Nối thành công ngon tay bị máy cưa cắt lìa cho nam bệnh nhân
Theo Tiền Phong, ngày 14/12, bác sĩ Võ Hòa Khánh - Trưởng phòng Quản lý Chất lượng Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình (TP.HCM) cho biết trong quá trình tham gia hỗ trợ chuyên môn cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, bác sĩ đã cùng ekip thực hiện thành công kỹ thuật vi phẫu nối chi thể đứt lìa cho nam bệnh nhân bị tai nạn lao động.
Các bác sĩ tiến hành nối ngón tay bị máy cưa cắt lìa cho bệnh nhân. Ảnh: Tiền Phong
Bệnh nhân được đưa đến bệnh viện trong tình trạng đứt lìa ngang chỏm đốt xa ngón cái. Gia đình bệnh nhân cho biết anh đang vận hành máy cưa nhưng sơ ý nên gặp nạn. Bệnh nhân lập tức được sơ cứu, phần chi thể được bọc trong bao nilon giữ lạnh trong thùng đá và chuyển đến bệnh viện.
Tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn nhanh, quyết định thực hiện cuộc phẫu thuật khẩn nguy, cứu ngón tay cho bệnh nhân. Ca phẫu thuật kéo dài 3 tiếng đồng hồ, bệnh nhân được các bác sĩ nối lại phần xương, cơ, mạch máu, dây thần kinh… Sáng ngày 14/12, ngón tay của bệnh nhân đã hồng hào, có lại sự sống.
Cứu bệnh nhân 51 tuổi bị phình lớn động mạch cảnh
Người Lao Động đưa tin, các bác sĩ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) vừa thực hiện phương pháp can thiệt nội mạch đặt stent chuyển dòng, cứu sống một nữ bệnh nhân bị phình lớn động mạch cảnh.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân sau ca phẫu thuật. Ảnh: Người Lao Động
Được biết, bệnh nhân là bà N.T.M.T (51 tuổi), có triệu chứng đau nửa đầu bên trái nhiều tháng nay, dùng thuốc giảm đau paracetamol thường xuyên nhưng không thuyên giảm. Thấy cơn đau đầu ngày càng tăng, bệnh nhân đến Bệnh viện Nguyễn Tri Phương thăm khám.
Tại đây, bệnh nhân được chụp phim MRI sọ não, kết quả cho thấy người bệnh bị một túi phình lớn của động mạch cảnh trong bên trái. Theo TS.BS Phạm Anh Tuấn, Trưởng Khoa Ngoại Thần kinh của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, trên phim DSA mạch máu não ghi nhận một túi phình của động mạch cảnh trong bên trái, kích thước 12x13 mm, rộng 6 mm.
Bệnh nhân được chỉ định phương pháp can thiệp nội mạch đặt stent chuyển dòng. Sau khi được can thiệp, bệnh nhân tỉnh táo, giảm hẳn cơn đau nửa đầu bên trái.
Sản phụ 18 tuổi mắc bệnh ban xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối nặng
Pháp Luật TP.HCM dẫn thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết đơn vị này vừa điều trị thành công trường hợp ban xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối (TTP) nguy hiểm hiếm gặp.
Bệnh nhân là sản phụ P., 18 tuổi, ngụ tỉnh Kiên Giang. Sản phụ được chuyển tuyến trong tình trạng lơ mơ, không tiếp xúc, mạch nhanh, sốt cao. Chẩn đoán theo dõi viêm não màng não, thiếu máu nặng và giảm nặng số lượng tiểu cầu, thai sống 27 tuần thiểu ối.
Sản phụ hiện đã tỉnh táo, tiếp xúc tốt, không còn rối loạn ý thức. Ảnh: Pháp Luật TP.HCM
Sản phụ sau đó đã chuyển dạ sinh non bé trai, được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng chăm sóc. Về phía sản phụ, chị rơi vào tình trạng lơ mơ, co giật liên tục, sốt cao 39 – 40 đô C, da xanh, niêm nhợt, số lượng tiểu cầu giảm rất nặng, kèm xuất huyết dưới da và vết bầm máu rải rác khắp cơ thể.
Tình trạng thiếu máu - giảm tiểu cầu mức độ nặng, tiến triển nhanh, suy thận tiến triển. Sản phụ được chẩn đoán xác định ban xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối (TTP) rất nguy kịch, nguy cơ tử vong cao. Bác sĩ CKII Dương Thiện Phước – Trưởng khoa Hồi sức tích cực – chống độc cho biết sản phụ đã hội đủ “ngũ chứng” của ca bệnh chẩn đoán ban xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối.
Sản phụ được điều trị tích cực bằng trao đổi huyết tương cùng với các thuốc ức chế miễn dịch, truyền chế phẩm máu hỗ trợ kết hợp thuốc an thần, dinh dưỡng nâng đỡ thể trạng, chăm sóc triệu chứng. Sau một thời gian điều trị, sản phụ không còn rối loạn ý thức, tỉnh táo, tiếp xúc tốt, hết sốt, da niêm mạc hồng, không xuất huyết dưới da, tình trạng thiếu máu, giảm tiểu cầu dần hồi phục và trở về giới hạn bình thường.
Đinh Kim (T/h)