Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống ngày 14/7: Cấp cứu bệnh nhân bị hai mảnh gỗ đâm thủng ruột non

  • Đinh Kim
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 14/7/2022. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 14/7/2022 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Cấp cứu bệnh nhân bị hai mảnh gỗ đâm thủng ruột non

Báo Sức Khỏe & Đời Sống dẫn thông tin từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới (Quảng Bình) cho biết đơn vị này vừa cấp cứu và điều trị thành công cho bệnh nhân T.V.D (44 tuổi, trú tại xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh) bị hai mảnh gỗ đâm thủng ruột non khi cưa gỗ.

Trước đó, bệnh nhân được người nhà đưa vào cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, đau bụng dữ dội, vùng bụng chướng. Người nhà kể, bệnh nhân không may bị mảnh gỗ văng vào vùng bụng gây thương tích khi đang cưa gỗ.

Hai mảnh gỗ văng vào đâm thủng ruột non bệnh nhân. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống

Qua thăm khám, xét nghiệm cận lâm sàng siêu âm, chụp CT scaner ổ bụng các bác sĩ phát hiện 2 mảnh dị vật trong ổ bụng, 2 vết thương trên thành bụng đang chảy máu.

Các bác sĩ nhanh chóng chuyển bệnh nhân mổ cấp cứu rút ra 2 mành gỗ với kích thước khoảng 2cm và 4cm đâm xuyên thành bụng gây thủng 2 lỗ ở ruột non.

Sau quá trình cấp cứu và điều trị, hiện sức khoẻ bệnh nhân đã ổn định và được hoàn tất thủ tục xuất viện. Theo BS CKII Lê Mạnh Hà, Trưởng Khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - CuBa Đồng Hới, bệnh nhân này rất may mắn khi 2 mảnh gỗ gây thương tích ở ruột non, nếu đâm vào các vùng tạng khác và mạch máu thì sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng.

Bé 8 tuổi bị viêm phúc mạc ruột thừa

VTV News thông tin Trung tâm Y tế huyện Tân Sơn (Phú Thọ) vừa điều trị thành công cho bệnh nhi Đ.Q.K (SN 2014, trú tại xã Mường Do, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La) bị viêm phúc mạc ruột thừa. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng đau bụng âm ỉ khắp ổ bụng đã 4 ngày liên tiếp, ngày càng đau tăng lên và dùng thuốc không đỡ. Sau khi được các bác sĩ thăm khám và làm các cận lâm sàng cần thiết, bệnh nhi được chẩn đoán bị viêm phúc mạc ruột thừa.

Bệnh nhi được hội chẩn mổ cấp cứu nội soi cắt ruột thừa, tình trạng ổ bụng đầy mủ, giả mạc do ruột thừa viêm hoại tử vỡ. Các bác sĩ phẫu thuật đã lau rửa ổ bụng, cắt ruột thừa viêm và đặt ống dẫn lưu. Hiện tình trạng bệnh của bệnh nhi diễn biến tốt, đã giảm tình trạng nhiễm trùng, tiếp tục được theo dõi và điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Tân Sơn.

Các bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhi. Ảnh: VTV News

Các bác sĩ lưu ý các dấu hiệu ở trẻ có khả năng bị viêm ruột thừa: Đau bụng vùng quanh rốn, hố chậu phải; Sốt nhẹ; Buồn nôn và nôn; Đại tiện phân lỏng; Bụng chướng.

Các triệu chứng này có thể xuất hiện không đầy đủ nên cha mẹ cần đưa con đi khám nếu thấy trẻ đau bụng nhiều, không giảm sau 1-2 giờ kèm theo nôn, đi lỏng hoặc sốt để được theo dõi tại bệnh viện vì việc theo dõi diễn biến tại nhà rất nguy hiểm.

Ngoài ra, gia đình không nên tự ý dùng thuốc giảm đau cho trẻ nếu trẻ đau bụng mà chưa xác định nguyên nhân. Lý do là vì thuốc giảm đau có thể làm mất các triệu chứng bệnh và gây khó khăn cho nhân viên y tế trong quá trình chẩn đoán viêm ruột thừa.

Người đàn ông nhập viện cấp cứu sau khi uống rượu

Bệnh viện Nhân Dân Gia Định TP.HCM cho biết đơn vị này vừa tiếp nhận một trường hợp bị ngộ độc Methanol rất nặng. Cụ thể, bệnh nhân K.V. (52 tuổi, ngụ tại TP.HCM), chuyển viện trong tình trạng lơ mơ, vật vã.

Khai thác tiền sử của bác sĩ từ phía người bệnh ghi nhận, trước đó bệnh nhân  mua rượu về uống. Khoảng 1 giờ sau, cơ thể có cảm giác khô, nóng rát cổ họng, nhức đầu, mắt tối sầm và ngất xỉu ngoài đường. Bệnh nhân được người dân đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Nhân Dân Gia Định.

Qua thăm khám lâm sàng, bác sĩ nhận định người bệnh nghiện rượu, có nguy cơ uống nhầm phải rượu pha chế từ cồn công nghiệp dẫn tới ngộ độc Methanol. Ngay lập tức bệnh nhân được thực hiện các xét nghiệm kiểm tra và xử trí sớm theo phác đồ điều trị ngộ độc Methanol bằng phương pháp sử dụng chất đối kháng đặc hiệu là Ethanol loại bỏ độc chất ra khỏi cơ thể.

Người đàn ông nhập viện sau khi uống rượu. Ảnh: Tiền Phong

“Kết quả xét nghiệm nồng độ Methanol trong máu ban đầu của bệnh nhân ở mức rất cao (125,2 mg/dL, chỉ số người bình thường = 0). Người bệnh được truyền Ethanol vào dạ dày để ngăn chặn chuyển hóa hấp thu ngộ độc đồng thời được lọc máu ngắt quãng.

Sau một ngày điều trị, tình trạng người bệnh tỉnh, các chỉ số sức khỏe cải thiện rõ rệt, không còn tình trạng toan máu. Hiện tại người bệnh vẫn phải lọc máu ngắt quãng và đang được tiếp tục theo dõi kết quả các chỉ số xét nghiệm”, báo Tiền Phong dẫn lời ThS.BS Hoàng Tiến Nam, khoa Hồi sức tích cực Chống độc.

Bác sĩ Nam cho biết thêm người bệnh ngộ độc Methanol nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời thì sẽ đối diện với nguy cơ suy đa cơ quan, ngưng tim dẫn đến tử vong. Nếu qua nguy kịch thì cũng để lại các biến chứng nặng nề về thị giác.

Đinh Kim (T/h)

Tin nổi bật