Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống ngày 4/11: Kịp thời cấp cứu nam bệnh nhân bị ngưng tim 20 phút

  • Đinh Kim
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 4/11/2022. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 4/11/2022 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Kịp thời cấp cứu nam bệnh nhân bị ngưng tim 20 phút

Báo Cần Thơ đưa tin, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế SIS Cần Thơ vừa cấp cứu kịp thời một trường hợp bị ngưng tim 20 phút. Cụ thể, nam bệnh nhân N.V.H (65 tuổi, ở Hậu Giang) đang ngồi bỗng cảm thấy mệt, nóng trong người, khó thở. Gia đình đưa người bệnh đến bệnh viện địa phương thăm khám.

Bệnh viện địa phương nhận thấy tình trạng bệnh nhân khá nguy hiểm nên đã chuyển ông đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế SIS Cần Thơ. Tại đây, bệnh nhân được chụp mạch vành, 30 phút sau được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực.

Khi đó, bênh nhân bắt đầu có triệu chứng gồng người và ngưng tim, ngưng thở. Các bác sĩ đã nhanh chóng xử trí đặt nội khí quản và hồi sức tim phổi cho bệnh nhân, đồng thời thực hiện sốc điện và sử dụng thuốc vận mạch.

Người bệnh đã phục hồi tri giác hoàn toàn, không yếu liệt, không tổn thương các cơ quan và có thể ngồi ăn uống trở lại. Ảnh: Báo Cần Thơ

Sau 60 phút, bệnh nhân bắt đầu có nhịp tim trở lại nhưng huyết áp vẫn tụt, đồng tử giãn to, hôn mê sâu nên được thở máy, sử dụng thuốc chống loạn nhịp. 12 tiếng đồng hồ sau, người bệnh bắt đầu tỉnh táo lại hoàn toàn và được ngưng thuốc vận mạch.

Đến 48 giờ, bệnh nhân được cai máy thở và rút ống nội khí quản. Người bệnh đã phục hồi tri giác hoàn toàn, không yếu liệt, không tổn thương các cơ quan và có thể ngồi ăn uống trở lại.

"Thông thường bệnh nhân cấp cứu khoảng 30-45 phút, đồng tử giãn rồi thì sẽ khó thoát khỏi “cửa tử”. Trường hợp này ngưng tim do rối loạn nhịp trên nền co thắt mạch vành, nhưng trước đó chụp mạch chưa thấy tắc mà chỉ hẹp 40-50% nên mới có hy vọng cứu sống bệnh nhân.

Vì vậy, chúng tôi cố gắng kéo dài đến 60 phút. Đội ngũ bác sĩ BV nỗ lực tối đa để cứu bệnh nhân. Bên cạnh đó, nhờ có điều kiện trang thiết bị và thuốc luôn sẵn có để sử dụng khi cấp bách”, bác sĩ CKI Lưu Thị Phương, Trưởng khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức Bệnh viện Đa khoa Quốc tế SIS Cần Thơ cho biết.

Rách giác mạc vì bị mạt sắt bắn vào mắt

Khoa Mắt Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) thông tin vừa tiếp nhận bệnh nhân V.Đ.T. với tình trạng rách giác mạc mắt phải sâu, kích thước 3 mm cùng nhiều dị vật. Trước đó, trong lúc làm việc tại nhà, bệnh nhân không may bị mạt sắt bắn vào mắt phải.

Sau tai nạn, mắt của bệnh nhân cộm, nhức, nhìn mờ. Người bệnh đã rửa mắt bằng nước muối và nhanh chóng đến bệnh viện thăm khám. Theo Tri Thức Trực Tuyến, sau khi xác định tình trạng bệnh, các bác sĩ đã phải phẫu thuật làm sạch, lấy dị vật và khâu vết rách giác mạc cho người bệnh.

Bác sĩ chăm sóc cho bệnh nhân sau ca phẫu thuật. Ảnh: Tri Thức Trực Tuyến

Bác sĩ khoa Mắt chia sẻ, chấn thương rách giác mạc là một trong những tổn thương rất hay gặp của mắt. Nếu không được xử trí kịp thời, đúng cách sẽ ảnh hưởng tới chức năng thị giác sau này.

Do đó, khi bị chấn thương mắt, bệnh nhân cần được xử trí ban đầu đúng cách để tránh làm tổn thương mắt nghiêm trọng hơn. Các bác sĩ cũng khuyến cáo không được dụi mắt khi dị vật ở kết giác mạc vì hành động này có thể làm dị vật ghim sâu hơn, gây trầy xước giác mạc.

Để phòng tránh, hạn chế chấn thương mắt, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần có bảo hộ phù hợp, đúng cách và biết những thông tin cần thiết về xử trí kịp thời khi chấn thương mắt xảy ra.

Thay huyết tương cứu sản phụ suy gan cấp tính hiếm gặp

Theo báo Nhân Dân, khi nhập viện, sản phụ N.T.H (31 tuổi) đang mang thai 37 tuần, đột ngột có triệu chứng nôn mửa, buồn nôn, chán ăn, đau vùng thượng vị kéo dài 3 ngày. Gia đình đưa đến Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM cấp cứu.

Sau khi siêu âm thai và thực hiện xét nghiệm máu, các bác sĩ phát hiện chỉ số men gan của sản phụ tăng đột biến trên 1.000 UI, kèm theo chức năng thận suy giảm, rối loạn chức năng đông-cầm máu.

Trước đó, bệnh nhân chưa từng mắc bệnh gan, có phát hiện tiểu đường thai kỳ từ khi thai 27 tuần. Các bác sĩ nghi ngờ tình trạng suy gan, thận do biến chứng từ gan nhiễm mỡ cấp tính trong thai kỳ, thường xảy ra trong tam cá nguyệt thứ 3.

Thời điểm này, sản phụ chưa có dấu hiệu chuyển dạ nhưng ở trong tình trạng nguy cấp, ảnh hưởng đến tính mạng của cả mẹ và con. Do đó, bác sĩ vẫn chỉ định mổ lấy thai ngay để cứu cả hai.

Chỉ sau 2 ngày nằm điều trị tại khoa ICU, sản phụ được nuôi con bằng sữa mẹ. Ảnh: Nhân Dân

Ca mổ có sự phối hợp của ekip Trung tâm Sản Phụ khoa, khoa ICU, Gây mê hồi sức. Nhờ ekip gây mê tính toán lượng thuốc mê chính xác, không ảnh hưởng sản phụ và em bé, ThS.BS Thanh Tâm cùng BSCKI Mẫu Thị Mai Ngân phẫu thuật lấy thai trong vòng 30 phút. Em bé chào đời an toàn, khỏe mạnh, nặng 2,9 kg. Sản phụ lập tức được điều trị tình trạng suy gan, suy thận.

BS Thanh Tâm cho biết đây là ca mổ bắt con tối khẩn vì thai phụ đã suy đa cơ quan. Nếu gây mê thời gian lâu, thuốc mê tác động làm tăng tốc độ suy gan thận. Thời gian mổ cũng không được quá lâu, tránh để bệnh nhân mất máu nhiều, dễ dẫn đến xuất huyết do bệnh nhân bị rối loạn chức năng đông cầm máu.

Bên cạnh đáp ứng 2 điều kiện đó, ca mổ vẫn phải bảo đảm không được sai sót, cầm máu kỹ càng. Sau khi mổ lấy thai, bệnh nhân được hồi sức tích cực, cân bằng nước điện giải, bác sĩ đánh giá, và tiến hành chỉ định thay huyết tương điều trị suy gan, suy thận.

Theo BSCKI Đinh Tuấn Vinh, khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, sản phụ được thay huyết tương 2 lần trong 2 ngày, sử dụng tổng cộng 34 bịch huyết tương dung tích 200ml. Chỉ số men gan của sản phụ dần trở về ngưỡng an toàn.

Tình trạng người bệnh cải thiện rõ rệt, sản phụ khỏe mạnh, ăn uống tốt, chỉ số xét nghiệm trở về bình thường. Chỉ sau 2 ngày nằm điều trị tại khoa ICU, sản phụ được nuôi con bằng sữa mẹ.

Đinh Kim (T/h)

Tin nổi bật