Tin tức trên Dân trí, sáng 21/11, Thượng tá Lê Thị Hồng Nhung, Trưởng Công an huyện Quảng Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế), cho biết trên Dân trí, lực lượng chức năng đã kịp thời cứu một gia đình không may bị ngã xuống khu vực lũ ngập sâu, có nguy cơ bị đuối nước.
Trước đó, vào lúc 18h30 ngày 20/11, các cán bộ chiến sĩ đang trực cơ quan thì nghe tiếng kêu cứu của người dân trên tuyến đường ngập sâu thuộc xã Quảng Vinh, đoạn qua trụ sở Công an huyện Quảng Điền.
Lực lượng chức năng đã kịp thời phối hợp với người dân ứng cứu các nạn nhân gồm ông V.Đ.T. (SN 1970), bà N.T.H. (SN 1979, vợ ông T.) và V.Đ.Đ.Q. (SN 2018, con của vợ chồng ông T.), cùng trú tại phường Phú Hậu, thành phố Huế.
Các nạn nhân được cứu hộ kịp thời. (Ảnh: Dân trí)
Theo Thượng tá Nhung, sau khi cứu vớt thành công, Công an huyện Quảng Điền đã đưa cả gia đình ông T. vào Trung tâm Y tế huyện kiểm tra sức khỏe. Qua kiểm tra, sức khỏe của tất cả các nạn nhân đều ổn định.
Được biết sáng 20/11, gia đình ông T. về quê tại xã Quảng Vinh làm lễ chạp họ (tảo mộ). Đến khoảng 17h30 cùng ngày, cả nhà trở về bằng xe máy, khi đi qua khu vực đường ngập lụt sâu thì không may gặp nạn.
VnExpress cho hay, theo quyết định vừa được UBND TP.HCM ban hành, khách sử dụng tuyến tàu điện đầu tiên ở thành phố có thể chọn các loại vé, gồm theo lượt, một ngày, ba ngày và theo tháng. Trong đó, khách mua vé lượt nếu dùng tiền mặt sẽ trả 7.000 đồng đến 20.000 đồng, tùy quãng đường. Nếu chọn thanh toán không tiền mặt, vé lượt áp dụng 6.000-19.000 đồng.
Đối với vé tháng, mức giá áp dụng 300.000 đồng mỗi khách; học sinh, sinh viên được giảm 50%, còn 150.000 đồng/tháng. Ngoài các loại vé trên, khách có thể mua vé một ngày hoặc ba ngày, lần lượt 40.000 đồng và 90.000 đồng. Các loại vé này không giới hạn lượt đi.
Ngoài ra, một số hành khách như người khuyết tật, cao tuổi... sẽ được miễn vé theo chính sách của TP.HCM.
Phương án giá vé đi Metro Bến Thành - Suối Tiên được xây dựng dựa trên nguyên tắc về khả năng chi trả của phần lớn người dân, so sánh với giá vé của Metro Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội); buýt; tăng khả năng cạnh tranh với xe cá nhân nhằm thu hút khách đi metro... Thành phố dự kiến phát hành hơn 2 triệu thẻ đi Metro số 1 trong giai đoạn đầu, mỗi ngày ước tính phục vụ gần 40.000 khách.
Tàu Metro số 1 trong lần chạy thử chuẩn bị vận hành thương mại. (Ảnh: VNE)
Ngoài phương án giá vé, trong 30 ngày đầu khai thác thương mại, khách đi Metro Bến Thành - Suối Tiên cùng 17 tuyến buýt kết nối sẽ được miễn vé nhằm khuyến khích người dân sử dụng tuyến tàu điện đầu tiên ở địa bàn.
Tuyến metro đầu tiên của TP.HCM hiện đã hoàn thành hơn 99% khối lượng, đang trong giai đoạn đánh giá an toàn hệ thống, nghiệm thu, dự kiến đưa vào vận hành chính thức trong tháng 12. Trước đó, từ đầu tháng 10 dự án bước vào giai đoạn chạy thử (trial run), thời gian mỗi chuyến tàu chạy giãn cách khoảng 4 phút 30 giây đến 10 phút, mô phỏng các tình huống tương tự khai thác thương mại để chuẩn bị đón khách trong tháng tới.
Được phê duyệt năm 2007, khởi công năm 2012, Metro Bến Thành - Suối Tiên dài gần 20 km, kết nối trung tâm thành phố về cửa ngõ phía Đông. Toàn tuyến có 11 ga trên cao, 3 ga ngầm, tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng.
Theo Dân Việt, UBND TP.Hà Nội ban hành lệnh xây dựng công trình khẩn cấp để ngăn chặn sạt lở mái đê ở ba xã Sài Sơn, Đồng Quang và Tân Hòa, huyện Quốc Oai.
Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, vừa ký quyết định về việc công bố tình huống khẩn cấp sạt lở mái đê hữu Đáy trên địa bàn huyện Quốc Oai và ban hành lệnh xây dựng công trình khẩn cấp nhằm ngăn chặn sạt lở mái đê.
Vị trí sạt lở mái đê thượng lưu đê hữu Đáy trong phạm vi khoảng từ K8+500 ÷ K8+600, K15+480 ÷ K15+600, K18+000 ÷ K18+150 thuộc địa bàn các xã Sài Sơn, Đồng Quang và Tân Hòa, huyện Quốc Oai.
Mái đê hữu Đáy bị sạt lở ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn của người và phương tiện tham gia giao thông trong khu vực.
Hà Nội giao huyện Quốc Oai chủ trì, phối hợp với Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai tổ chức thực hiện ngay việc khoanh vùng phạm vi có nguy cơ sạt mái đê; thường xuyên cập nhật, báo cáo tình hình diễn biến sự cố và tiến độ khắc phục.
Mái đê ở huyện Quốc Oai, Hà Nội từng bị sạt lở. (Ảnh: Dân Việt)
Đồng thời huyện phải duy trì việc cảnh báo, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông trên tuyến đê bị sạt lở.
Các bên liên quan được giao tiếp tục tổ chức xử lý giờ đầu theo phương châm 4 tại chỗ, thực hiện biện pháp gia cố phù hợp để hạn chế cao nhất sự phát triển của các cung sạt, khơi rãnh thoát nước, có biện pháp không để nước mưa chảy vào các khe nứt, lún sụt.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao thông báo rộng rãi tình huống khẩn cấp trên; tổng hợp kiểm tra đánh giá và đề xuất biện pháp ứng phó tình huống khẩn cấp về thiên tai...