Hoại tử phải tháo bỏ ngón tay vì tự ý đắp thuốc nam vào vết rắn cắn
Báo Sức Khỏe & Đời Sống dẫn thông tin từ Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí cho biết, người bệnh là N.V.M (42 tuổi, trú tại Thượng Yên Công, TP.Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh). Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng ngón tay sưng phù, chảy dịch, hoại tử.
Khai thác tiền sử được biết, khoảng 5 ngày trước, bệnh nhân có bị rắn hổ mang cắn vào ngón tay khiến ngón tay sưng, đau nhưng không đến bệnh viện mà đắp thuốc nam theo một số người mách. Sau đó, ngón tay không ngừng đau nhức và chảy dịch mới đến bệnh viện thăm khám và điều trị.
Khi ngón tay không ngừng đau nhức và chảy dịch, bệnh nhân mới đến bệnh viện thăm khám và điều trị. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống
Tại khoa Chấn thương chỉnh hình và Bỏng, các bác sĩ cho biết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng ngón tay đã hoại tử. Ngay lập tức, các bác sĩ đã chỉ định và tiến hành phẫu thuật tháo bỏ ngón III bàn tay trái của người bệnh.
Nhân đây, các bác sĩ khuyến cáo rắn hổ mang là loài rắn rất độc. Khi bị rắn hổ mang cắn, bệnh nhân có thể bị hoại tử vùng bị thương, cắt cụt chi, nhiễm trùng máu đe dọa đến tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời và đúng cách.
Ngoài ra, việc tự ý điều trị bằng các loại thuốc nam chưa được kiểm chứng lại càng tiềm ẩn nhiều nguy cơ khiến bệnh tình ngày càng nghiêm trọng hơn. Người dân cần đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và điều trị kịp thời, tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc nam điều trị, tránh gây nguy cơ ảnh hưởng đến sự an toàn của bản thân.
Người phụ nữ mất toàn bộ da đầu vì cuốn tóc vào máy khoan
TS.BS Phạm Thị Việt Dung - Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Bạch Mai cho hay, đơn vị vừa ghép da đầu cho trường hợp bị tóc cuốn vào máy khoan, theo Tri Thức Trực Tuyến.
Cụ thể, bệnh nhân là nữ, 43 tuổi, trú tại TP.Điện Biên (tỉnh Điện Biên). Trước đó, bệnh nhân phụ chồng khoan giếng, mái tóc dài bị cuốn vào máy. Tai nạn khiến toàn bộ da trán và da đầu của bà bị lột khỏi hộp sọ, cuốn vào máy khoan, máu chảy nhiều từ các đầu mạch đứt.
Gia đình vội đưa nạn nhân tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên. Vì đau và mất máu, bệnh nhân đã rơi vào trạng thái sốc. Các bác sĩ nhanh chóng xử lý sốc, cầm máu, truyền máu, an thần, đặt ống nội khí quản. Tiên lượng không thể nối lại mảnh da đầu đứt rời nên cơ sở y tế này đã xử lý bảo quản mảnh da rồi liên lạc tới các bệnh viện tại Hà Nội.
Sau đó, bệnh nhân được chuyển tới Bệnh viện Bạch Mai. Thời điểm này là 12 giờ sau tai nạn. Tất cả bác sĩ trong khoa Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ đã có mặt đông đủ, gồm kíp trực cấp cứu, gây mê, huyết học, chẩn đoán hình ảnh sẵn sàng hỗ trợ bệnh nhân.
Vấn đề khó khăn là phần da đầu bị bong tróc chia hai mảnh, rách nát. Bên cạnh đó, da đã đứt rời 12 giờ, quá thời gian vàng (6 giờ) nên cơ hội sống của mảnh ghép còn rất thấp.
"Khi mở băng, nhìn xương sọ của bệnh nhân không được phủ một chút tóc hay màng xương, chúng tôi càng áp lực. Nếu không nối được, toàn bộ xương sọ khô, không được tưới máu kia làm thế nào để che phủ. Đây sẽ là quá trình dài và mệt mỏi sau này để bệnh nhân có thể liền thương", bác sĩ Phạm Thị Việt Dung nói.
Nếu không phẫu thuật, bệnh nhân sẽ không bao giờ có tóc trên vùng da đầu. Do đó, suốt 6 giờ, các bác sĩ đã cố gắng nối từng mạch máu cho bệnh nhân, nỗ lực ghép lại mảnh da để che phủ vùng xương sọ.
Rất may hai mảnh da được cấp máu. Bệnh nhân giữ lại được 3/4 mảng da đầu có tóc. Phần da còn lại quá dập nát và có nguy cơ hoại tử sau ghép, các bác sĩ đã lên kế hoạch che phủ bằng phương pháp khác. Cuộc phẫu thuật xử trí tiếp theo sẽ được tiến hành sau khi bệnh nhân qua cơn nguy kịch.
Điều trị cho người đàn ông bị mất cân bằng cơ thân trên, thân dưới và chi dưới
Theo báo Người Lao Động, bác sĩ Calvin Q Trịnh, Trưởng Đơn vị hiệu chỉnh cơ xương khớp Bệnh viện 1A cho biết, các bác sĩ tại bệnh viện vừa điều trị cho bệnh nhân N.Q.M (48 tuổi, ngụ TP.HCM) bị mất cân bằng cơ thân trên, thân dưới và chi dưới gây ra cơn đau toàn thân.
Bệnh nhân kể, cách đây 7 năm, anh có biểu hiện đau vùng cổ, cơn đau lan xuống 2 tay dẫn đến tê bì, khó cầm nắm khi vận động; đau nhiều vùng thắt lưng. Anh đã đi khám bác sĩ, uống thuốc tây và vật lý trị liệu nhiều nơi nhưng không bớt đau.
Đến năm 2022, anh tiếp tục đi khám tại bệnh viện khác trên địa bàn TP.HCM và được chẩn đoán thoát vị đĩa đệm cột sống cổ và thắt lưng, trượt L3/L4 ra trước độ 1. Tuy nhiên, khi đó bệnh viện chỉ điều trị bằng toa thuốc giãn cơ, giảm đau và kháng viêm.
Mới đây, cơn đau tê bì vùng tay, chân lan đến cổ, vùng thắt lưng đau tăng dần lan xuống mông dẫn đến sinh hoạt khó khăn. Vì quá bất tiện trong sinh hoạt nên người bệnh đến điều trị bằng phương pháp hiệu chỉnh cơ xương khớp.
Bác sĩ thăm khám cho người bệnh qua các động tác, tư thế cơ xương khớp. Ảnh: Người Lao Động
Tại Bệnh viện 1A, sau khi thăm khám và thực hiện các kết quả hình ảnh, bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị mất cân bằng cơ thân trên, thân dưới và chi dưới. Cụ thể, vai tròn xệ, lưng gù, đầu nhô trước, thắt lưng quá ưỡn và khung chậu xoay trước, mất đường cong sinh lý cột sống.
Tất cả điều này làm gia tăng áp lực và thay đổi trọng tâm lên vùng cột sống cổ và thắt lưng gây căng mỏi cơ, thoát vị đĩa đệm, chèn ép thần kinh gây đau lan dọc các chi tê bì.
Bệnh nhân đã được thực hiện tái tạo sự cân bằng cơ vùng thân trên, thân dưới, chi dưới, xoay khung chậu tái lập đường cong sinh lý cột sống thắt lưng. Người bệnh chia sẻ, sau quá trình điều trị, hiện tình trạng của anh cải thiện 95%, đã hết cơn đau lưng, tê bì tay chân và có thể sinh hoạt bình thường.
Đinh Kim (T/h)