Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin thời sự mới nóng nhất 2/4: Hải Phòng lắp camera phạt nguội ô tô tại 5 nút giao lớn

  • Việt Hương
(DS&PL) -

Tin tức thời sự 24h mới nhất ngày 2/4/2023. Cập nhật tin tức thời sự 24h nóng nhất ngày 2/4/2023 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Hải Phòng lắp camera phạt nguội ô tô tại 5 nút giao lớn

Công luận đưa tin, theo quyết định số 2072/VP-KSTTHC, ngày 31/3 của UBND TP Hải Phòng, về việc triển khai thí điểm hạ tầng thiết bị ghi hình phục vụ phạt nguội để xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Sở Giao thông vận tải, Công an thành phố cùng các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương triển khai lắp đặt hệ thống camera, vận hành và khai thác trong tháng 4.

Cụ thể, 5 nút giao sẽ lắp camera phạt nguội gồm: Phan Đăng Lưu - Hoàng Quốc Việt (quận Kiến An), Phạm Văn Đồng - đường 363 (huyện Kiến Thụy), Bùi Viện - Võ Nguyên Giáp (quận Lê Chân), Tô Hiệu - Trần Nguyên Hãn (ngã 4 An Dương) và Nguyễn Đức Cảnh - Trần Nguyễn Hãn (quận Lê Chân).

Chủ tịch UBND Thành phố Hải Phòng đề nghị Viettel Hải Phòng phối hợp, hỗ trợ triển khai thử nghiệm xử lý phạt nguội tại 5 nút giao thông trên với nguồn kinh phí hỗ trợ từ Tập đoàn Công nghiệp viễn thông quân đội (2 nút) và nguồn xã hội hóa của thành phố (3 nút).

Hình ảnh từ camera sẽ được truyền dẫn tới Trung tâm Quản lý điều hành giao thông thành phố. Từ đây, công an sẽ trích xuất hình ảnh vi phạm và gửi thông báo phạt tới chủ xe. Trước mắt, công an thí điểm phạt nguội với tài xế ôtô vi phạm.

Nút giao Trần Nguyên Hãn - Tô Hiệu sẽ được lắp đặt camera thí điểm phạt nguội xe ô tô vi phạm luật giao thông đường bộ.

 

 

Hiện, một số nút giao tại Hải Phòng đã có camera nhưng chủ yếu để phục vụ phân luồng, giám sát số lượng phương tiện, chưa có camera chuyên dùng ghi lại hình ảnh xe vi phạm. Nhiều địa phương lân cận như Hải Dương, Thái Bình, Quảng Ninh đã có camera phạt nguội, mang lại hiệu quả cao.

Hải Phòng là một đầu mối giao thông đa dạng với đủ 5 loại hình. Do đó, sản xuất, giao thương hàng hóa, vận chuyển hàng ngày chiếm một lượng phương tiện qua lại thành phố rất đông. Chỉ tính riêng Hải Phòng hiện có hơn 230.880 ôtô và 1,4 triệu xe môtô.

Lao ô tô xuống hồ Tây do nhầm chân ga

Công an phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội thông tin trên VOV, vào khoảng 15h chiều 1/4, đơn vị này nhận được tin báo một ô tô nhãn hiệu Ford focus lao xuống hồ Tây đoạn đường Vệ Hồ (địa phận phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội) sau đó đã cử cán bộ xuống hiện trường hỗ trợ cứu hộ ô tô.

Đến khoảng 17h cùng ngày, ô tô gặp nạn đã được lực lượng chức năng đưa lên bờ.

Lực lượng chức năng đưa ô tô lên bờ. (Ảnh: VOV)

 

Sau đó, cơ quan chức năng xác định, ô tô gặp nạn trên do một người phụ nữ điều khiển, đã ấn nhầm chân ga nên xảy ra vụ việc trên. Rất may, tài xế không xảy ra thương tích. Vụ việc khiến giao thông bị ùn nhẹ theo cả hai hướng đường.

Thả hơn 390.000 con tôm càng xanh, cá lăng giống xuống sông Sài Gòn

Sáng 1/4, tại bến Bạch Đằng, Quận 1, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP.HCM phối hợp với các đơn vị tổ chức thả tổng cộng 1 tấn cá loại lớn, 125.000 con tôm càng xanh, 269.000 cá giống các loại (chép, trê, trắm cỏ, lóc, rô…) xuống lưu vực sông Sài Gòn và các khu vực huyện Nhà Bè, Cần Giờ (TP.HCM).

Đây là hoạt động nằm trong kế hoạch thả giống tái tạo và bảo vệ môi trường trên địa bàn TP.HCM. Chương trình do Sở NN&PTNT TP.HCM phối hợp cùng với Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thủy sản, Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam, lãnh sự quán một số nước, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM và người dân trên địa bàn.

Hơn 390.000 con giống thủy sản nước ngọt được thả xuống lưu vực sông Sài Gòn gồm có 44.000 con cá lăng giống, 125.000 con tôm càng xanh giống, hơn 220.000 thủy sản nước ngọt khác và 1 tấn cá loại lớn.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM thả 74.000 con cá giống xuống sông Sài Gòn. (Ảnh: PLO)

Ông Đinh Minh Hiệp - Giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM cho biết trên Pháp luật TP.HCM, đây là hoạt động được tổ chức thường niên, mỗi năm thành phố chọn một địa điểm để thả cá.

Theo ông Hiệp, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản không những góp phần ổn định đời sống và sinh kế của ngư dân mà còn góp phần bảo vệ sự đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, làm cho các dòng sông, con kênh của thành phố có thêm sức sống.

Từ đó, môi trường thành phố ngày một sạch hơn, xanh hơn, đời sống tinh thần của người dân ngày càng phong phú, đáp ứng được mục tiêu phát triển thành phố nhanh và bền vững.

Việt Hương (T/h)

Tin nổi bật