Bố hiến gan cứu con 9 tháng tuổi mắc bệnh gan giai đoạn cuối
Theo bác sĩ Nguyễn Phạm Anh Hoa, Trưởng khoa Gan Mật, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội), bệnh nhi 9 tháng tuổi ở Lâm Đồng, nặng 8.2kg được đưa đến bệnh viện trong tình trạng thiếu máu, rối loạn đông máu nặng, phải dùng chế phẩm máu, thuốc điều trị hỗ trợ.
Tờ Tri Thức Trực Tuyến thông tin, bệnh nhi mắc bệnh gan giai đoạn cuối, xơ gan mật, teo mật bẩm sinh. Được biết, teo mật bẩm sinh là bệnh lý hiếm gặp của gan, đường mật, với tỷ lệ khoảng 1/10.000 trẻ mắc bệnh. Teo mật khiến toàn bộ hệ thống đường mật trong, ngoài gan tổn thương gây xơ gan, mật.
Các bác sĩ thực hiện ca ghép gan cho bệnh nhi. Ảnh: VietNamNet
Ghép gan là phương pháp duy nhất để cứu sống bệnh nhi. Bố của bé trai đã quyết định hiến một phần gan để cứu sống con mình. Tiến sĩ Phạm Duy Hiền, Phó giám đốc bệnh viện, người trực tiếp chỉ đạo ca ghép gan của bệnh nhi chia sẻ, ca ghép gan gặp nhiều khó khăn. Ekip y bác sĩ đã xác định nguy cơ có thể xảy ra trước, trong, sau ghép để tìm giải pháp tốt nhất cho bệnh nhi.
Ca phẫu thuật được thực hiện thành công sau 9 tiếng đồng hồ. Bệnh nhi được chăm sóc, hồi sức đặc biệt trong phòng vô khuẩn tại Khoa điều trị tích cực Ngoại khoa. Các bác sĩ cho bệnh nhi thở máy 24 tiếng, hỗ trợ oxy tối đa, duy trì huyết áp, truyền chế phẩm máu điều chỉnh tình trạng đông máu, dùng thuốc ức chế thải ghép. Sức khỏe bệnh nhi hiện đang dần hồi phục, chức năng khối ghép ổn định.
Mổ lấy thai và khối máu tụ trong nhau thai hiếm gặp cho sản phụ
Báo Đồng Nai đưa tin, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai vừa mổ lấy thai và khối máu tụ trong nhau thai hiếm gặp cho một sản phụ sinh con thứ 3. Cụ thể, sản phụ N.T.N.H (trú tại xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) được phát hiện có một khối máu tụ trong nhau thai từ khi mang thai đến tháng thứ 7.
Thời điểm đó, khối máu tụ có kích thước nhỏ khoảng 1x2 cm. Tuy nhiên, ở những tuần cuối thai kỳ, khối máu tụ này phát triển rất nhanh. Đến tuần thứ 38 của thai kỳ, sản phụ tới bệnh viện thăm khám. Lúc này, bác sĩ cho nhập viện để mổ lấy thai và xử lý khối máu tụ do lo ngại khối máu này sẽ gây nguy hiểm cho mẹ và bé.
Bác sĩ khám cho sản phụ sau ca mổ. Ảnh: Báo Đồng Nai
Theo bác sĩ Lê Cao Cường ở khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, rất may trong suốt thai kỳ, cân nặng của sản phụ và em bé đều phát triển tốt. Dù vậy, khối máu tụ to lên nhanh chóng, sợ làm mất tim thai của bé bất cứ lúc nào nên các bác sĩ phải mổ ngay khi sản phụ vừa đủ tháng sinh.
Trong quá trình mổ, các bác sĩ phát hiện một bọc đựng máu tụ to khoảng 8cm ở ngay bánh nhau. Sau khi bắt em bé, bác sĩ đã kiểm tra kỹ bánh nhau và khối máu tụ rồi mới khâu vết mổ cho sản phụ. Cả sản phụ và em bé đều khỏe mạnh sau ca mổ.
Phẫu thuật cứu sống bệnh nhi bị dị dạng mạch máu não hiếm gặp
Theo báo Giáo Dục và Thời Đại, Bệnh viện Trung ương Huế vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật bít hoàn toàn dò động tĩnh mạch Galen bằng coil, cứu sống bé sơ sinh 22 ngày tuổi. Được biết, đây là ca bệnh bị dị dạng mạch máu não hiếm gặp.
Bệnh nhi hiện đã được bác sĩ cho xuất viện. Ảnh: Giáo Dục và Thời Đại
Lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế cho biết khi sàng lọc trước sinh, các bác sĩ phát hiện thai phụ T.T.N (29 tuổi, trú huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) có thai bị dị tật phình tĩnh mạch não (hay còn gọi là tĩnh mạch Galen).
Sau đó, vào tuần thai thứ 36, thai phụ được các bác sĩ chỉ định mổ lấy thai vì thai kém phát triển. Em bé chào đời trong tình trạng thiểu dưỡng, nặng 1,8kg, suy hô hấp và hạ đường máu. Ngay sau khi được sinh ra, em bé được chụp MRI sọ não và chẩn đoán dò động tĩnh mạch Galen, các nhánh dò từ động mạch não sau hai bên dò vào tĩnh mạch Galen, phình tĩnh mạch Galen.
Khoa Đột quỵ của Bệnh viện Trung ương Huế chỉ định chụp và nút dị dạng thông động tĩnh mạch não số hóa xóa nền cho bệnh nhi. Ekip đột quỵ đã can thiệp thủ thuật đặt coil bít dò động tĩnh mạch Galen khi bệnh nhi được 22 ngày tuổi. 5 ngày sau khi được can thiệp, bệnh nhi đã thở được khí trời, bú mẹ tốt và được ra viện.
Đinh Kim (T/h)