợp vị trí hàm trên bên trái.

Ngay lập tức, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật loại bỏ khối u răng. Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ lấy ra gần 20 chiếc răng nhỏ tại khối u có đầy đủ thân, tủy và chân răng. Sau đó, bác sĩ đã thực hiện đặt khí cụ kéo răng nanh ngầm về đúng vị trí.

Hiện, sức khỏe của bệnh nhi đã ổn định và có thể ra viện.

Theo các bác sĩ, u răng hỗn hợp Odontoma diễn tiến âm thầm và ít bộc lộ các triệu chứng hay các dấu hiệu trên lâm sàng. Khối u có thể gây biến dạng khuôn mặt, hàm răng lộn xộn, xô đẩy do khối u chiếm vị trí của răng.

Bệnh u răng rất khó để phát hiện do khối u không gây đau nhức, chỉ qua phim chụp X-quang răng toàn cảnh (Panorama toàn hàm) mới có thể nhìn thấy. Phương pháp điều trị duy nhất là phẫu thuật để lấy u. Nếu được phát hiện sớm phẫu thuật sẽ đơn giản. Trường hợp chậm trễ sẽ rất khó điều trị, thậm chí để lại nhiều di chứng gây nguy hiểm đến tính mạng.

Người đàn ông bị lỗ rò chỉ thường gặp thời chiến tranh

Bệnh viện quận Thủ Đức TP.HCM vừa can thiệp một người đàn ông rò mạch máu chảy "rồ rồ" trong người hàng chục năm mà không biết. Cách đây 11 năm ông Đ.X.B. (50 tuổi) can thiệp cắt cơn nhịp nhanh kịch phát bằng sóng cao tần dưới hướng dẫn DSA tại một bệnh viện lớn.

Không may trong quá trình can thiệp, kim đi vào động mạch đã đâm qua tĩnh mạch song song kề bên tạo thành một đường thông từ động mạch sang tĩnh mạch khiến cho tĩnh mạch dị dạng và ngày càng phình to, gọi là rò động tĩnh mạch tự nhiên AVF (Arteriovenous Fistula). Sau can thiệp điều bệnh nói trên, ông B. hay cảm thấy tê chân nhưng lại không để ý, đồng thời không hề cảm nhận được về bất thường này.

Gần đây các cơn tê mỏi xuất hiện nhiều hơn ông quyết định đi khám. Tại Bệnh viện quận Thủ Đức, các bác sĩ siêu âm màu Dopler và CT scan phát hiện tại vùng đùi bẹn, nơi đâm kim để điều trị trước đây có dòng máu chảy dưới da kêu "rò rò", bệnh nhân bị rò động tĩnh mạch vùng chậu.

Rò động tĩnh mạch khiến cho lượng máu động mạch thay vì chảy xuống chi dưới để nuôi chân thì lại chảy ngược về tim theo đường tĩnh mạch qua lỗ rò khiến chân bị tê, yếu do thiếu dinh dưỡng, đồng thời máu lại chảy dồn nhiều về tim, tăng cường độ làm việc của tim, về lâu dài sẽ khiến cho bệnh nhân bị suy tim nên cần can thiệp càng sớm càng tốt.

Bệnh nhân được can thiệp bịt lại vết lỗ rò thông giữa động mạch và tĩnh mạch trong vòng 1 tiếng đã thành công. ThS.BS Nguyễn Kim Anh, Trưởng khoa Lồng Ngực-Mạch máu, bệnh viện quận Thủ Đức, cho biết trên Người lao động, trong chiến tranh, bệnh lý rò động tĩnh mạch thường gặp do đạn làm thủng vị trí giao nhau giữa động mạch và tĩnh mạch, song hiện nay bệnh lý này tương đối hiếm, có thể gặp ở những bệnh nhân tự tiêm chích ma túy hay những sự cố y khoa.

Việt Hương (T/h)

Tin nổi bật