Người phụ nữ hôn mê sâu sau khi uống 30 viên thuốc an thần
Theo VietNamNet, nữ bệnh nhân Đ. (78 tuổi) nhập viện vào khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả (Quảng Ninh).
Bác sĩ Phạm Hữu Giang, khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, cho biết khi vào viện, bệnh nhân đã mất phản xạ ánh sáng, da niêm mạc nhợt, tím môi, chi, thở chậm, SpO2 giảm còn 69% (bình thường từ 96-100%), huyết áp 80/50mmHg.
Bệnh nhân hiện tỉnh táo, có thể xuất viện trong vài ngày tới. Ảnh: Tri Thức Trực Tuyến
Người nhà kể, bệnh nhân uống nhầm cùng môt lúc 3 vỉ thuốc Phenobarbital 100mg (30 viên) và đã li bì 30 giờ tại nhà. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị suy hô hấp cấp, viêm phổi trào ngược, hôn mê sâu do ngộ độc Phenobarbital giờ thứ 30, tổn thương thận cấp.
Người bệnh được điều trị thở máy, hỗ trợ hô hấp, dùng kháng sinh điều trị viêm phổi, lọc máu liên tục điều trị tình trạng toan chuyển hóa, tổn thương thận cấp, suy đa tạng...
Sau 5 ngày tích cực điều trị, tình trạng bệnh nhân dần ổn định, ý thức cải thiện, tình trạng phổi có nhiều tiến triển và thận bắt đầu hoạt động tốt hơn, dừng lọc máu. Sau khi được cai dần thở máy, rút ống nội khí quản, hiện bệnh nhân tỉnh táo, tự thở, mạch huyết áp ổn định, có thể ra viện trong vài ngày tới.
Bé gái bỏng nặng vì bị nhỏ nhầm axit vào miệng
Tri Thức Trực Tuyến dẫn thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) cho hay, bệnh nhi là bé gái M.A. (3 tháng tuổi). Hôm xảy ra sự việc, người thân muốn lấy lọ vitamin D cho bé A. uống nhưng lại lấy nhầm lọ thuốc axit trichloracetic 80% đặt kế bên do hình dáng và màu sắc của hai lọ giống nhau.
Được biết, Axit trichloracetic là chất tương tự axit axetic, được sử dụng cho điều trị mụn cóc, mụn cơm, mắt cá chân. Ngay sau đó, khoang miệng bệnh nhi xuất hiện chất lỏng màu trắng và bé bắt đầu khóc nhiều. Lúc này, gia đình phát hiện đã nhỏ nhầm thuốc nên sơ cứu tại nhà bằng cách lấy khăn thấm nước lau miệng cho con và đưa ngay đến bệnh viện.
Theo bác sĩ CKII Phùng Công Sáng, Phó trưởng khoa Chỉnh hình, phụ trách Đơn vị bỏng, Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh nhi được chẩn đoán bỏng hóa chất khoang miệng mức độ III.
Bỏng hóa chất là tình trạng bỏng do các loại hóa chất như axit hoặc bazơ gây ra. Nó có thể gây ra tổn thương trên da hoặc niêm mạc các khoang trong cơ thể. Trường hợp bỏng sâu có nguy cơ tổn thương đến gân cơ, xương hoặc các cơ quan nội tạng nếu không may nuốt hóa chất vào người.
“Bỏng hóa chất như trường hợp bé M.A. thường rất nguy hiểm. Nhưng may mắn, bé uống nhầm lượng nhỏ (theo giọt) nên diện tích bỏng không lớn, điều trị đúng sẽ hạn chế được các di chứng sau này", bác sĩ Sáng cho hay. Nhờ điều trị kịp thời, sức khỏe của bệnh nhi ổn định và đã được xuất viện.
Người phụ nữ mang khối bướu nặng gần 9kg trong bụng
Theo báo Người Lao Động, bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Trưởng Khoa Ngoại 1 Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, cho biết các bác sĩ tại bệnh viện vừa phẫu thuật cắt khối bướu nặng gần 9kg cho người phụ nữ bị ung thư buồng trứng.
Các bác sĩ Bệnh viện Ung bướu TP.HCM vừa phẫu thuật cắt khối bướu nặng gần 9kg cho người phụ nữ bị ung thư buồng trứng. Ảnh: Người Lao Động
Trước đó, bệnh nhân bị ung thư buồng trứng và được phẫu thuật tại bệnh viện tuyến tỉnh. Sau đó, bệnh nhân chuyển đến Bệnh viện Ung bướu TP.HCM tiếp tục thực hiện hóa trị. Do quá trình điều trị lâu nên người bệnh chán nản, quyết định không hóa trị nữa và bắt đầu uống thuốc nam, thuốc bắc không rõ loại.
Tuy nhiên, tình trạng bệnh ngày càng xấu khi bụng của bệnh nhân quá to gây khó thở do bướu chèn ép, không thể đi lại. Lo sợ, bệnh nhân quay trở lại bệnh viện điều trị nhưng lúc không thể vào thuốc buộc phải chuyển qua khoa chăm sóc giảm nhẹ giai đoạn cuối. Tình trạng bệnh quá nặng, các bác sĩ lắc đầu vì không thể nào mổ.
"Mặc dù đồng nghiệp lắc đầu nhưng sau khi thăm khám kỹ cùng sự mong mỏi của bệnh nhân và người nhà, tôi quyết định phẫu thuật cho bệnh nhân. Bởi nếu không phẫu thuật tiên lượng người bệnh không qua khỏi 1 tháng. Phẫu thuật được thì còn hy vọng", bác sĩ Tiến nói.
Ekip phẫu thuật đã lên các phương án kể cả rủi ro trên bàn mổ. Sau 1 tuần chuẩn bị cho công tác hồi sức, thuốc, ekip bắt đầu "cuộc chiến". Sau nhiều giờ phẫu thuật, có lúc tưởng chừng bệnh nhân tử vong trên bàn mổ nhưng bằng sự nỗ lực và may mắn, ca mổ thành công. Các bác sĩ đã lấy toàn bộ khối bướu và dịch nặng gần 20kg, riêng khối bướu nặng gần 9 kg.
Đinh Kim (T/h)