Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống ngày 12/3: Bé 18 tháng tuổi bị bỏng nước sôi nặng

  • Đinh Kim
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 12/3/2023. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 12/3/2023 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Bé 18 tháng tuổi bị bỏng nước sôi nặng

VTV News đưa tin, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương vừa tiếp nhận điều trị cho một bệnh nhi 18 tháng tuổi bị bỏng nước sôi với diện tích bỏng chiếm 40% cơ thể. Trước đó, bệnh nhi được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng đau đớn, kích thích, bỏng toàn bộ vùng đùi cẳng bàn chân hai bên - cẳng bàn tay trái - bàn tay phải.

Tại phòng cấp cứu, các bác sĩ đã tập trung hồi sức, cấp cứu, tạo đường truyền bù dịch, giảm đau, chống sốc, xử trí băng vết bỏng. Bệnh nhi được chẩn đoán bỏng nước sôi độ I, II đùi cẳng bàn chân hai bên - cẳng bàn tay trái - bàn tay phải, diện tích bỏng khoảng 40% cơ thể. Bệnh nhi hiện đang được điều trị ở khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương.

Bé 18 tháng tuổi bị bỏng nước sôi với diện tích bỏng chiếm 40% cơ thể. Ảnh minh họa: Tiền Phong

Được biết, liên tiếp những ngày gần đây, Trung tâm cấp cứu 115 - Hệ thống y tế Hùng Vương tiếp nhận và cấp cứu các trường hợp trẻ bị tai nạn vô cùng hy hữu như bỏng do ngã vào nước sôi, uống nhầm dầu hoả, nuốt nhầm đồ chơi, đồng xu...

Tất cả bệnh nhi đều nhập viện trong tình trạng nguy hiểm, kích thích, đau đớn. Các bé may mắn hiện sức khoẻ đều trong tình trạng ổn định nhưng những tổn thương về cơ thể, về tinh thần chắc chắn sẽ còn đeo đẳng và ám ảnh các bé lâu dài.

Vậy nên, cha mẹ cần đảm bảo một môi trường sống an toàn cho trẻ. Sự bất cẩn của người lớn sẽ vô tình khiến trẻ em gặp phải những tai nạn đau đớn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Người đàn ông mang khối u mỡ nặng 8kg ở ngực

Theo VietNamNet, sau những cơn ho kéo dài kèm mệt mỏi, nam bệnh nhân N.V.S ( 56 tuổi, trú tại Thành Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa) đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa thăm khám. Tại đây, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân có khối u trung thất lớn gây chèn ép tim, toàn bộ khoang phổi 2 bên.

Sau hơn 2 giờ phẫu thuật căng thẳng, ekip các bác sĩ đã lấy ra khối u nặng khoảng 8kg, là tổ chức mỡ khổng lồ, nằm lệch sang ngực trái, dính nhiều vào màng tim, màng phổi 2 bên, chèn ép tim, mạch chủ.

ThS.BS Dương Văn Minh – khoa Phẫu thuật Thần kinh - Lồng ngực Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa chia sẻ, do khối u to, đường mổ lớn nên nguy cơ mất máu, đau sau mổ rất lớn. Ekip gây mê và phẫu thuật đã phải phối hợp và theo dõi sát từng chỉ số của người bệnh.

Bệnh nhân dự kiến sẽ được xuất viện vào đầu tuần tới. Ảnh: VietNamNet

Sau 1 tuần phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân ổn định, phục hồi tốt. Dự kiến người bệnh sẽ được ra viện vào đầu tuần tới.

Theo bác sĩ Minh, u mỡ là u lành tính của mô mỡ, hay gặp nhất ở người lớn. Tuy nhiên, u mỡ trong khoang ngực lại rất hiếm gặp. Hầu hết bệnh nhân không có triệu chứng nếu u có kích thước nhỏ. Trường hợp u mỡ kích thước lớn sẽ dẫn đến các biểu hiện như khó thở, khó nuốt.

Cây tăm tre đâm thủng bụng người phụ nữ 68 tuổi

Sáng ngày 11/3, Bệnh viện Gia An 115 TP.HCM cho hay, ekip phẫu thuật của bệnh viện vừa cứu chữa một trường hợp bị tăm tre nhọn đâm thủng bụng.

Cụ thể, theo báo Người Lao Động, nữ bệnh nhân V.T.L (68 tuổi, ngụ tỉnh Bình Thuận) nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, 3 ngày liền bị đau bụng quặn liên tục. Lúc đầu đau âm ỉ vùng thượng vị, sau đó cơn đau lan khắp bụng, không thể ăn được.

Dùng tăm tre xỉa răng, ngậm tăm là thói quen của nhiều người nhưng nếu bất cẩn có thể gây hậu quả khôn lường. Ảnh minh họa: Dân Trí

Bệnh nhân được thăm khám kỹ và chỉ định nội soi dạ dày. Khi nội soi dạ dày, các bác sĩ đã phát hiện một dị vật và lấy ra là cây tăm dài 6cm xuyên thủng tá tràng. Sau lấy dị vật, sức khỏe người bệnh dần hồi phục. Cây tăm này nằm trong từ 3 ngày trước nhưng bệnh nhân không hề hay biết mình đã nuốt phải.

Theo chia sẻ của các bác sĩ, dùng tăm tre xỉa răng, ngậm tăm là thói quen của nhiều người nhưng nếu bất cẩn có thể gây hậu quả khôn lường. Do đó, nên bỏ thói quen ngậm tăm sau khi ăn, đặc biệt là sau khi dùng rượu bia, khi nằm hoặc làm các việc khác. Đồng thời, không nên cười đùa, xem TV, điện thoại... khi đang ăn hoặc xỉa răng.

Đinh Kim (T/h)

Tin nổi bật