3 người nhập viện cùng ngày do phản vệ sau khi truyền dịch ở nhà
VietNamNet dẫn thông tin từ Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn cho biết, khoa Cấp cứu của đơn vị này vừa tiếp nhận 3 trường hợp nhập viện cùng ngày do phản vệ sau khi truyền dịch tại nhà.
Bệnh nhân gồm 1 nam, 2 nữ, tuổi từ 54-63, ở các địa chỉ khác nhau tại tỉnh Lạng Sơn, vào viện với các dấu hiệu chóng mặt, đau đầu, run chân tay, khó thở sau khi truyền dịch tại nhà. Sau khi được cấp cứu, xử trí chống sốc, sức khỏe bệnh nhân ổn định, ra viện.
"Bệnh nhân cho biết vì cảm thấy mệt mỏi, ăn uống kém nên tự gọi người về nhà truyền dịch, bản thân họ cũng không biết đó là dung dịch gì", đại diện Phòng Công tác xã hội cho biết. Chỉ khoảng 1-2 giờ sau khi truyền, bệnh nhân có các biểu hiện bất thường.
Khoảng 1-2 giờ sau khi truyền dịch, bệnh nhân có các biểu hiện bất thường. Ảnh minh họa
Các bác sĩ chia sẻ, việc tự ý truyền dịch có thể gây ra biến chứng từ mức độ nhẹ đến nặng. Trường hợp nhẹ, người bệnh bị sưng nề, đau tại vùng cắm kim truyền. Nặng hơn, người bệnh có thể bị viêm tĩnh mạch, phù tim, thận, tụt huyết áp, hôn mê, sốc phản vệ và tử vong.
Bác sĩ khuyến cáo người dân không nên lạm dụng việc truyền dịch tại nhà khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Khi thực hiện truyền dịch phải có sự thăm khám, chỉ định của bác sĩ và phải được thực hiện tại các cơ sở y tế có đủ phương tiện cấp cứu khi tai biến xảy ra.
Người phụ nữ 54 tuổi bị túi phình mạch não kích thước lớn
Theo báo Người Lao Động, chiều ngày 14/4, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cho hay vừa can thiệp thay đổi dòng chảy trong đầu thành công cho nữ bệnh nhân N.T.G (54 tuổi, ở TP HCM) bị túi phình "khổng lồ" dọa vỡ.
Được biết, 2 năm trở lại đây, bệnh nhân đau đầu, mệt mỏi thường xuyên, uống thuốc trị. Vào ngày nhập viện, cơn đau đầu tăng nặng, cộng thêm các triệu chứng mệt mỏi, nói khó, yếu liệt nửa người bên trái, được đưa đi cấp cứu theo dõi tại bệnh viện địa phương 3 ngày rồi chuyển viện.
Hình ảnh túi phình "khổng lồ" trong đầu người phụ nữ. Ảnh: Người Lao Động
ThS.BS Phạm Định Chương, Khoa Nội Thần kinh Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn (người trực tiếp can thiệp), cho biết bệnh nhân bị túi phình mạch não có kích thước lớn, nguy cơ vỡ tử vong cao. Việc điều trị để loại bỏ túi phình là ưu tiên quan trọng hàng đầu.
Tuy nhiên, túi phình kích thước lớn, cổ rộng không thể điều trị bằng phương pháp thông thường như thả coil (nút túi phình mạch não bằng vòng xoắn kim loại) hay phẫu thuật. Đối với những túi phình như thế này, việc điều trị bằng stent thay đổi dòng chảy là lựa chọn tối ưu.
Đây là một phương pháp điều trị mới, hiện đại, hiệu quả nhất hiện nay cho các túi phình có kích thước lớn. Stent sẽ hướng dòng chảy theo chiều mạch máu và không đổ vào túi phình nữa, về lâu dài túi phình sẽ huyết khối, tổ chức hoá và teo nhỏ lại, cổ túi phình sẽ liền với mạch máu (quá trình này gọi là nội mạc hoá), từ đó sẽ loại bỏ hoàn toàn túi phình.
Ca can thiệp thực hiện thuận lợi, tình trạng bệnh nhân đã ổn định, hết đau đầu, có thể ngồi dậy, đi lại nhẹ nhàng, tự chăm sóc cá nhân, không phụ thuộc vào người thân như lúc trước.
Người đàn ông bị máy cắt cỏ cắt gần lìa bàn chân phải
Ngày 14/4, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới (Quảng Bình) cho biết đơn vị vừa phẫu thuật nối thành công bàn chân cho bệnh nhân Đ.T.B (46 tuổi, ngụ Quảng Bình) bị máy cắt cỏ cắt gần đứt lìa, theo báo Pháp Luật TP.HCM.
Trước đó, bệnh nhân được người nhà đưa tới viện cấp cứu trong tình trạng bàn chân phải gần đứt lìa với vết đứt sắc gọn, lộ xương sên, mắt cá ngoài và trong vùng cổ chân bị gãy, đứt toàn bộ mạch máu, gân cơ, thần kinh…
Bác sĩ Võ Việt Đức, khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới, cho biết ekip liên chuyên khoa đã phẫu thuật vi phẫu nối mạch máu, gân chi bị đứt cho bệnh nhân. Sau đó khâu phục hồi tổn thương gân duỗi và nhiều hoạt động phức tạp khác nhằm nối lại bàn chân.
Bệnh nhân đang được theo dõi tại bệnh viện. Ảnh: Pháp Luật TP.HCM
Hiện, tình trạng vùng thương tổn của bệnh nhân chuyển biến tốt. Các mạch cấp máu nuôi dưỡng tốt, các ngón chân đã cử động được khá linh hoạt. Bệnh nhân đang được theo dõi và điều trị để được đánh giá, tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng.
“Đây là tai nạn hi hữu, bệnh nhân gặp tổn thương xương, mạch máu, gân, cơ, thần kinh. Cũng may bệnh nhân được đưa đến cấp cứu kịp thời. Sau hơn 2 giờ thực hiện, ca phẫu thuật đã thành công", bác sĩ Đức nói.
Đinh Kim (T/h)