Khốn khổ vì “lãi mẹ đẻ lãi con”
Thực tế cho thấy, một bộ phận công nhân đang ở trọ tại Hà Nội trong thời gian khó khăn vì Covid-19 đã vướng vào “tín dụng đen” và phải chấp nhận mức lãi suất trên trời. “Lãi mẹ đẻ lãi con”, cuộc sống của họ vốn khó khăn nay lại càng khốn khó.
Anh Nguyễn Văn Khang, 37 tuổi, công nhân tại KCN Sài Đồng (Gia Lâm, Hà Nội) cho biết, đầu năm do cần gấp khoản tiền 10 triệu đồng để trang trải viện phí cho vợ nên anh đã truy cập vào một website cho vay tiền trực tuyến. Do lần đầu vay nên anh chỉ được vay 2,5 triệu đồng trong thời gian tối đa 30 ngày, lãi suất 39%/tháng.
Tính ra sau 50 ngày, tổng số tiền anh Khang phải thanh toán khoảng gần 6 triệu đồng. “Tuy nhiên, ngoài số tiền trên, bên cho vay nói họ là đơn vị trung gian kết nối giữa người vay và cho vay nên thu phí dịch vụ khoản vay 2%/ngày. Tôi thấy vô lý không trả thêm thì bị họ đe dọa. Biết là dính phải tín dụng đen với lãi suất cắt cổ, nhưng sợ phiền phức nên tôi cố xoay xở để trả cho xong”, anh Khang chia sẻ.
Anh Nguyên Việt, công nhân đang ở trọ tại khu Thanh Trì (Hà Nội) cũng là nạn nhân của tín dụng đen. Anh Việt kể: “Mới đây, khi dịch bệnh kéo dài, không có việc làm, tiền tiết kiệm chẳng con mà cũng không vay mượn được ở đâu nên tôi đã liên hệ gọi đến số điện thoại ghi trên tờ rơi với nội dung cho vay tiền, thủ tục nhanh gọn. Tôi đã vay 10 triệu đồng với lãi suất 40%/tháng. Hàng tuần, đến ngày tôi đều đóng lãi đều đặn. Nhưng có những tháng, công ty trả lương chậm, không có tiền đóng lãi tôi phải xin khất với chủ nợ và chấp nhận đóng lãi nhiều hơn”.
Thời gian sau, chủ nợ đòi gắt gao hơn, đến hạn đóng lãi chỉ chậm một, hai ngày là có người gọi điện chửi bới, đe dọa, khiến anh Việt luôn lo sợ, bất an. “Bây giờ, mỗi lần nghĩ lại tôi vẫn thấy ám ảnh và cũng tự trách bản thân thiếu hiểu biết, không lường trước được những hệ lụy khi vay nóng, vay nặng lãi nên đã sập bẫy tín dụng đen”, anh Việt chia sẻ.
Tín dụng đen đang len lỏi vào đời sống công nhân các khu công nghiệp (Ảnh minh họa)
Cần tố giác tín dụng đen
Được biết, trước đây Tổng LÐLÐ Việt Nam cũng đã ban hành Công văn số 2355/TLÐ về việc tuyên truyền, phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động tín dụng đen trong công nhân lao động (CNLÐ), nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của đoàn viên, công nhân lao động, nhất là công nhân tại các khu công nghiệp (KCN).
Thời gian qua, lợi dụng khó khăn về tài chính của CNLÐ, tín dụng đen hoành hành với những chiêu thức tinh vi. Ðã có nhiều công nhân là nạn nhân của tín dụng đen, phải vay với lãi suất rất cao, thành con nợ không có khả năng thanh toán, bị đe dọa, đánh đập, thậm chí phải bỏ trốn đi nơi khác hoặc nghỉ việc về quê.
Tổng LÐLÐ Việt Nam cũng đề nghị, công đoàn các cấp chủ động nắm chắc tình hình tín dụng đen trong CNLÐ; kịp thời thông tin tuyên truyền giúp CNLÐ hiểu rõ về phương thức, thủ đoạn và tác hại của tín dụng đen để cảnh giác và tố giác. Chủ động báo cáo cấp ủy, phối hợp chính quyền, các ngành chức năng cùng cấp để có biện pháp hiệu quả ngăn chặn triệt để tệ nạn tín dụng đen.
Trao đổi với phóng viên, Thượng úy Hoàng Chính Công (Công an phường Yên Hòa, Cầu Giấy) thông tin: Để hạn chế nạn tín dụng đen hoành hành đời sống công nhân trong mùa Covid-19, các lực lượng chức năng, trong đó có công an đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, nhất là các quy định về giao dịch, vay mượn cũng như phương thức, thủ đoạn tội phạm liên quan đến hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê.
Bên cạnh đó, sẽ làm tốt công tác quản lý về an ninh, trật tự, quản lý chặt chẽ nhân viên các cơ sở kinh doanh tài chính, cầm đồ tạm trú trên địa bàn, các đối tượng nghi vấn có liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê. Phát hiện và xử lý nghiêm các doanh nghiệp, cơ sở ngành nghề đầu tư kinh doanh có liên quan đến đòi nợ. Ngoài ra, nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận giải quyết tố giác tin báo về tội phạm, nhất là các đường dây nóng, hòm thư tố giác tội phạm tiếp nhận các thông tin liên quan đến tín dụng đen, ổn định an ninh trật tự.
*Tên các nạn nhân đã được thay đổi
Hoàng Phương