Theo quy định của Bộ GD&ĐT, đến năm 2030, các trường đại học phải có 40-50% giảng viên đạt chuẩn tiến sĩ. Hiện, trường ĐH Tây Nguyên mới vượt ngưỡng 25%.
Trao đổi với VietNamNet chiều 20/5, ông Nguyễn Thanh Trúc, Hiệu trưởng trường ĐH Tây Nguyên cho biết, trong 3 năm qua, trường đã thu hút được 4 tiến sĩ, 2 thạc sĩ về công tác tại trường theo diện thu hút nguồn nhân lực.
Trong 4 tiến sĩ này được chia đều cho các khoa gồm; Nông lâm, Chăn nuôi, Viện công nghệ sinh học và Tự nhiên công nghệ. 2 thạc sĩ về công tác tại Khoa y.
Sau khi về trường ĐH Tây Nguyên công tác, mỗi tiến sĩ được hỗ trợ 100 triệu đồng; 2 thạc sĩ khoa y mỗi người được 50 triệu đồng.
Cũng theo ông Trúc, chính sách này tiếp tục kéo dài trong những năm tới.
"Theo biên chế hiện tại nhà trường mới có 110 tiến sĩ, trong khi đó để đáp ứng yêu cầu của Bộ GDĐT đề ra trường cần khoảng 200 tiến sĩ. Mặc dù việc này là rất khó khăn nhưng nhà trường sẽ cố gắng đạt chỉ tiêu", Tiến sĩ Nguyễn Thanh Trúc cho biết.
Cán bộ, giảng viên Trường Đại học Tây Nguyên trong buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn ngày 20/5. (Ảnh: Dân Việt)
Tin tức trên Dân Việt, theo kế hoạch, trường ĐH Tây Nguyên sẽ phát triển thành trung tâm nòng cốt trong đào tạo nguồn nhân lực cho Tây Nguyên và cả nước.
Từ nay đến 2030, nhà trường sẽ tập trung sắp xếp, cơ cấu lại, chuẩn bị các điều kiện để thành lập trường trong trường, tiến đến thành lập Đại học vùng.
Tầm nhìn đến năm 2045, Trường Đại học Tây Nguyên trở thành Đại học vùng và là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu nhân lực trong các ngành nghề mũi nhọn cho Tây Nguyên và các nước vùng tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia.