Để rượu cúng ngoài bờ rào, người phụ nữ bị chồng hờ sát hại
Theo báo VietNamNet, chiều 1/2, lãnh đạo UBND xã Phú Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) cho biết, trên địa bàn đã xảy ra sự việc người đàn ông đấm vợ hờ tử vong.
Cụ thể, khoảng 23h55 ngày 28/1 (tức đêm giao thừa), Mai Văn Thành (SN 1981, trú thôn Thượng Hà, xã Phú Lộc) trở về nhà ở thôn Thượng Hà thì thấy chị Nguyễn Thị H. (SN 1981, trú tỉnh Nghệ An) bỏ rượu cúng ở ngoài bờ rào.
Thành bực tức hỏi chị H. "vì sao không để rượu cúng ở bàn thờ mà để ở ngoài bờ rào?". Thấy Thành to tiếng, chị H. sợ hãi chạy ra đường thì bị Thành đuổi theo, đấm trúng đầu.
Phát hiện sự việc, nhóm thanh niên đốt lửa trại gần đó đã chạy lại can ngăn. Chị H. bỏ chạy một đoạn thì ngã gục xuống đường, được người dân đưa về nhà trong tình trạng sức khỏe yếu.
Đến khoảng 8h30 ngày 29/1 (mùng 1 Tết), chị H. xuất hiện triệu chứng đau đầu, nôn mửa và tử vong tại nhà.
Ngôi nhà xảy ra sự việc. Ảnh: VietNamNet
Nhận được tin báo, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Công an huyện Can Lộc vào cuộc điều tra, làm rõ.
Sau đó Mai Văn Thành bị công an tạm giữ hình sự về tội Cố ý gây thương tích dẫn đến chết người.
Theo lãnh đạo UBND xã Phú Lộc, đối tượng Thành và chị H. chung sống với nhau như vợ chồng nhưng chưa đăng ký kết hôn.
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Phát hiện người đàn ông trồng 2.772 cây thuốc phiện tại vườn nhà
Công an huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn thông tin trên Người lao động, lực lượng chức năng địa phương vừa phát hiện gần 2.772 cây anh túc (cây thuốc phiện) được trồng trái phép ở khe đồi trên địa bàn.
Vườn cây thuốc phiện ông Việt trồng trái phép bị lực lượng chức năng phát hiện. (Ảnh: Tiền phong)
Theo đó, thông qua công tác nắm địa bàn, trong quá trình tuần tra, tổ công tác Công an huyện Tràng Định đã phát hiện tại khu vực khe đồi Khuổi Quang, thôn Nặm Khoang, xã Đội Cấn có 3 luống cây thân thảo màu xanh, trong đó có số lượng lớn cây thuốc phiện.
Qua kiểm đếm, tổ công tác xác định có tổng 2.772 cây thuốc phiện, đang trong quá trình sinh trưởng, có chiều cao từ 6cm đến 30cm.
Người trồng số cây trên được xác định là ông Hoàng Văn Việt (SN 1970, trú tại thôn Nà Khau, xã Đội Cấn).
Theo Tiền phong, làm việc với cơ quan Công an, ông Việt khai nhận lợi dụng thời tiết mùa xuân, áp tết 2025 đã trồng cây thuốc phiện để làm thực phẩm, lấy lá ăn lẩu và chữa bệnh cho gia súc, gia cầm…
Công an huyện Tràng Định đã tiến hành lập biên bản, phá nhổ toàn bộ số cây thuốc phiện và đang tiếp tục điều tra, xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.
Vụ lừa đảo xuyên biên giới gần 1.000 tỷ đồng: Các bị hại có được trả lại tiền?
Thông tin Công an tỉnh Bắc Ninh chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng triệt phá thành công đường dây lừa đảo hoạt động ở Campuchia đã nhận được sự quan tâm lớn của dư luận. Theo báo điện tử VTV, gần 60 đối tượng bị bắt giữ. Trong số này, có nhiều đối tượng chủ mưu, cầm đầu; đối tượng quản lý, có vai trò quan trọng trong ổ nhóm.
Từ tháng 5/2024 đến nay các đối tượng chiếm đoạt gần 1.000 tỷ đồng của hơn 13 nghìn bị hại trên cả nước. Nhóm đối tượng hoạt động tại khu vực Tam Thái Tử, thành phố Bà Vẹt, tỉnh Svay Riêng, Campuchia. Thủ đoạn lừa đảo chính là giả danh Công an cấp phường, Công an cấp huyện, cán bộ ngành thuế, ngành điện, ngành giáo dục gọi điện thoại yêu cầu bị hại cập nhật thông tin căn cước công dân, nộp hồ sơ nhập học trực tuyến, khám sức khỏe, kê khai thuế,… chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng của người dân.
Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, Công an tỉnh Bắc Ninh đã khởi tố 42 đối tượng, tạm giữ hình sự 38 đối tượng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đồng thời tiếp tục điều tra mở rộng vụ án về các hành vi có dấu hiệu của tội: Rửa tiền và Tổ chức cho người khác trốn, ở lại nước ngoài trái phép và truy bắt các đối tượng liên quan.
Các đối tượng tại cơ quan điều tra. Ảnh: TTXVN.
Theo báo Tin tức, ngày 1/2, luật sư Đỗ Minh Hiển, Văn phòng luật sư JVN (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, khả năng thu hồi tiền để trả cho các bị hại phụ thuộc rất nhiều vào kết quả điều tra của cơ quan Công an. Thủ đoạn phạm tội của nhóm đối tượng này không mới, đó là tạo ra các kịch bản, mạo danh cơ quan Công an để dẫn dụ bị hại cài các phần mềm, đường link chứa mã độc nhằm chiếm quyền điều khiển điện thoại, tài khoản ngân hàng của bị hại.
“Sau khi chiếm đoạt được tiền sẽ chuyển sang các dạng tiền kỹ thuật số khác để che giấu hành vi phạm tội; đồng thời rửa tiền để biến các ‘đồng tiền bẩn’ kiếm được do phạm tội mà có thành các khoản tiền hợp pháp”, luật sư Đỗ Minh Hiển cho biết.
Trong vụ án này có sự cấu kết chặt chẽ giữa các đối tượng là ông chủ người nước ngoài và các đối tượng người Việt Nam thực hiện hành vi phạm tội tại nước ngoài (Campuchia). Môi trường phạm tội là không gian mạng nên việc đấu tranh với các đối tượng phạm tội gặp rất nhiều khó khăn.
Theo luật sư Đỗ Minh Hiển, bước đầu cơ quan Công an đã khởi tố 38 đối tượng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, quá trình điều tra, khi có đủ căn cứ, cơ quan Công an có thể khởi tố thêm các tượng về các tội Rửa tiền, tội Tổ chức, môi giới cho người khác trốn, ở lại nước ngoài trái phép.
Tùy thuộc vào vai trò, tính chất, mức độ phạm tội, số tiền đã chiếm đoạt, giá trị tiền, tài sản phạm tội, số tiền thu lợi bất chính mà các đối tượng này có thể phải chịu các mức hình phạt với tội danh tương ứng.
“Đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với số tiền chiếm đoạt lên tới 1.000 tỷ và số lượng bị hại đặc biệt lớn (13.000 người bị hại), các đối tượng trong vụ án phạm tội với nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự như: Phạm tội có tổ chức, phạm tội có tính chất chuyên nghiệp, phạm tội 2 lần trở lên do đó mức hình phạt các đối tượng phải chịu là phạt tù từ 12 năm, 20 năm hoặc Tù chung thân theo khoản 4, Điều 174 Bộ Luật hình sự (BLHS)”, luật sư Đỗ Minh Hiển nhận định.
Ngoài ra, các đối tượng có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Đối với tội Rửa tiền, tùy thuộc vào giá trị tiền, tài sản phạm tội hoặc số tiền thu lợi bất chính từ hành vi phạm tội các đối tượng có thể phải chịu hình phạt cao nhất đến 15 năm tù đối với giá trị tiền, tài sản phạm tội trị giá 500.000.000 đồng trở lên hoặc số tiền thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên, quy định tại Khoản 3, Điều 324 BLHS. Ngoài ra, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, bị tịch thu một phần hoặc tài sản. Đối với tội Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài, ở lại nước ngoài trái phép, tùy thuộc vào tính chất, mức độ phạm tội, số lượng người trốn, ở lại nước ngoài trái phép, hoặc số tiền thu lợi bất chính các đối tượng có thể bị phạt tù cao nhất đến 15 năm tù nếu số người trốn, ở lại nước ngoài trái phép từ 11 người trở lên hoặc số tiền thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng trở lên (Khoản 3 Điều 349 BLHS).
“Trong vụ án này, khả năng thu hồi tiền để trả cho các bị hại phụ thuộc rất nhiều vào kết quả điều tra của cơ quan Công an và chắc chắn việc thu hồi số tiền bị chiếm đoạt sẽ rất khó khăn. Vì vậy, sự hợp tác, phối hợp với Cơ quan Công an của các bị hại là rất cần thiết nhằm làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án; đồng thời cũng bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của các bị hại”, luật sư Đỗ Minh Hiển cho biết.
Theo luật sư Hoàng Anh Sơn, Đoàn luật sư TP.HCM, hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" được quy định tại Điều 174, BLHS 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Trong vụ án đặc biệt nghiêm trọng này, Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ các tội như: Rửa tiền và tổ chức cho người khác trốn, ở lại nước ngoài trái phép và truy bắt các đối tượng liên quan để xử lý.