Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống ngày 11/7: Chữa khỏi ung thư vú nhờ phát hiện sớm

  • Đinh Kim
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 11/7/2022. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 11/7/2022 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Chữa khỏi ung thư vú nhờ phát hiện sớm

Bệnh viện Đại học Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) cho biết, đơn vị này vừa tiến hành phẫu thuật, điều trị triệt để ca ung thư vú giai đoạn 0 cho bệnh nhân H.M (60 tuổi, trú tại huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk), theo Người Đưa Tin Pháp Luật.

Trước đó, vào ngày 27/6, bệnh nhân tới thăm khám tại Đơn vị Ung bướu thuộc Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đại học Buôn Ma Thuột với tình trạng tiết dịch bất thường ở núm vú trái qua 7 ngày, dịch màu đen với lượng nhiều.

Bệnh nhân hiện đã ổn định sức khỏe và được xuất viện. Ảnh: Người Đưa Tin Pháp Luật

Ngay sau khi thăm khám, bác sĩ đã chỉ định cho bệnh nhân thực hiện các bước cận lâm sàng cần thiết như: Xét nghiệm, siêu âm… Kết quả xét nghiệm cho thấy dịch núm vú trái của bệnh nhân có biểu mô bất thường trong dịch núm vú, khả năng carcinoma (ung thư biểu mô). Kết quả siêu âm có tổn thương xáo trộn cấu trúc vú trái.

Người bệnh được các bác sĩ chẩn đoán cần theo dõi ung thư vú trái. Ngay sau đó, bệnh nhân được chỉ định chuyên sâu là thực hiện sinh thiết u vú trái, qua đó phát hiện carcinoma (ung thư biểu mô) ống tuyến vú, thể nội ống. Đây là loại tế bào ung thư vú ở giai đoạn tại chỗ (giai đoạn 0).

Bệnh nhân đã được các bác sĩ giải thích, tư vấn về tình trạng bệnh và các phương hướng điều trị, tỷ lệ khỏi bệnh sau khi điều trị. Đồng thời, thống nhất phương pháp điều trị tiếp theo bao gồm: Đoạn nhũ và nạo hạch nách trái triệt để. Ca phẫu thuật diễn ra thành công. Sau 5 ngày phẫu thuật, sức khỏe của bệnh nhân ổn định và được cho xuất viện về nhà theo dõi.

8 người bị ngộ độc thực phẩm sau bữa tối

Theo ông Đinh Mạnh Cường, Phó Giám đốc Sở Y tế Bắc Kạn, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn vừa tiếp nhận cấp cứu cùng lúc cho 8 người bị ngộ độc thực phẩm ngay sau bữa tối. Trong 8 người này, có 3 người bị suy hô hấp nặng phải thở máy.

Báo Sức Khỏe & Đời Sống thông tin, chiều ngày 9/7, nhà bà N.T.H ở xã Nông Thượng (TP Bắc Kạn) đón con cháu từ Hà Giang về nên chuẩn bị bữa tối. Sau bữa tối, 8 người trong bữa cơm có biểu hiện ngộ độc, gồm vợ chồng bà H, 4 người con gái, con rể và 2 người hàng xóm trong thôn.

Các bệnh nhân đang được cấp cứu tại bệnh viện. Ảnh: Phụ Nữ Việt Nam

Sau khi phát hiện sự việc, hàng xóm đã đưa cả 8 người đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn cấp cứu. Đến sáng ngày 10/7, do bệnh nặng, bệnh viện đã liên hệ Bệnh viện Bạch Mai để chuyển 2 người trong số 3 người bị suy hô hấp nặng phải thở máy về tiếp tục điều trị. Người còn lại đến sáng nay đã có chỉ số ổn định. 5 trường hợp nhập viện cùng sau khi được cấp cứu cũng qua cơn nguy kịch.

Ngoài việc nỗ lực cấp cứu, điều trị cho 8 bệnh nhân bị ngộ độc, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn cho biết thêm, Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh đã lấy mẫu gửi đơn vị kiểm nghiệm độc tố và điều tra, xác minh làm rõ nguyên nhân.

Sơ bộ ban đầu cho thấy, trong bữa cơm tối qua của gia đình bà H. có món canh lòng cá trắm nấu rau rừng. Ông Cường nhận định "có thể nguyên nhân ngộ độc do ăn mật cá trắm".

Vắt rừng sống ký sinh trong đường thở bé 11 tuổi

Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, các bác sĩ khoa Tai Mũi Họng vừa nội soi, gắp một con vắt rừng ra khỏi đường thở cho bệnh nhi 11 tuổi. Theo Infornet, cách đây ít ngày, bệnh nhi X.T.C (trú tại huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) nhập viện trong tình trạng ho kéo dài, khó thở, thỉnh thoảng có khạc ra máu.

Người nhà cho biết, khoảng 2 tháng trước, bệnh nhi uống nước ở suối, sau khi trở về nhà trẻ xuất hiện ho nhiều, thỉnh thoảng ho ra máu, khàn tiếng. Gần 1 tuần nay, tình trạng khó thở tăng lên. Gia đình đưa bệnh nhi tới bệnh viện tuyến huyện khám, được chẩn đoán dị vật đường thở.

Ngay lập tức, bệnh nhi được chuyển tuyến xuống Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Qua thăm khám cận lâm sàng kết hợp nội soi thanh quản ống mềm, các bác sĩ phát hiện dị vật là một con vắt sống ký sinh trong đường thở của bênhh nhi nên tiến hành nội soi gắp con vắt rừng ra ngoài. Hiện bệnh nhi đã thở tốt, tình trạng sức khỏe ổn định và mới được xuất viện về nhà.

Con vắt sống ký sinh trong đường thở bé 11 tuổi. Ảnh: Infornet

Bác sĩ Trịnh Thanh Hưng - khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, khuyến cáo khi người bệnh bị vắt rừng (hoặc đỉa) chui vào đường thở, biểu hiện thường thấy là cảm giác khó chịu lỗ mũi, xì mũi, nghẹt mũi, chảy máu mũi.

Nếu không được bác sĩ khám và xử lý kịp thời, con vắt, đỉa ngày càng to gây nghẽn khí quản, suy hô hấp... và để kéo dài có thể dẫn đến tử vong. Do đó, khi thấy dấu hiệu bất thường về đường thở, người dân cần đến ngay cơ sở y tế thăm khám sớm để phát hiện và gắp ra kịp thời, tránh để lâu dài ảnh hưởng tới sức khỏe.

Đinh Kim (T/h)

Tin nổi bật