Người phụ nữ thủng tử cung do đặt vòng tránh thai suốt 30 năm
VTC News dẫn thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận và xử trí cho trường hợp người phụ nữ 69 tuổi bị thủng tử cung do tiền sử đặt dụng cụ tránh thai suốt 30 năm.
Cụ thể, người phụ nữ đã đặt vòng tránh thai 30 năm. Gần đây, bà thấy ra dịch nhầy hồng âm đạo nên tới bệnh viện để tháo nhưng thất bại. Sau 4 ngày, bệnh nhân đau hạ vị liên tục kèm nôn, ra dịch máu âm đạo, không trung tiện được, không sốt.
Tại bệnh viện, bệnh nhân được chỉ định siêu âm ổ bụng, chụp cắt lớp. Kết quả, hình ảnh dịch khí tự do trong ổ bụng, tắc ruột cơ năng, dày thành ruột vị trí hố chậu phải và có dị vật đâm xuyên thủng đáy tử cung.
Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính cho thấy dụng cụ tránh thai xuyên qua thành tử cung vào ruột (mũi tên trắng). Ảnh: VTC News
Các bác sĩ lập tức mổ mở cấp cứu, cắt tử cung bán phần, khâu lỗ thủng ruột non và rửa sạch ổ bụng. Dị vật được xác định chính là vòng tránh thai mà bệnh nhân đã đặt. Sau mổ 6 ngày, bệnh nhân phải mổ lại lần thứ hai để đưa hai đầu ruột non ra ngoài tạm thời do bục lỗ khâu ruột non.
Theo bác sĩ Triệu Văn Trường - khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Bạch Mai, thủng tử cung do dụng cụ tử cung (vòng tránh thai) là biến chứng không phổ biến nên nhiều khi khó chẩn đoán. Dấu hiệu thủng tử cung chỉ có thể được phát hiện khi theo dõi định kỳ hoặc mang thai ngoài ý muốn.
Bác sĩ khuyến cáo, phụ nữ đã mãn kinh nên lấy vòng tránh thai ra khỏi cơ thể để phòng tránh các biến chứng. Các can thiệp thông thường có thể khiến vòng tránh thai bị vỡ, thủng thành tử cung và gây tổn thương các cơ quan xung quanh.
Trong trường hợp không thể loại bỏ dụng cụ tránh thai bằng thủ thuật, nên theo dõi lâm sàng chặt chẽ, nội soi buồng tử cung hoặc cắt tử cung chủ động.
Bị đau nhức mắt, người đàn ông tự mua thuốc uống rồi tử vong
Theo thông tin trên VOV, chiều 28/9, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai cho biết vừa tiếp nhận một trường hợp sốc thuốc tân dược dẫn đến tử vong. Nạn nhân là ông N.V.L (50 tuổi, trú tại xã Ia Piơr, huyện Chư Prông).
Người nhà bệnh nhân kể, ông L. từng có tiền sử về dị ứng với thuốc Tây. Ngày 27/9, ông bị đau nhức mắt, mắt có ghèn nên đã đến tiệm thuốc trong xã mua thuốc về uống. Ông L. đã uống 4 loại thuốc chưa rõ cụ thể từng loại thuốc.
Chiều cùng ngày, ông bị mẩn ngứa khắp người nghi do dị ứng thuốc nên đã đến Trạm y tế xã sơ cứu. Tuy nhiên, tại đây, khi đang đi vệ sinh, ông bị ngất xỉu rồi bất tỉnh nên người nhà phải đưa đến khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai
Bệnh nhân bị ngất xỉu rồi bất tỉnh khi đang đi vệ sinh nên người nhà phải đưa đến khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai. Ảnh: VOV
Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai, ông L. được đưa đến khoa Cấp cứu khoảng 18h35 ngày 27/9, trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở, da tái lạnh, đồng tử giãn…Các bác sĩ xác định ông L. đã tử vong ngoại viện do sốc phản vệ độ IV thuốc tân dược không rõ loại.
Các bác sĩ khuyến cáo người dân khi có biểu hiện đau, ốm, cần đến khám tại các cơ sở y tế để được tư vấn biện pháp chữa trị, uống thuốc phải theo chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là với những bệnh nhân đã có tiền sử về dị ứng với các thành phần của thuốc.
Lao động quá sức, bệnh nhân 58 tuổi nhập viện cấp cứu
VTV News đưa tin, bệnh nhân K.V.S. (58 tuổi) là thợ xây, mới đi làm được 2 ngày. Trước khi nhập viện, người bệnh đã làm việc nặng từ 14h - 19h. Trong quá trình làm việc, người bệnh bị vã nhiều mồ hôi, sau đó xuất hiện co cứng cơ toàn thân, đau ngực và khó thở.
Ngay lập tức, người bệnh được đưa vào khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ trong tình trạng kích thích, cơ cứng cơ toàn thân, khó thở, thở nhanh, đau tức ngực.
Các bác sĩ khuyến cáo người dân cần tránh làm việc trong môi trường nắng, nóng kéo dài. Ảnh minh họa: VTV News
Kết quả xét nghiệm cho thấy, tình trạng tăng kali máu nặng, suy thận cấp (Creatinin 290), cô đặc máu (HC 6,86, HCT 60). Căn cứ trên kết quả khám và xét nghiệm lâm sàng, các bác sĩ đã hội chẩn và kết luận người bệnh bị trụy tim mạch, suy thận cấp, tăng kali máu.
Bác sĩ đã tiến hành truyền dịch tích cực qua đường truyền trung tâm, điều chỉnh rối loạn điện giải, lợi tiểu cưỡng bức. Sau 3 ngày điều trị tích cực, hiện tại người bệnh đã tỉnh, hết mệt mỏi, hết co cứng cơ, kali máu về bình thường, hết suy thận, tim ổn định, sức khỏe bình phục và được ra viện.
XEM THÊM: Thịt bồ câu hay thịt gà có giá trị dinh dưỡng cao hơn? Lời khuyên bổ ích từ chuyên gia
Nhân đây, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần tránh làm việc trong môi trường nắng, nóng kéo dài. Nếu phải làm việc trong môi trường nắng, nóng thì cần bổ sung nước, điện giải đầy đủ như uống nước lọc, nước hoa quả, nước pha oresol...
Ngoài ra, phát hiện sớm các dấu hiệu như đau đầu, mệt mỏi, sốt, ra quá nhiều mồ hôi, khô miệng, co cứng cơ, tức ngực, khó thở cần đến ngay cơ sở y tế điều trị tránh nguy hiểm tính mạng.
Đinh Kim (T/h)