Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức công nghệ mới nóng nhất hôm nay 12/7: Anh dự kiến gỡ bỏ thiết bị Huawei khỏi mạng 5G vào năm 2025

(DS&PL) -

Tin tức công nghệ mới nóng nhất trong ngày hôm nay 12/7/2020. Cập nhật tin tức công nghệ 24h chi tiết và hấp dẫn trên trang Đời sống & Pháp luật.

Tin tức công nghệ mới nóng nhất trong ngày hôm nay 12/7/2020. Cập nhật tin tức công nghệ 24h chi tiết và hấp dẫn trên trang Đời sống & Pháp luật.

Anh dự kiến sẽ gỡ bỏ thiết bị Huawei khỏi mạng 5G vào năm 2025

Bộ trưởng văn hóa Anh Oliver Dowden sẽ đưa ra tuyên bố trước Quốc hội vào ngày 14/7. Ảnh: Telegraph

Bộ trưởng văn hóa Anh Oliver Dowden sẽ đưa ra tuyên bố trước Quốc hội vào ngày 14/7 về Huawei và các Bộ trưởng đều muốn loại bỏ Huawei trong vòng 5 năm tới.

Vào tháng 1, Anh đã giới hạn vai trò của Huawei trong mạng 5G ở mức 35% và cấm công ty này không được tham gia vào các bộ phận nhạy cảm nhất của hệ thống.

Theo chính phủ Anh, các lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ gây ra những ảnh hưởng nặng nề đối với khả cung cấp các thiết bị mạng quan trọng của Huawei.

Ông Lưu Hiển Minh - đại sứ Trung Quốc tại Luân Đôn dự đoán và đưa ra cảnh báo rằng, việc loại bỏ Huawei sẽ gửi một “thông điệp rất xấu” đến các doanh nghiệp Trung Quốc.

Vào ngày 9/7, các nhà mạng Vodafone và BT cho biết, cần tối thiểu 5 - 7 năm để có thể đưa sự gián đoạn về mức tối thiểu đối với các mạng viễn thông siêu nhanh của Anh.

Các nhà lập pháp bảo thủ đã đề nghị Thủ tướng Boris Johnson đẩy nhanh quá trình đến năm 2023.

Người phát ngôn của Cục Kỹ thuật số, Văn hóa, Truyền thông & Thể thao Anh không thể bình luận gì về thông tin này.

Amazon cấm nhân viên dùng TikTok và dỡ bỏ lệnh này sau vài giờ

Chỉ trong vòng vài giờ, tập đoàn thương mại điện tử Amazon đã cấm và sau đó dỡ bỏ lệnh cấm nhân viên sử dụng ứng dụng TikTok trên thiết bị di động. Ảnh minh họa

Theo tờ Wall Street Journal, Amazon đã ra thời hạn là ngày 10/7 để nhân viên gỡ ứng dụng TikTok trên thiết bị di động do những lo ngại về an ninh.

Thời báo phố Wall và các phương tiện truyền thông khác đưa tin, Amazon vẫn cho phép nhân viên sử dụng nền tảng chia sẻ video ngắn bằng các trình duyệt web trên máy tính xách tay, nhưng sẽ không cho phép tiếp cận được email của tập đoàn trên điện thoại thông minh có cài TikTok. Lo ngại liên quan đến việc ứng dụng này có thể tiếp cận được email của Amazon.

Người phát ngôn của TikTok cho biết, sự an toàn của người dùng là điều vô cùng quan trọng đối với công ty và công ty cam kết tôn trọng sự riêng tư của người dùng. Trong khi Amazon không trao đổi với TikTok trước khi gửi email của họ và TikTok không hiểu vì sao họ lại có những lo ngại. TikTok hoan nghênh việc đối thoại để giải quyết bất cứ lo ngại nào của Amazon để nhân viên của tập đoàn này có thể tiếp tục sử dụng ứng dụng.

Tuy nhiên, theo một email được gửi tới nhân viên của TikTok, lênh cấm đã được dỡ bỏ sau khi các đại diện của TikTok và Amazon trao đổi về vấn đề này.

Theo Giáo sư chính trị học tại trường đại học Bucknell University, Mỹ, Zhu Zhiqun, việc TikTok rút khỏi Hong Kong tuần trước phần nào cho thấy nỗ lực xóa bỏ hình ảnh là một công ty do Trung Quốc kiểm soát và chia sẻ dữ liệu với Chính phủ Trung Quốc.

Công ty mẹ của TikTok là ByteDance có trụ sở tại Trung Quốc. ByteDance, một trong những nền tảng kỹ thuật số tăng trưởng nhanh chưa từng có, bị giám sát trong các vấn đề như xử lý dữ liệu người dùng.

TikTok cho phép tải các clip có độ dài từ 15 đến 60 giây, thường là các clip hài và vui nhộn, về tất cả các lĩnh vực từ dạy trang điểm đến các động tác múa.

Tuy nhiên, khi được ngày càng ưa chuộng tại Mỹ, TikTok cũng chịu sự giám sát ngày càng chặt của chính phủ nước này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần qua cho biết ông đang cân nhắc khả năng cấm TikTok. Theo Ngoại trưởng Mike Pompeo, việc Mỹ cân nhắc cấm TikTok là do ứng dụng này đã chia sẻ thông tin với Chính phủ Trung Quốc.

Đầu tuần trước, Wells Fargo, công ty dịch vụ tài chính đa quốc gia của Mỹ, đã gửi thông báo yêu cầu những nhân viên cài TikTok trên các thiết bị di động thuộc sở hữu của công ty gỡ bỏ ứng dụng này ngay lập tức, do những lo ngại về vấn đề kiểm soát tính bảo mật và do thiết bị của công ty chỉ nên được sử dụng cho công việc.

Trong khi đó, Ấn Độ, nơi TikTok cũng rất được ưa chuộng, gần đây đã cấm ứng dụng này do lo ngại về an ninh quốc gia.

Apple cảnh báo người dùng MacBook không dùng miếng dán che webcam

Apple cho biết người dùng không cần quá lo lắng về việc hacker có thể theo dõi mình qua webcam. Ảnh: OSDaily

Mới đây, Apple vừa đăng tài liệu cảnh báo người dùng về việc không dán che camera FaceTime (webcam) của MacBook vì nó có thể gây lỗi hiển thị màn hình khi được sử dụng trong một thời gian dài.

Apple cho rằng khi đóng MacBook, khoảng cách giữa màn hình và phần bàn phím gần như là khít nhau. Miếng dán che webcam này có thể làm hỏng màn hình khi người dùng đóng máy lại.

Hơn nữa, việc dùng miếng dán che camera cũng có khả năng ảnh hưởng đến chế độ cài đặt độ sáng tự động hay True Tone của màn hình MacBook.

Một người dùng Reddit mới đây đã gặp vấn đề này khi chiếc MacBook Pro 16 inch của anh ta đã bị nứt ở giữa. Các vết nứt bắt nguồn ngay dưới webcam và kéo dài xuống dưới. Trong khi đó, người dùng này cũng dán webcam tương tự với chiếc MacBook Pro từ 2011 thì không bị gì cả.

Được biết, MacBook Pro 16 inch là model gặp tình trạng này nhiều nhất vì viền màn hình của nó được thiết kế mỏng hơn nhiều so với thế hệ trước.

Theo Apple, nếu người dùng nào thật sự muốn che camera vì những lo ngại về quyền riêng tư thì phải dùng những miếng dán không dầy hơn 0.1mm.

Việc dán webcam được rất nhiều người dùng máy tính thực hiện vì có chung tâm lý lo ngại bị hacker theo dõi.

Trong tài liệu hỗ trợ, Apple cho biết người dùng không cần quá lo lắng về vấn đề này vì họ sẽ biết được nếu ai đó đang truy cập vào camera ở chế độ nền.

Cụ thể, đèn báo camera trên máy Mac sẽ chuyển sang màu xanh lá cây nếu có bất kỳ ứng dụng nào đang sử dụng máy ảnh. Ngoài ra, bạn cũng có thể kiểm soát ứng dụng nào có thể sử dụng máy ảnh trên máy Mac bằng cách thay đổi trong tùy chọn Hệ thống (System Preferences).

Hiện tại, những trường hợp màn hình bị hư hỏng vì miếng dán webcam có thể được Apple xử lý nếu chủ nhân của thiết bị đã mua gói bảo hành AppleCare+. Trong trường hợp người dùng không mua gói bảo hành này thì họ phải tốn rất nhiều tiền cho việc sửa chữa và thay thế màn hình.

Minh Khôi (T/h)

Tin nổi bật