Rơi từ vách đá cao hơn 21m, cậu bé 4 tuổi sống sót kỳ diệu
Trong lúc đi leo núi cùng gia đình ở trên vòm Princess, hạt Wolfe, bang Kentucky (Mỹ), một bé trai 4 tuổi không may bị trượt chân khỏi vách đá và ngã xuống phía dưới. Được biết, cậu bé rơi xuống từ độ cao khoảng hơn 21m, tương đương với một tòa nhà 5 tầng.
Bố của bé trai hoảng hốt chạy xuống tìm con, chuẩn bị sẵn tâm lý cho tình huống xấu nhất. May mắn thay, cậu bé vẫn còn sống, chỉ bị trầy xước nhẹ ở một vài chỗ. Thấy con vẫn bình an, người bố thở phào nhẹ nhõm, sau đó cùng con hoàn thành chuyến leo núi.
Cậu bé 4 tuổi sống sót kỳ diệu sau khi rơi từ vách đá cao hơn 21m.
Hai bố con đã vượt qua hẻm Red River và gặp lực lượng tìm kiếm cứu hộ của hạt Wolfe ở đây. Mọi người đều tỏ ra khó tin khi thấy bé trai vẫn khỏe mạnh, gần như không gặp bất cứ chấn thương nào sau cũ ngã kinh hoàng.
Một người trong đội cứu hộ chia sẻ: "Cậu bé chịu một vài vết xước và bầm tím, nhưng vẫn chưa là gì so với điều có thể đã xảy ra. Khi đến nơi, cậu nhóc vẫn hết sức hoạt bát, và không ngừng nói chuyện về các siêu anh hùng. Rõ ràng ở khoảnh khắc đó, cậu nhóc mới là siêu anh hùng trong mắt chúng tôi”.
Cứu sống bệnh nhân đột quỵ do nhồi máu não
Theo Người Đưa Tin Pháp Luật, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long (TP Cần Thơ) vừa cứu sống một bệnh nhân đột quỵ do nhồi máu não. Bệnh nhân là N.T.C (63 tuổi, trú tại TP Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang).
Vào 5h45 ngày 21/10, bệnh nhân thức dậy thì cảm thấy đau đầu nhiều, vẫn có thể đi lại bình thường. Tuy nhiên, tới khoảng 6h, bệnh nhân bị ngã, méo miệng, yếu liệt nửa người phải. Gia đình phát hiện liền lập tức đưa bệnh nhân đến bệnh viện địa phương.
24 tiếng sau can thiệp, bệnh nhân được rút ống thở, tiếp xúc tốt, sinh hiệu bình thường, các triệu chứng lâm sàng cải thiện đáng kể. Ảnh: Người Đưa Tin Pháp Luật
Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị đột quỵ cấp. Sau sơ cứu ban đầu, bệnh nhân nhanh chóng được chuyển đến Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long để đảm bảo giờ vàng điều trị.
Tại khoa Cấp cứu của bệnh viện, Code Stroke (quy trình cấp cứu bệnh nhân đột quỵ cấp) trong trạng thái sẵn sàng sau khi tiếp nhận bệnh nhân. Bệnh nhân được chụp cắt lớp mạch máu (CTA) cho thấy huyết khối động mạch não cần lập tức tiến hành lấy huyết khối.
Sau khoảng 1 giờ can thiệp, huyết khối được loại bỏ, tái thông lòng mạch cho bệnh nhân. Người bệnh sau đó được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực & Chống độc (ICU) theo dõi. 24 tiếng sau can thiệp, bệnh nhân được rút ống thở, tiếp xúc tốt, sinh hiệu bình thường, các triệu chứng lâm sàng cải thiện đáng kể.
Bé 8 tuổi bị sốc phản vệ sau khi ăn mì tôm
VietNamNet dẫn thông tin từ Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình cho biết, đơn vị này mới tiếp nhận cấp cứu một bệnh nhi bị sốc phản vệ sau khi ăn mì tôm. Bệnh nhi là bé N.T.G (8 tuổi, trú tại xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình).
Bệnh nhi có thể được xuất viện sau 1 - 2 ngày. Ảnh: VietNamNet
Tại thời điểm được đưa đến bệnh viện, bệnh nhi ở trong tình trạng mẩn ngứa, khó thở, đau bụng, nôn, mạch nhanh nhẹ, huyết áp không đo được. Trước đó, bệnh nhi có ăn mì tôm trong bữa sáng (chỉ ăn mì tôm không).
Sau khi thăm khám, bác sĩ xác định đây là trường hợp phản vệ độ III, nếu không xử lý kịp thời sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhi. Kíp trực khoa Nhi đã ngay lập tức tiến hành cấp cứu phản vệ theo phác đồ. Sau 8 tiếng, bệnh nhi đã hết mẩn ngứa, huyết động ổn định, khó thở nhẹ. Theo dự kiến, bệnh nhi có thể xuất viện sau 1 – 2 ngày.
Bác sĩ CK1 Ngô Trung Dũng, Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình cho biết, mì tôm là món ăn được nhiều người ưa thích nhưng dị ứng, thậm chí sốc phản vệ như trường hợp của bệnh nhi 8 tuổi cũng có khả năng xảy ra. Rất may, người nhà đưa bệnh nhi đến bệnh viện kịp thời.
Đinh Kim (T/h)