Tin tức công nghệ mới nóng nhất trong ngày hôm nay 16/12/2019. Cập nhật tin tức công nghệ 24h chi tiết và hấp dẫn trên trang Đời sống & Pháp luật.
Vừa về Việt Nam được 1 tháng, iPhone 11 đã giảm ngay 3 triệu đồng
iPhone 11 và 11 Pro Max được giảm lần lượt 500.000 đồng và 1 triệu đồng. Model 11 Pro có mức giảm cao nhất là 1,5 triệu đồng. Ảnh minh họa |
Hơn một tháng sau khi bán ra tại thị trường Việt Nam, nhiều hệ thống bán lẻ lớn bắt đầu giảm giá bộ ba iPhone 11. Theo đó, iPhone 11 và 11 Pro Max được điều chỉnh giảm lần lượt 500.000 đồng và 1 triệu đồng, xuống còn 21,5 triệu đồng và 33 triệu đồng cho phiên bản 64 GB. iPhone 11 Pro là model có mức giảm nhiều nhất với 1,5 triệu đồng, xuống mức 33,5 triệu đồng cho bản 64 GB.
"Chương trình khuyến mại này do hệ thống tổ chức nhằm kích cầu mua sắm với người dùng dịp cuối năm", ông Đặng Thanh Phong, đại diện truyền thông một hệ thống bán lẻ lớn tại Việt Nam chia sẻ.
Trong nhiều năm, iPhone được người dùng biết đến là dòng điện thoại có khả năng giữ giá tốt nhất trên thị trường, đặc biệt là máy chính hãng. Tuy nhiên, vài năm gần đây, sản phẩm của Apple không còn duy trì được ưu thế này so với các đối thủ.
Trước đây, mỗi khi bán ra thiết bị di động cao cấp, các đại lý đều tặng kèm nhiều phần quà giá trị nhằm thu hút người dùng. Chương trình này thường chỉ áp dụng cho những khách hàng đặt trước. Tuy nhiên, với bộ ba iPhone 11, ngay cả khi đã hết chương trình đặt trước, người mua vẫn nhận được một số phần quà tặng kèm hoặc phiếu mua hàng trị giá 1-2 triệu đồng (có hỗ trợ trừ vào giá bán).
Chưa dừng lại ở đó, một số hệ thống bán lẻ có quy mô nhỏ hơn đã chọn cách trừ tiền trực tiếp vào giá bán sản phẩm thay vì tặng quà cho khách hàng. Đó là điều hiếm khi xảy ra trước đây bởi nó có thể ảnh hưởng đến chính sách định giá sản phẩm của hãng.
"Cuối năm, mỗi hệ thống đều có những chương trình khuyến mại riêng nhằm tăng doanh số máy bán ra. Đây cũng là thời điểm tốt để người dùng chọn mua iPhone chính hãng bởi mức giá của sản phẩm sẽ không thay đổi cho đến hết năm nay", bà Nguyễn Bích Hạnh, đại diện một hệ thống bán lẻ lớn khác nói.
Bà Hạnh cho biết thêm những năm trước, các chương trình khuyến mại cho khách hàng mua iPhone khá ít, gần như không có. "Mức giá niêm yết do hãng đề xuất và các đại lý có quy mô lớn chịu sự kiểm soát này khá chặt chẽ. Tuy nhiên, năm nay, Apple dường như hiểu hơn về tâm lý của người dùng Việt, thích mua hàng giảm giá, có tặng quà nên đã 'thả lỏng' hơn cho các đại lý", bà Hạnh chia sẻ.
Trên thực tế, nếu tìm đến các đại lý nhỏ, người dùng Việt có thể tiếp cận iPhone 11 với mức giá từ 19,5 triệu đồng cho bản 64 GB. Mức giá trên chênh lệch khoảng 1,5 triệu đồng so với hàng xách tay cùng dung lượng.
Có thể thấy, giá bán của iPhone 11 chính hãng hiện không còn nhiều chênh lệch so với máy xách tay. Đây không còn là điểm mạnh của loại hàng này khi so với máy chính hãng. Trong khi đó, chế độ bảo hành, hậu mãi của hàng chính hãng tốt hơn hẳn.
Theo chia sẻ từ các hệ thống, doanh số của thế hệ iPhone 11 khá tốt, vượt trội hơn hẳn so với đời XS Max. Thậm chí, trong tuần đầu bán ra, một số đại lý đã rơi vào tình trạng không đủ máy để giao cho khách hàng. Tình trạng này chưa từng xảy ra trong khoảng 5 năm gần đây. Lần gần nhất một mẫu iPhone chính hãng cháy hàng giai đoạn mở bán là iPhone 6/6 Plus (2014).
Đức yêu cầu các mạng xã hội cung cấp mật khẩu tài khoản người dùng
Sắp tới, các trang mạng xã hội như Google và Facebook có thể sẽ phải cung cấp mật khẩu của tài khoản khách hàng tại Đức cho chính phủ nước này trong các trường hợp cần thiết. Ảnh: TTXVN |
Trong cuộc chiến chống chủ nghĩa cực hữu và những những phát ngôn kỳ thị, nhà chức trách Đức có thể yêu cầu các tập đoàn công nghệ như Google hay Facebook cung cấp mật khẩu của tài khoản khách hàng trong thời gian tới.
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, trong dự thảo luật của Bộ Tư pháp liên bang về chống chủ nghĩa cực hữu và những phát ngôn mang tính kỳ thị chủng tộc, Chính phủ liên bang Đức đã nhất trí về điều khoản yêu cầu các nhà mạng cung cấp mật khẩu tài khoản khách hàng trong trường hợp cần thiết.
Trong tương lai, giới chức Đức có thể yêu cầu các nhà mạng như Google hoặc Facebook cung cấp mật khẩu tài khoản khách hàng trong một số điều kiện nhất định.
Hiện, giới chức Đức mới chỉ được phép giám sát điện thoại, nhưng không được phép giám sát việc liên lạc qua các dịch vụ Internet.
Không chỉ các dịch vụ nhắn tin trực tuyến, Chính phủ cũng sẽ áp dụng quy định mới này với các nhà mạng. Tuy nhiên, kế hoạch này đã vấp phải sự phản ứng của các công ty truyền thông như Bitkom, họ phản đối việc cung cấp các mật khẩu tài khoản mà không có lệnh của tòa án hay việc tự động chuyển tiếp các địa chỉ IP.
Tuy nhiên, theo một người phát ngôn Bộ Tư pháp liên bang, mật khẩu vẫn là một phần của dữ liệu thống kê theo luật hiện hành và có thể "được yêu cầu trong một cuộc điều tra cụ thể dưới sự chỉ đạo của công tố viên."
Ngoài ra, vì lý do bảo mật dữ liệu, mật khẩu vẫn sẽ được lưu trữ thường xuyên ở dạng mã hóa và không thể được cung cấp khi không được mã hóa.
Động thái trên của Chính phủ Đức được xem là để phản ứng với vụ một đối tượng tấn công giáo đường Do Thái ở thành phố Halle, bang Sachsen-Anhalt, làm hai người thiệt mạng.
Kẻ tấn công gắn camera trên mũ để phát trực tiếp hình ảnh vụ tấn công trên nền tảng Twitch.
Công ty này sau đó cũng đã phát hiện nhiều tài khoản phối hợp và chia sẻ video thông qua các dịch vụ tin nhắn trực tuyến khác.
Samsung, LG dẫn đầu thị trường tivi toàn cầu
Các nhà sản xuất Hàn Quốc chiếm gần nửa thị trường tivi toàn cầu trong quý III/2019 với sự dẫn đầu của Samsung tại phân khúc cao cấp. |
Dữ liệu gần đây của hãng nghiên cứu thị trường IHS Markit cho thấy Samsung và LG chiếm 46,2% thị phần tivi (TV) toàn cầu xét theo doanh thu trong quý III/2019. Quý trước đó, thị phần gộp của hai hãng điện tử Hàn Quốc là 48,1%.
Samsung đứng đầu danh sách các nhà sản xuất TV lớn nhất thế giới với 30,3% thị phần. Đây là quý thứ hai liên tiếp công ty giành hạng nhất. LG đứng thứ hai với 15,9% thị phần.
Nói về doanh số, các nhà sản xuất TV Trung Quốc lại đánh bại đối thủ Hàn Quốc với 33,5% thị phần nhưng doanh thu gộp chỉ là 23,2%. Theo báo cáo, doanh nghiệp Trung Quốc bán được nhiều sản phẩm hơn Hàn Quốc nhưng giá rẻ hơn.
Bất chấp “khẩu chiến” về chất lượng hình ảnh giữa Samsung và LG, Samsung vẫn chứng kiến doanh số TV QLED cao cấp tăng trong cùng kỳ. Samsung bán được 1,16 triệu TV QLED, tăng từ 520.000 của một năm trước. Trong ba quý đầu năm 2019, công ty ghi nhận doanh số 3,15 triệu TV QLED. Hãng đang tích cực mở rộng hoạt động tiếp thị và bán hàng trên toàn cầu.
Gần đây nhất, Samsung mở khu vực trải nghiệm TV tại cửa hàng Commune tại Millenia Walk, Singapore khi bắt đầu tung ra mẫu The Serif TV ở đây.
TV OLED của LG tăng trưởng chững lại trong năm nay. Doanh số dòng TV cao cấp của LG đạt 1,06 triệu đơn vị.
Vũ Đậu (T/h)