Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống ngày 26/8: Chấn thương gãy cột sống thắt lưng nặng sau cú ngã từ độ cao 6m

  • Đinh Kim
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 26/8/2022. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 26/8/2022 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Chấn thương gãy cột sống thắt lưng nặng sau cú ngã từ độ cao 6m

Theo VietNamNet, nam bệnh nhân 43 tuổi N.V.T được đưa đến viện vào đêm muộn sau cú ngã từ nóc nhà có độ cao 6m, khiến anh mất hoàn toàn vận động, cảm giác hai chân và bí đại tiểu tiện.

Hình ảnh phim Xquang và chụp cắt lớp vi tính chụp tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình cho thấy người bệnh bị chấn thương gãy cột sống thắt lưng rất nặng. Anh bị vỡ phức tạp toàn bộ thân đốt sống L4 gây biến dạng trật đoạn L3-L4-L5, hẹp hoàn toàn và chèn ép tuỷ nặng.

Đây là nguyên nhân chính khiến người bệnh bị sốc chấn thương, rất đau đớn và liệt hoàn toàn hai chân, bí tiểu xuất hiện ngay sau ngã. Bệnh nhân được chỉ định mổ cấp cứu, ca mổ được đánh giá rất khó khăn.

Ngay khi tiếp nhận ca bệnh, bác sĩ các chuyên khoa Ngoại Thần kinh, Gây mê hồi sức, Huyết học truyền máu cùng nhau hội chẩn khẩn cấp. Các phương tiện chuyên dụng phục vụ phẫu thuật cũng được chuẩn bị sẵn sàng.

Sau 10 ngày điều trị, dù còn tê bì, gấp cẳng chân còn hơi yếu nhưng bệnh nhân đã bước đầu tập đứng, đi lại. Ảnh: VietNamNet

Trong quá trình mổ, các bác sĩ phát hiện tổn thương của bệnh nhân rất phức tạp. Các mảnh xương vỡ vụn di chuyển gây xé rách màng tuỷ; các rễ thần kinh bị kẹt và đứt rất nhiều; thân đốt sống vỡ vụn gây chảy máu nhiều.

Bác sĩ tiến hành cố định lại 5 đốt sống từ L2-S1; tạo hình, lấy hết các xương vỡ giải chèn ép tuỷ sống và các rễ thần kinh; nắn chỉnh lại trượt đốt sống; tạo hình khôi phục tối đa rễ thần kinh bị chèn ép ở thân; khôi phục vá lại màng tuỷ, cắt gần hoàn toàn thân đốt sống L4 và thay thế bằng dụng cụ lồng titan.

Ca phẫu thuật được thực hiện trong 5 tiếng, người bệnh cần truyền 4 đơn vị máu. 1 ngày sau phẫu thuật, bệnh nhân có cảm giác hai chân và vận động ngón chân. 4 ngày sau, người bệnh hồi phục vận động, vấn đề bí tiểu dần dần được cải thiện. So với trước mổ hai chân bị liệt hoàn toàn, đây được đánh giá là kỳ tích.

Những ngày sau mổ, điều dưỡng hỗ trợ người bệnh phục hồi chức năng vận động và xoa bóp các nhóm cơ nhằm tránh thiểu dưỡng các vùng tỳ đè như đùi, mông, viêm tiết niệu kéo dài. Sau 10 ngày điều trị, dù còn tê bì, gấp cẳng chân còn hơi yếu nhưng bệnh nhân đã bước đầu tập đứng, đi lại.

Suýt đứt lìa bàn chân vì máy cắt cỏ

Báo Sức Khỏe & Đời Sống thông tin, bệnh nhân M.A.D (38 tuổi, trú tại thị trấn Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) đến Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu trong tình trạng đứt gần lìa cổ chân phải do máy cắt cỏ cắt vào chân.

Vết đứt sắc gọn, đứt xương chày, xương mác, toàn bộ mạch máu, gân cơ, thần kinh, chỉ dính lại cầu da nhỏ. Sau khi được thăm khám, hội chẩn chuyên khoa đánh giá tình trạng thương tật, bệnh nhân nhanh chóng được làm các cận lâm sàng cần thiết để tiến hành phẫu thuật.

Bệnh nhân được các bác sĩ tiến hành phẫu thuật găm kim Kirschner, khâu nối động mạch chày trước và động mạch chày sau, khâu nối tĩnh mạch, gân Achiles, các gân gấp, gân duỗi duỗi, thần kinh… Sau hơn 3 tiếng phẫu thuật, các bác sĩ đã phục hồi toàn bộ giải phẫu cho cổ chân bị đứt cho bệnh nhân.

Hiện, sau 10 ngày phẫu thuật, cổ chân phải của bệnh nhân cấp máu và nuôi dưỡng tốt, các ngón chân có thể cử động. Bệnh nhân đang được theo dõi và tiếp tục điều trị để được đánh giá, tập vật lý trị liệu phục hồi dần chức năng.

Đột ngột ngừng tuần hoàn khi đi chăm người ốm

Ngày 23/8, ông N.D.D (54 tuổi, ở Sóc Sơn, Hà Nội) đi chăm sóc người bệnh tại khoa Nội - Bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn thì đột ngột bị ngất, gọi hỏi không đáp ứng, theo VietNamNet. Các bác sĩ khám thấy bệnh nhân thở ngáp, tím môi chi, đồng tử 2 bên giãn 3mm, mạch và huyết áp không đo được, chẩn đoán ngừng tuần hoàn.

Khoa Cấp cứu, khoa Hồi sức tích cực - chống độc của Bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn nhanh chóng phối hợp với khoa Nội để cấp cứu ngừng tuần hoàn cho người bệnh. Ảnh minh họa

Ngay lập tức, khoa Nội kích hoạt hệ thống báo động đỏ nội viện. Khoa Cấp cứu, khoa Hồi sức tích cực - chống độc nhanh chóng phối hợp với khoa Nội để cấp cứu ngừng tuần hoàn cho người bệnh. Sau 15 phút thực hiện ép tim ngoài lồng ngực, đặt ống nội khí quản, sốc điện tạo nhịp tim, truyền dịch, tiêm thuốc, người bệnh có mạch trở lại, nhanh chóng chuyển tuyến trên.

Người nhà bệnh nhân cho biết trước đây ông khỏe mạnh, chưa phát hiện bất cứ bệnh lý nào. Cách thời điểm xảy ra sự việc 3 ngày, bệnh nhân nói đau bụng nhưng chưa đi khám.

Nhận định đây là một trường hợp ngừng tuần hoàn đột ngột trên nền bệnh nhân chưa phát hiện tiền sử bệnh đặc biệt, BSCKII Vũ Tuấn Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn, cho biết 2 nguyên nhân hàng đầu gây ngừng tuần hoàn là bệnh mạch vành cấp và đột quỵ não.

Ngừng tuần hoàn có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, ngay cả ở những người chưa bao giờ phát hiện ra bệnh tim mạch trước đây. Nếu được phát hiện sớm và cấp cứu kịp thời, đúng cách thì vẫn có thể tái lập được tuần hoàn và bảo tồn các chức năng thần kinh về sau. Để phòng tránh, mọi người cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ phát hiện các bệnh lý, điều trị kịp thời, hạn chế các biến chứng nguy hiểm.

Đinh Kim (T/h)

Tin nổi bật