Được biết người phụ nữ tên Trịnh Mạn Văn ở Lâu Để, Hồ Nam, Trung Quốc.
Người phụ nữ này cho biết, cô và người chồng đầu tiên sinh có một con gái tên là Tiểu Khiết. Sau khi có con, gánh nặng cuộc sống dần đè nặng lên hôn nhân, cuối cùng không chịu nổi nữa, cô Trịnh ly hôn.
Sau khi quay lại cuộc sống độc thân không lâu, cô Trịnh gặp người chồng thứ hai tên Tiền Trinh. Anh Tiền Trinh là người chu đáo và giàu có, quanh năm kinh doanh, có nhiều tài sản giá trị. Trải qua tìm hiểu, hai người kết hôn, và cô Trịnh có cuộc sống vô tư, thoải mái của một phu nhân nhà giàu.
Không những không được thông cảm, người phụ nữ còn bị chỉ trích thậm tệ. Ảnh: Sina.
Tuy nhiên, để có thể lấy anh Tiền Trinh, cô Trịnh phải bỏ lại con gái Tiểu Khiết, nhờ bố mẹ nuôi hộ, hàng tháng gửi trợ cấp. Khi Tiểu Khiết đến tuổi học cấp 3, cảm thấy mắc nợ con gái, cô Trịnh quyết định đón con về sống cùng. Đúng lúc này, Tiểu Khiết muốn đi du học. Cô Trịnh cảm thấy có lỗi với con gái nên hết lòng ủng hộ. Lúc đầu, anh Tiền Trinh không phản đối, nhưng khi Tiểu Khiết tìm được trường học ở Mỹ, anh lại đổi ý, nói: "Học nước ngoài quá tốn kém, lãng phí. Con của em không cần phải học trường đắt đỏ như vậy, tôi sẽ không trả tiền cho con bé đi du học đâu".
Cũng do chuyện này, hai vợ chồng bất hòa, cuối cùng ly hôn. Sau khi ly hôn, cô Trịnh được anh Tiền Trinh cho 500 nghìn nhân dân tệ (khoảng 1,7 tỷ đồng) tiền mặt cùng hai căn nhà trong thành phố và một chiếc ô tô sang trọng.
Mấy năm gần đây, cô đã tiêu gần hết tài sản của mình để trang trải học phí và chi phí sinh hoạt cho con gái du học, tổng số tiền đã vượt qua con số 1,1 triệu nhân dân tệ (khoảng 3,7 tỷ đồng).
Hiện Tiểu Khiết là sinh viên khoa Hóa học của Đại học California, một trong 20 trường hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, là mẹ đơn thân, cô Trịnh không đủ khả năng chi trả học phí 4 năm đại học cho con. Cùng đường, cô nhờ chồng cũ giúp đỡ, nhưng người chồng đầu tiên chỉ cho được 160 nghìn nhân dân tệ (khoảng 545 triệu đồng), quá ít so với con số cần thiết.
Sau nhiều đêm trăn trở, cô Trịnh liên lạc với đài truyền hình, lên sóng cầu xin mọi người quyên góp tiền cho con gái mình được theo học tại trường danh tiếng của Mỹ. Cô Trịnh cũng để lại số tài khoản ngân hàng, hy vọng được giúp đỡ. Thế nhưng cái cô nhận được là vô số lời chế giễu.
Nhiều người sau khi nhìn thấy chương trình mà cô Trịnh tham gia đã phẫn nộ chỉ trích cô Trịnh "da mặt quá dày, đầu óc cũng quá ngây thơ".
Từ trường hợp của cựu phu nhân giàu có một số bà mẹ tương tự như cô Trịnh cũng bắt đầu phải suy ngẫm.
Để quyết định cho con đi du học, cha mẹ cần tìm hiểu những điều này
Lên kế hoạch tài chính cho tương lai
Điều tối quan trọng là cha mẹ phải chuẩn bị một nguồn tài chính vững vàng khi cân nhắc cho con đi du học vì đây là một khoản chi phí khá lớn.
Luôn theo dõi biến động tỷ giá
Khi đã quyết định chọn trường, cha mẹ nên chú ý đến tỷ giá hối đoái hiện hành. Để giảm thiểu các rủi ro ngoại hối, hãy mua ngoại tệ tại các thời điểm khác nhau dựa trên tình hình tài chính của bản thân. Ngoài ra, bạn cũng nên tính đến tình hình lạm phát kinh tế và mức độ trượt giá của đồng tiền.
Khuyến khích trẻ cùng tham gia
Chi phí du học hàng năm dao động từ 4.5 đến 7 tỷ đồng, và đây là một gánh nặng tài chính rất lớn đối với hầu hết gia đình. Vì vậy, cha mẹ nên cho trẻ tham gia vào quá trình lập kế hoạch, từ lúc chọn trường phù hợp, cho đến chọn nhà ở/nơi cư trú phù hợp với khả năng tài chính của gia đình. Mục đích không chỉ là thúc đẩy trẻ học hành chăm chỉ hơn, mà còn là để giáo dục trẻ về vai trò của mỗi thành viên trong gia đình và cách đạt được mục tiêu chung của cả nhà thông qua nỗ lực tập thể.
Giáo dục trẻ có trách nhiệm với tiền bạc
Ngay cả khi gia đình thực sự giàu có, không phải lúc nào cha mẹ cũng có thể nói ‘có’ với mọi yêu cầu của trẻ. Khi đi du học, cha mẹ nên dạy trẻ cách chi tiêu trong khả năng của mình, khuyến khích trẻ quản lý chi tiêu hàng ngày và thực hiện các điều chỉnh khi cần thiết.
Thùy Dung (T/h)