Tin tặc lợi dụng Google Ads để đánh cắp 4 triệu USD
Chỉ trong tháng 4, tin tặc đã lừa 3.000 người để chiếm đoạt số tiền điện tử trị giá 4,16 triệu USD, thông qua việc quảng cáo các trang web lừa đảo bằng Google Ads.
Thông tin trên do ScamSniffer - công ty cung cấp dịch vụ chống lừa Web3 - vừa tiết lộ.
"Quảng cáo từ các trang web lừa đảo đang phổ biến trên Google. Khi người dùng nhấp vào dịch vụ quảng cáo, họ sẽ bị yêu cầu điền chữ ký đăng nhập ví tiền số. Từ đây, tin tặc qua mặt hệ thống đánh giá của Google Ads để chiếm đoạt tiền số của nạn nhân" - chuyên gia của ScamSniffer cho biết.
Một số giao thức, trang web và nền tảng tài chính phi tập trung (DeFi) như Zapper.fi, Lido, Stargate, DefiLlama, Orbiter Finance và Radiant đã trở thành mục tiêu của những kẻ lừa đảo. Những thay đổi nhỏ đối với URL chính thức khiến người dùng khó xác định rằng họ đã nhấp vào các liên kết độc hại.
Một phân tích cho thấy các trang web lừa đảo này có liên quan tới các nhà quảng cáo ở Ukraine và Canada. Kẻ xấu đã sử dụng một số phương pháp để vượt qua quy trình đánh giá quảng cáo của Google. Điều này bao gồm việc thao túng tham số Google Click ID, cho phép tin tặc tạo ra một trang web bình thường khi người dùng xem Google Ads.
Các quảng cáo độc hại lừa tiền của nạn nhân bằng cách sử dụng phương pháp "chống gỡ lỗi" (anti debug) để chuyển hướng người dùng bật công cụ dành cho lập trình viên đến một trang web bình thường.
Chỉ cần một lần nhấp chuột sẽ đưa người dùng đến trang web độc hại, điều này giúp kẻ xấu qua mặt hệ thống đánh giá của Google Ads.
Số tiền mà tin tặc đánh cắp được đã chuyển đến các nền tảng giao dịch khác nhau như SimpleSwap, Tornado Cash, KuCoin hay Binance.
BlackBerry xem xét tiếp tục chia nhỏ công ty
Ngày 01/5, BlackBerry cho biết, hãng đang xem xét các lựa chọn chiến lược, trong đó có khả năng tiếp tục chia nhỏ một hoặc vài mảng kinh doanh khác.
Cổ phiếu hãng công nghệ Canada niêm yết tại Mỹ đã tăng 11% trong phiên giao dịch cùng ngày sau thông báo trên.
“Dâu đen” thành lập vào năm 1984 với lĩnh vực ban đầu là sản xuất máy nhắn tin. Công ty cũng cho biết, họ chưa đặt ra mốc thời gian cụ thể cho việc chia nhỏ và sẽ công bố chi tiết diễn biến liên quan sau khi hội đồng quản trị thông qua một thoả thuận cụ thể hoặc quá trình đã hoàn thành.
BlackBerry phát hành cổ phiếu lần đầu từ năm 1997 và nhanh chóng trở nên nổi tiếng với mẫu điện thoại thông minh dành cho doanh nhân, được chào đón bởi các giám đốc điều hành, chính trị gia và xây dựng được cộng đồng người hâm mộ đông đảo vào đầu những năm 2000.
Song, hãng đã quyết định ngừng hoạt động kinh doanh điện thoại vào năm ngoái, chuyển sang bán dần các bằng sáng chế liên quan mảng thiết bị di động.
Cũng trong ngày 01/5, BlackBerry nói rằng, họ sẽ tiếp tục bán những bằng sáng chế đã công bố trước đó cho Malikie Innovations Limited với giá 900 triệu USD, sau khi thoả thuận bán những quyền sở hữu tài sản trí tuệ này cho Catapult IP Innovations Inc với giá 600 triệu USD bị đổ bể do thời gian đàm phán kéo dài lâu hơn dự kiến.
Từng nổi tiếng với dòng điện thoại thông minh bàn phím vật lý QWERTY huyền thoại và dịch vụ nhắn tin tức thì BBM, mảng kinh doanh cốt lõi ngày nay của công ty công nghệ Canada chủ yếu là an ninh mạng và phần mềm cho các nhà sản xuất xe hơi.
Midea muốn mua Electrolux
Một số nguồn tin cho biết trong vài tuần qua, Midea đã tiếp cận sơ bộ và đưa ra lời đề nghị với Electrolux. Tuy nhiên, nhà sản xuất thiết bị gia dụng cao cấp của châu Âu vẫn chưa chấp thuận. Ngoài Midea, một số công ty châu Á khác, trong đó có Samsung, cũng được cho là đang tính đến khả năng thâu tóm Electrolux.
Electrolux hiện có giá trị vốn hóa 4,3 tỷ USD, còn Midea được định giá khoảng 58 tỷ USD. Theo Bloomberg, thương vụ của Midea nếu diễn ra sẽ cho thấy khả năng liệu các công ty Trung Quốc có thể mua doanh nghiệp điện tử nước ngoài trong bối cảnh Mỹ và châu Âu đang siết chặt các quy định, dù máy rửa bát hay tủ lạnh không nhất thiết được xếp vào rủi ro an ninh quốc gia.
Sở hữu Electrolux sẽ làm phong phú danh mục công ty nước ngoài của Midea. Tập đoàn có trụ sở tại Quảng Đông (Trung Quốc) đã mua cổ phần kiểm soát bộ phận thiết bị gia dụng của Toshiba từ 2016. Họ cũng thâu tóm công ty sản xuất robot Đức Kuka một năm sau đó. Midea cũng tham gia đấu thầu mảng gia dụng của General Electric năm 2017, nhưng bộ phận này sau đó về tay đối thủ Trung Quốc là Haier với giá 5,4 tỷ USD.
Hoàng Yên (T/h)