Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống mới nhất ngày 18/4/2019: Nghiện ăn rau sống, người phụ nữ bị cặp giun đũa dài 20 cm "chui" vào bao tử

(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 18/4/2019. Cập nhật tin đời sống mới nhất trên cả nước ngày 18/4/2019 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Tin tức đời sống mới nhất ngày 18/4/2019. Cập nhật tin đời sống mới nhất trên cả nước ngày 18/4/2019 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Suy tạng vì nuốt mật cá trắm bồi bổ sức khỏe

Mới đây, Viện Y học biển Hải Phòng đã tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân V.Đ.N 59 tuổi vào cấp cứu trong tình trạng đau bụng quằn quại vùng quanh rốn và hạ sườn phải, nôn nhiều, nôn ra dịch vàng nâu, không lẫn máu, bụng chướng nhẹ, ấn đau hạ sườn phải.

Bệnh nhân đang được điều trị tại bệnh viện - Ảnh: infonet

Theo người nhà bệnh nhân kể, anh N. đã nuốt mật cá trắm sống, cùng với một chén rượu mơ vào buổi trưa cùng ngày. Một tiếng sau, bệnh nhân xuất hiện những cơn đau âm ỉ ở vùng bụng quanh rốn, nôn nhiều ra thức ăn kèm theo đại tiện phân lỏng liên tục. Tuy vậy, gia đình vẫn tiếp tục để bệnh nhân ở nhà theo dõi. Đến khoảng 16h cùng ngày, bệnh nhân đau bụng ngày càng tăng, tiếp tục đi ngoài phân lỏng nhiều lần nên gia đình đã đưa bệnh nhân vào viện cấp cứu.

Tại phòng khám cấp cứu của Viện Y học Biển, các bác sĩ sơ bộ chẩn đoán đây nhiều khả năng là một trường hợp ngộ độc mật cá trắm và đã nhanh chóng thực hiện các biện pháp cấp cứu, hồi sức cần thiết cho bệnh nhân. Bệnh nhân sau đó được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực theo dõi và điều trị. Các kết quả xét nghiệm sau đó cho thấy tình trạng suy tạng nặng nề do ngộ độc: men gan tăng rất cao (GOT: 6350U/l, GPT: 4740 U/L (gấp từ 150 đến > 200 lần giá trị bình thường).

Sau 12h điều trị, tình trạng bệnh nhân dần ổn định, đỡ đau bụng, không đi ngoài thêm, tiểu được 2000mL, men gan giảm xuống còn GOT: 2500 U/L, GPT: 3170U/L; không xuất hiện thêm các triệu chứng suy giảm chức năng các tạng khác … khiến bệnh nhân, người nhà cùng các bác sĩ trong khoa hết sức vui mừng.

Nghiện ăn rau sống, người phụ nữ bị cặp giun đũa dài 20 cm "chui" vào bao tử

Chị Ph. T. C. (35 tuổi, sống tại Bình Dương) đến bệnh viện khám trong tình trạng đau bụng quặn vùng thượng vị dữ dội, kèm nôn ói. Qua nội soi và chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ phát hiện 2 con giun đũa dài 20 cm nằm trong tá tràng.

Cặp giun đũa dài 20 cm trong tá tràng của chị C. - Ảnh: TTXVN

Theo các bác sĩ, ban đầu chị C. được chẩn đoán lâm sàng là viêm dạ dày cấp. Tuy nhiên, sau khi điều trị thì các triệu chứng không hề giảm, các cơn đau co thắt vùng thượng vị ngày càng nhiều. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã nghi ngờ những tổn thương khác, vì thế đã chỉ định nội soi dạ dày tá tràng.

Sau khi nội soi, phát hiện 2 con giun đũa dài 20cm đang sinh sống trong tá tràng. Các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành gắp bỏ cặp giun này ra khỏi cơ thể người bệnh. Ngay sau thủ thuật, người bệnh hết hẳn các triệu chứng lâm sàng ban đầu, hồi phục nhanh chóng, trở lại sinh hoạt bình thường và xuất viện sau 24 giờ.

Khai thác tiền sử cho thấy, người bệnh và gia đình có thói quen thích ăn rau sống. Theo các bác sĩ, đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiễm giun đũa của bệnh nhân. Giun đũa là một loại ký sinh trùng sống ở ruột người, là loại giun tròn, có kích thước lớn. Điều kiện quyết định sự lây truyền của giun đũa là tình trạng vệ sinh, các thói quen sinh hoạt và ăn uống, mức độ tiếp xúc với đất bẩn nhiễm phân người. Bệnh không lây truyền trực tiếp từ người qua người mà do người nuốt phải trứng giun qua đường ăn uống.

'Em bé ống nghiệm' đầu tiên của Trung Quốc đã trở thành mẹ

Vào ngày 15/4 vừa qua, 'em bé ống nghiệm' đầu tiên của Trung Quốc vừa hạ sinh một bé trai kháu khỉnh.

Em bé ống nghiệm đầu tiên của Trung Quốc vừa hạ sinh bé trai kháu khỉnh - Asiaone

Ít ai biết, 31 năm về trước, tại một bệnh viện ở Bắc Kinh, em bé thụ tinh ống nghiệm đầu tiên của Trung Quốc đã chào đời, được đặt tên là Trịnh Manh Châu. Và vào ngày 15/4 vừa qua, tại chính bệnh viện đó, Manh Châu đã trở thành mẹ, hạ sinh một bé trai khỏe mạnh, kháu khỉnh.

Bác sĩ cho biết bé nặng 3,85kg, dài 52cm, được sinh bằng phương pháp đẻ mổ. Theo Manh Châu, quá trình thụ thai con trai diễn ra hoàn toàn tự nhiên, không qua bất kỳ phương pháp hỗ trợ nào.

“Tôi cảm thấy hơi choáng váng và nghĩ rằng tất cả giống như một giấc mơ”, mẹ của Manh Châu, bà Trịnh Quế Trân chia sẻ, “Thời gian trôi thật nhanh, cuối cùng Manh Châu cũng có đứa con của chính mình”.

Được biết, con trai của Manh Châu vẫn chưa được đặt tên. Nhưng bà Quế Vân muốn đặt tên cháu mình theo tên của bác sĩ Trương - ân nhân đã giúp đỡ bà trong quyết định thụ tinh ống nghiệm năm xưa.

Em bé ở Mỹ sinh ra không có da

Hơn 4 tháng tuổi, Ja’bari Gray chỉ có da ở đầu và bắp chân, mắt chưa mở được và phải ăn qua ống.

Ja'bari bên mẹ - Ảnh:Express News

Bé trai Ja’bari Gray được chăm sóc đặc biệt ngay sau khi chào đời ngày 1/1 tại Bệnh viện Methodist ở San Antonio (Mỹ). Hầu hết cơ thể bé không có lớp da bao phủ.

Ban đầu, các bác sĩ nghi ngờ Ja’bari bị aplasia cutis, một rối loạn bẩm sinh khiến trẻ chào đời mà không có da. Ngày 12/4, chuyển đến Bệnh viện Nhi Texas, bệnh nhi được xác định mắc bệnh ly thượng bì bóng nước (Epidermolysis Bullosa).

Bệnh ly thượng bì bóng nước là do khiếm khuyết gene kiểm soát sự phát triển của biểu bì. Vì làn da mỏng manh như cánh bướm dễ bị phồng rộp khi chà xát hoặc chạm nhẹ, trẻ bị ly thượng bì bóng nước còn được gọi là những "em bé bươm bướm". Bệnh nhi không thể chống chọi với bệnh nhiễm trùng và ung thư da nên thường qua đời trước tuổi 30. Hiện chưa có phương pháp chữa khỏi bệnh ly thượng bì bóng nước.

Hiện Ja'bari nặng 3,6 kg, phải ăn qua ống thông và chưa mở được mắt. Bệnh nhi chỉ có da ở đầu và vài chỗ trên bắp chân.

Theo mẹ em bé là Priscilla Maldonado, Ja’bari phải thay quần áo thường xuyên, dùng thuốc giảm đau và bôi thuốc mỡ tránh nhiễm trùng. "Đội ngũ y tế tập trung vào việc giúp con thoải mái", người phụ nữ nói.

Do ly thượng bì bóng nước có tính di truyền, cả Priscilla lẫn chồng là Marvin Gray đều được kiểm tra gene, giúp đội ngũ y tế tránh nguy cơ điều trị nhầm. Dự kiến kết quả sẽ có trong 2-3 tuần tới.

Trước Ja’bari, vợ chồng nhà Gray đã có hai con. Các bé sống với bà ngoại trong khi bố mẹ dành toàn bộ thời gian chăm sóc em.

Các bác sĩ dự kiến phẫu thuật cho Ja’bari để cắt mô sẹo dưới cằm và mở dần đôi mắt. Tuy nhiên, họ không rõ em bé cần ở lại bệnh viện thêm bao lâu.

"Ngay cả khi thằng bé vượt qua, chúng tôi cũng không biết tương lai như thế nào", Priscilla nói. "Chúng tôi chỉ biết cầu nguyện hàng ngày".

Quỳnh Chi (T/h)

Tin nổi bật