Hé lộ mức lợi nhuận “khủng” mỗi ngày của Apple
Số liệu của Tipalti cho thấy mỗi giây Apple thu lời 1.752 USD, tương đương 152 triệu USD/ ngày trong năm 2020. Theo đánh giá, tỷ trọng lợi nhuận của Apple gồm 53,5% iPhone, 10,1% Mac, 8,7% iPad, 8,7% phụ kiện, thiết bị đeo và 18,8% dịch vụ.
Số liệu của Tipalti cho thấy mỗi giây Apple thu lời 1.752 USD.
Microsoft xếp vị trí thứ 2 với mỗi giây đạt lợi nhuận 1.244 USD, còn Alphabet xếp thứ 3 với mức lợi nhuận 1.089 USD. Trong khi đó, Facebook giữ vị trí thứ 6 với lợi nhuận mỗi giây thu về đạt 586 USD.
Đối với Microsoft, mảng điện toán đám mây, điện toán cá nhân và sản phẩm doanh nghiệp có đóng góp tương đương nhau, trong khi hơn 90% lợi nhuận của Alphabet – công ty mẹ của Google đến từ quảng cáo.
Các hãng công nghệ khác có mức thu nhập cao cũng góp mặt trong danh sách là HP, Nvidia, Netflix, eBay, Tesla và Uber.
Google thông báo về việc dừng hoàn toàn Hangouts
Google phát triển nền tảng truyền thông Hangouts từ năm 2013. Nền tảng này gồm tin nhắn tức thời, video chat, SMS và VOIP, được biết đến là ứng dụng thay thế cho các sản phẩm Google Talk, Google+.
Hồi tháng 2, Google thông báo ngừng hoạt động dành cho tất cả người dùng và điều hướng người dùng sang ứng dụng “Trò chuyện” khi họ cố gắng truy cập vào Hangouts trong Gmail trên web hoặc cố sử dụng các ứng dụng Hangouts cũ dành cho thiết bị di động.
Ở thời điểm hiện tại, Google chính thức thông báo về việc dừng hoàn toàn Hangouts. Những người dùng đang sử dụng Hangouts vẫn tiếp tục nhận được những lời nhắc để có thể sao lưu dữ liệu trước khi nền tảng này dừng hoàn toàn vào tháng 11/2022 tới đây.
Những người dùng đang sử dụng Hangouts sẽ nhận được những lời nhắc để có thể sao lưu dữ liệu trước khi nền tảng này dừng hoàn toàn vào tháng 11/2022. Ảnh: Google
Theo Google, công ty sẽ không bắt đầu nhắc những người dùng sử dụng Hangouts trong Gmail trên web chuyển sáng “Trò chuyện” cho tới tháng 7. Hangouts vẫn có thể sử dụng được trên trang web dành cho máy tính để bàn cho đến tháng 11. Google sẽ cảnh báo người dùng sớm 1 tháng trước khi bắt đầu điều hướng trang web Hangouts tới ứng dụng "Trò chuyện".
Ông Ravi Kanneganti - Giám đốc sản phẩm tại "Google Trò chuyện" cho biết ứng dụng mới sẽ có nhiều tính năng hơn như gọi điện trực tiếp, phân luồng nội tuyến trong Spaces và khả năng chia sẻ nhiều hình ảnh hơn. Ứng dụng này còn có thể sử dụng để chỉnh sửa tài liệu, trang trình bày hoặc trang tính bằng cách chỉnh sửa song song.
Ra mắt điện thoại HTC Desire 22 Pro
Desire 22 Pro là chiếc smartphone tầm trung vừa được HTC giới thiệu tới người dùng, với thiết kế không quá cao cấp và sang trọng. Thiết bị sở hữu màn hình LCD IPS 6.6 inch với độ phân giải Full HD+, hỗ trợ tần số quét 120Hz.
HTC trang bị cho sản phẩm mới con chip Snapdragon 695 5G từ Qualcomm, kèm theo RAM 8GB và bộ nhớ lưu trữ 128GB. Viên pin của máy có dung lượng 4520 mAh, có hỗ trợ sạc nhanh.
HTC Desire 22 Pro là chiếc smartphone tầm trung, lên kệ với giá khoảng 9,3 triệu đồng.
Camera selfie 32MP nằm trong thiết kế “nốt ruồi” ở góc trái màn hình. Mặt lưng chứa hệ thống 3 camera gồm camera góc rộng 64MP, góc siêu rộng 13MP và đo chiều sâu 5MP. Thiết bị được cài đặt ứng dụng Viverse để truy cập vào thế giới Metaverse thông qua kính thực tế ảo Vive Flow.
Ngoài ra, điện thoại còn có ứng dụng Vive Avatar để người dùng tạo các bản sao trong thế giới ảo và Vive Wallet để quản lý các tài sản ảo. Desire 22 Pro lên kệ vào ngày 1/7 với giá 11.990 TWD (khoảng 9,3 triệu đồng).
Đinh Kim (T/h)