Cấp cứu bệnh nhân 31 tuổi rơi từ tầng 5 xuống đất
Báo Sức Khỏe & Đời Sống đưa tin, trong 1 lần lau nhà ở cửa sổ tầng 5, bệnh nhân 31 tuổi (Gia Lâm, Hà Nội) bị tuột tay ngã xuống đất, đập mông vào nền cứng. Người bệnh được đưa đến Bệnh viện 108 trong tình trạng đa chấn thương, liệt hoàn toàn hai chi dưới, huyết áp 90/60 mmHg, mạch nhanh, da nhợt nhạt.
Qua thăm khám và chụp CT-scan ngực, bụng phát hiện thấy bệnh nhân bị vỡ eo động mạch chủ ngực, tràn máu, tràn khí màng phổi hai bên kèm gãy, vỡ xương ở rất nhiều vị trí trên cơ thể, tiên lượng nặng.
Ekip cấp cứu của khoa Phẫu thuật tim mạch vừa khẩn trương cấp cứu kiểm soát huyết áp, nhịp tim và giảm đau cho bệnh nhân, vừa tổ chức hội chẩn giữa nhiều chuyên gia của các chuyên khoa như hồi sức, can thiệp...và quyết định áp dụng phương pháp đặt stent graft (một giá đỡ làm bằng kim loại đặc biệt có phủ màng bọc) để khắc phục vị trí tổn thương.
Được biết, Stent graft đưa vào lòng động mạch sẽ có tác dụng như một màng bọc vững chắc bảo vệ đoạn eo động mạch chủ đang bị vỡ. Ca can thiệp diễn ra thành công. Hiện tại, tình hình sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định, ý thức tỉnh táo, không còn khó thở, hết đau ngực và đã được xuất viện theo dõi thêm tại nhà.
Hình ảnh trước và sau can thiệp eo động mạch chủ của bệnh nhân. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống
Bệnh nhân này là một trong những trường hợp hiếm gặp, rất khó chẩn đoán khi ban đầu nhập viện, bệnh nhân vẫn còn tỉnh táo, tuy nhiên ngay sau đó tình trạng bệnh nhân diễn biến xấu rất nhanh, huyết áp tiếp tục tụt còn 79/50 mmHg, nhịp tim nhanh, đáp ứng chậm, kích thích nhiều.
Bệnh nhân được đưa vào phòng mổ để thăm dò khẩn cấp nhằm xác định nguồn chảy máu. Nếu chỉ chụp XQ ngực thì không thể phát hiện hết các tổn thương, do đó ngay lập tức bệnh nhân được chỉ định chụp CT Scan ngực và bụng để xác định, đánh giá kỹ lưỡng và đưa ra những chỉ định phù hợp nhất với bệnh nhân.
Bác sĩ chia sẻ: “Toàn bộ ekip đã phải trải qua những giây phút rất căng thẳng, chạy đua với thời gian để giành lại sự sống cho bệnh nhân. Điều quan trọng nữa là sức sống rất mạnh mẽ của cô gái trẻ đã là động lực để cả ekip cố gắng cứu sống bệnh nhân bằng mọi giá”.
Dùng lại đơn thuốc cũ, nữ bệnh nhân phải lọc máu cấp cứu
Theo VietNamNet, nữ bệnh nhân 26 tuổi ở Bắc Kạn đến khám tại Trung tâm dị ứng - miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng tăng huyết áp, ban đỏ cánh bướm mặt. Người bệnh bị thiếu máu nặng kèm theo dấu hiệu của tổn thương thận như phù hai chân, không thể đi tiểu, buồn nôn và nôn.
TS.BS Bùi Văn Khánh - Trung tâm dị ứng - miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, bệnh nhân được chỉ định xét nghiệm đánh giá tình trạng hoạt động của bệnh lupus ban đỏ và biến chứng của bệnh. Kết quả cho thấy có nhiều chỉ số đe dọa tới tính mạng. Đó là thiếu máu rất nặng, lượng huyết sắc tố chỉ còn bằng 1/3 giá trị của người bình thường, chức năng thận suy giảm nghiêm trọng với chỉ số tăng hơn 10 lần người bình thường. Bệnh nhân lập tức được chỉ định nhập viện và truyền máu, lọc máu cấp cứu.
Trước đó, năm 2019, người bệnh được chẩn đoán lupus ban đỏ hệ thống tại Bệnh viện Bạch Mai. 1 năm sau, bệnh nhân phát hiện bị thêm viêm cầu thận lupus và được theo dõi khám định kỳ tại Phòng khám lupus, Bệnh viện Bạch Mai. Do nhà ở xa và lo ngại dịch COVID-19 nên bệnh nhân không tái khám định kỳ.
Hơn 1 năm nay, bệnh nhân tự điều trị ở nhà, mua thuốc uống theo đơn cũ của bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai. Gần đây, bệnh nhân thấy người mệt nhiều, hoa mắt chóng mặt, không muốn ăn uống, kèm theo đau khớp, nổi ban đỏ trên mặt, buồn nôn và không đi tiểu được nên đã trở lại bệnh viện tái khám.
Theo TS.BS Khánh, tiến triển của viêm cầu thận lupus phải được theo dõi, điều trị sát sao. Thực tế ngay cả khi theo dõi tốt và điều trị phù hợp vẫn có tỷ lệ tiến triển nặng nhưng được can thiệp, điều chỉnh kịp thời nên không nguy hiểm. Với trường hợp bệnh nhân nói trên, bệnh tiến triển rất nguy hiểm vì người bệnh chủ quan không đi khám và dùng lại đơn thuốc cũ
Chạy đua với thời gian cứu bệnh nhân bị uốn ván nguy kịch
Bác sĩ Hoàng Công Tình – Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cho hay, khoa vừa xử trí cấp cứu cho một trường hợp bị uốn ván trong tình trạng suy hô hấp nguy kịch, theo báo Sức Khỏe & Đời Sống.
Người nhà bệnh nhân kể, các thời điểm nhập viện khoảng 10 ngày, người bệnh bị que gỗ đâm vào đuôi cung mày bên phải trong lúc làm việc. Vết thương chảy máu rồi tự cầm và khô dần. Bệnh nhân nghĩ rằng không có vấn đề gì nên không đi khám.
Tuy nhiên, 2 ngày sau đó, bệnh nhân thấy há miệng hạn chế, khó nuốt, không ho khạc được. Người bệnh được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cấp cứu trong tình trạng khó thở, hai hàm răng cắn chặt.
Thời điểm vào viện, bệnh nhân tăng trương lực cơ toàn thân, lọc sọc đờm hầu họng, không nuốt và không ho khạc được. Người bệnh thở rất khó khăn, toàn thân tím tái, nguy cơ sắp ngừng thở.
Các bác sĩ khẩn trương cấp cứu bệnh nhân. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống
Các bác sĩ chỉ có ít phút để mở đường thở qua cổ (mở khí quản) hộ trợ thở máy cho bệnh nhân. Quá trình chuẩn bị dụng cụ và mở khí quản được tiến hành khẩn trương với một ekip chuyên nghiệp.
Sau khoảng 10 phút, bệnh nhân đã được mở một đường thở qua cổ, hút trong phổi ra rất nhiều đờm, sau đó kết nối với máy thở và tình trạng hô hấp được đảm bảo. Tiếp theo là những ngày dài điều trị, chăm sóc và phục hồi chức năng tích cực mới có hy vọng sống sót cho người bệnh.
Trước đó, ngày 31/10, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cũng tiếp nhận một bệnh nhân uốn ván trong tình trạng tương tự, phải mở khí quán cấp cứu để tạo đường thở qua cổ. Sáng hôm sau, người bệnh đã rút được ống mở khí quản, từ thở tốt, đang được theo dõi sát và phục hồi chức năng tích cực.
Hiện tại, cả hai bệnh nhân nói trên đang nằm điều trị ở giường bệnh sát nhau để thuận lợi cho việc chăm sóc và phục hồi chức năng.
Đinh Kim (T/h)