Cứu sống người đàn ông có vết thương tim nguy kịch
Theo TTXVN, sáng ngày 25/5, bác sĩ CKI Nguyễn Khắc Trí - Phó trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre) cho biết, đơn vị vừa kích hoạt quy trình báo động đỏ, cấp cứu phẫu thuật kịp thời, cứu sống trường hợp bị vết thương tim nguy kịch.
Cụ thể, anh T.V.D (SN 1989, ở huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) nhập viện lúc 8h05 ngày 24/5 trong tình trạng vật vã, bứt rứt, mạch nhanh, huyết áp thấp chỉ còn 70/40 và có hai vết thương vùng trước tim. Ngay khi tiếp nhận, các bác sĩ Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu đã kích hoạt quy trình báo động đỏ nội viện, siêu âm tim khẩn, chụp X-quang ngực khẩn tại giường
Ngay sau đó, với sự điều phối của lãnh đạo, bệnh viện huy động bác sĩ các khoa Cấp cứu, Phẫu thuật gây mê hồi sức, Hồi sức chống độc, Xét nghiệm nhanh chóng đưa bệnh nhân đến phòng phẫu thuật mở ngực khâu vết thương tim, cứu sống người bệnh trong thời gian nhanh nhất.
Bệnh nhân đang được chăm sóc, điều trị tại khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức. Ảnh: TTXVN
Với sự chẩn đoán chính xác, tổ chức phối hợp chuyên nghiệp, nhịp nhàng, nhanh chóng, sau hơn 40 phút nhập viện, vết thương của bệnh nhân được xử lý thành công. Người bệnh đã qua cơn nguy kịch, các dấu hiệu sinh tồn ổn định, đang được chăm sóc, điều trị tại khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức.
Bác sĩ Nguyễn Khắc Trí chia sẻ, quy trình báo động đỏ nội viện được kích hoạt đã cứu sống nhiều bệnh nhân nguy kịch, trong đó có trường hợp bị vết thương tim, nhồi máu cơ tim, chuyển can thiệp mạch vành… Đặc biệt, các bác sĩ của bệnh viện đã cứu sống hơn 10 ca bị vết thương tim nhờ quy trình báo động đỏ nội viện.
Nữ bác sĩ đỡ đẻ cho 3 người trong cùng một gia đình trong 33 năm
Chiều ngày 25/5, Bệnh viện Đa khoa Thanh Vũ Medic Bạc Liêu cho biết, các bác sĩ của bệnh viện vừa đỡ sinh thành công cho chị N.T.N.T (SN 1995, ngụ phường Hộ Phòng, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu).
Điều đặc biệt là 3 thành viên trong gia đình này gồm em bé vừa chào đời, cha ruột của bé và cô ruột của bé đều do một nữ bác sĩ đỡ đẻ, trong đó người cha cách con 29 năm, theo báo Công An Nhân Dân.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Thủy - Phó Giám đốc Bệnh viện Thanh Vũ Medic Bạc Liêu bên gia đình sản phụ T. Ảnh: Công An Nhân Dân
Người nhà sản phụ kể, ngày 19/5, khi đang mang thai 39,3 tuần, chị T. xuất hiện dấu hiệu bất thường như sốt, đau bụng. Đến ngày 21/5, chị được người nhà đưa đến Bệnh viện Thanh Vũ Medic Bạc Liêu thăm khám.
Qua kiểm tra, các bác sĩ chẩn đoán, sản phụ mang thai lần đầu 39,3 tuần, ối vỡ non. Đến ngày 22/5, sản phụ được đưa vào phòng mổ bắt con. Ca phẫu thuật thành công, bé trai cân nặng 3,3 kg chào đời an toàn.
Được biết, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Thủy - Phó Giám đốc Bệnh viện Thanh Vũ Medic Bạc Liêu (người đỡ đẻ cho chị T.) cách đây 33 năm đã đỡ đẻ cô ruột của bé. 4 năm sau, bác sĩ Thủy tiếp tục đỡ đẻ cha cháu bé bằng phương pháp sinh thường, đến lượt cháu bé phải can thiệp lấy thai.
Nhập viện vì ăn xác nhộng ve sầu nhưng tưởng đông trùng hạ thảo
Chiều ngày 25/5, Bệnh viện Chợ Rẫy thông tin vừa cứu nam bệnh nhân 34 tuổi ở huyện Đức Linh (tỉnh Bình Thuận) bị ngộ độc sau ăn xác ve sầu vì lầm tưởng là thức ăn bổ dưỡng "đông trùng hạ thảo".
Trước đó, ngày 21/5, bệnh nhân đi làm vườn nhà và đào thấy xác nhộng ve sầu cùng với hình thù cây nấm nên nghĩ là đông trùng hạ thảo và mang về ăn lúc khuya cùng ngày. Số lượng khoảng 12 - 14 xác nhộng ve sầu.
Ngay sau đó, bệnh nhân xuất hiện mệt mỏi, đau đầu, đau bụng, buồn nôn và nôn ói rất nhiều. Anh được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa Khu vực Nam Bình Thuận sơ cứu và chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tỉnh, chậm, bí tiểu, yếu mỏi cơ, đau bụng, nôn ói. Lúc này, nhịp tim bệnh nhân chậm. Theo các bác sĩ, tình trạng này có thể do nhịp tim bệnh nhân bị chậm trước đó nhưng không biết, hoặc cũng có thể do tác dụng của nấm.
Báo Người Lao Động dẫn lời TS.BS Nguyễn Thị Thủy Ngân - Phó khoa Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay, ve sầu đẻ trứng trong đất, sau đó phát triển thành ấu trùng (còn gọi là nhộng ve sầu).
Nhộng ve sầu nằm trong đất, có thể ở bên cạnh các bào tử nấm. Những loài nấm này tấn công và sống ký sinh trên vật chủ (nhộng ve sầu), thay thế các mô của vật chủ và mọc ra các thân cây dài.
Các loại nấm này sẽ hút chất dinh dưỡng từ vật chủ khiến vật chủ chết và phát triển lớn lên bên ngoài của cơ thể vật chủ, vì thế chúng có tên gọi là "đông trùng hạ thảo". Tùy theo loại nấm ký sinh trên vật chủ là nấm có lợi cho sức khỏe con người hay nấm độc, "đông trùng hạ thảo" có thể là thức ăn bổ dưỡng (bài thuốc Đông Y) hoặc gây độc cho con người.
Người bệnh hiện đang được hồi sức cấp cứu trong tình trạng tỉnh, tiếp xúc được và tự thở. Ảnh: Người Lao Động
Hiện không thể xác định chính xác loại nấm nào gây ngộ độc cho bệnh nhân nói trên, việc chẩn đoán chủ yếu dựa vào bệnh sử khai thác được, triệu chứng ngộ độc của bệnh nhân.
Về điều trị, ngộ độc nấm sau ăn xác ve sầu không có thuốc giải độc đặc hiệu mà chỉ điều trị hỗ trợ những triệu chứng bệnh nhân mắc phải. Người bệnh hiện đang được hồi sức cấp cứu trong tình trạng tỉnh, tiếp xúc được và tự thở. Sức cơ tứ chi của bệnh nhân cải thiện. Nhịp tim bệnh nhân hơi chậm và đang được theo dõi sát về mạch, huyết áp.
Đinh Kim (T/h)