Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tiết lộ về cuộc sống của "người rừng" Quảng Ngãi sau 7 năm về làng

(DS&PL) -

Sau 7 năm trở về làng, "người rừng" ở Quảng Ngãi đã cởi mở với mọi người hơn, anh thường đến nhà hàng xóm để tâm sự cùng các cụ bà.

Sau 7 năm trở về làng, "người rừng" ở Quảng Ngãi đã cởi mở với mọi người hơn, anh thường đến nhà hàng xóm để tâm sự cùng các cụ bà. Đặc biệt, "người rừng" không có thú vui gì ngoài ăn trầu cau và uống nước chè.

Vào tháng 8/2013, "người rừng" Hồ Văn Lang (SN 1969) cùng cha là ông Hồ Văn Thanh (SN 1932, trú xã Trà Phong, huyện Trà Bông, tỉnh Quảng Ngãi) đã được gia đình và chính quyền đưa ra khỏi rừng sâu, trở về làng sinh sống sau hơn 40 năm.

Anh Hồ Văn Lang chuẩn bị đồ lên rẫy. Ảnh: VnExpress

7 năm trôi qua, hiện tại cuộc sống của "người rừng" đã có nhiều đổi khác. Theo báo VnExpress, hiện anh Hồ Văn Lang sống trong một căn chòi lá trên rẫy ở thôn Trà Ngà, xã Trà Phong. Được biết, cách đây 3 năm, người cha Hồ Văn Thanh mất, anh Lang lại nhớ rừng, nên hầu như anh ở trên rẫy cả ngày đêm. Tuy nhiên khu vực rẫy chỉ cách nhà khoảng 4km. Mỗi tháng, anh Lang sẽ về nhà khoảng 1- 2 lần để bán chuột, chim....do anh bẫy được và chuối, bắp do anh trồng. Mỗi khi lên rẫy, anh Lang lại mang theo gạo, muối, mắm, đường, cá khô....

Theo anh Hồ Văn Tri (em trai anh Lang), ngoài làm việc, anh Lang không có thú vui gì ngoài ăn trầu cau và uống nước chè. Khi mới về nhà, thấy em trai uống rượu, bia, anh cũng uống theo nhưng sau đó dị ứng nên anh Tri khuyên anh mình không uống nữa.

"Anh Lang giận bảo sao em uống được mà anh không uống, nên từ đó tôi bỏ luôn bia rượu", em trai anh Lang nói.

Ngoài ra, mỗi lần cánh đàn ông trong làng nhắc đến phụ nữ, Lang cười e thẹn nhưng qua mấy lần "nhắm" mối đều thất bại. "Họ chê anh Lang già, lại nghèo khổ, không lanh lợi bằng người khác nên không không ưng vì sợ không đủ khả năng nuôi con", anh Hồ Văn Tri kể lại.

Hình ảnh về Hồ Văn Lang được truyền thông quốc tế đăng tải năm 2016. Ảnh: Alvaro Cerezo/ DailyMail

Theo báo Quảng Nam, anh Hồ Văn Lang có một trại nuôi nhốt trâu trên núi. Dân làng đi làm rẫy về, băng qua khu nuôi nhốt trâu của anh Lang ai cũng phải ngoái nhìn. Bởi cách bài trí, rào chắn nuôi nhốt trâu rất đặc biệt của một người từng được coi là “người rừng” như anh Lang. 

“Bà con trong làng thấy thằng Lang nó rào chắn quanh mấy sào đất rẫy bằng cả ngàn cây lồ ô này thì đều nói nó giỏi. Cứ tưởng nó ở rừng về làng chẳng biết làm gì hết. Vậy mà, sau mấy năm giờ nó biết rất nhiều việc, nó cũng làm được gần như tất cả những thứ mà người dân ở làng làm”, ông Hồ Văn Diệu, người cùng làng với anh Lang chia sẻ.

Anh Trí cũng cho biết thêm, anh Lang rất thích nuôi trâu nhưng lại sợ trâu. Vậy nên anh mới làm hẳn khu nuôi nhốt trâu.

"Mỗi ngày anh ấy đi kiếm cỏ về đứng trên cái sạp này do anh dựng lên để cho trâu ăn thôi. Hồi đầu bảo nuôi trâu, anh Lang nói nuôi làm chi vậy. Tôi nói nuôi trâu sau này trâu lớn lên bán có tiền, nhưng anh ấy không biết tiền để làm gì. Nhưng giờ thì anh đã hiểu được mọi chuyện, biết nuôi trâu để bán lấy tiền, biết tiền để mua cái này cái kia. Thấy anh Lang như vậy mình cũng mừng”, anh Trí nói về người anh trai của mình.

Anh Trí cho hay, anh Lang bây giờ khác xưa rất nhiều: "Tiếng Kinh thì anh Lang nói chưa rành, nói được vài câu, chứ còn tiếng Cor thì anh nói được hết rồi. Hồi mới từ rừng về làng, gia đình cứ nghĩ chắc sẽ chăm lo và nuôi ảnh đến suốt đời vì khi đó ảnh như một đứa bé. Vậy mà bây giờ, cái gì ảnh cũng biết hết. Đi rẫy đốn chuối về ảnh cũng biết đem đi bán. Hái củi về cũng biết đem đi bán. Biết làm mọi việc nên cũng nhờ đỡ nhiều lắm. Giờ chỉ mong anh ấy luôn khỏe mạnh, sống lâu cùng mình thôi”.

Anh Hồ Văn Lang miệt mài lao động. Ảnh: Báo Quảng Ngãi

Chia sẻ với PV báo Quảng Nam, Chủ tịch UBND xã Trà Phong Trương Ngọc Đông cho hay, anh Lang đã bắt nhịp được với cuộc sống mới.

“Ngày mới rời rừng về đây, anh Lang chưa quen với cuộc sống mới. Nhưng sau 7 năm, được sự hỗ trợ từ địa phương, người dân và gia đình nên anh Lang đã có nhiều thay đổi, hòa nhập rất tốt với cuộc sống hiện tại”, ông Đông nói.

Hoàng Yên (T/h)

Tin nổi bật