Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tiết lộ bất ngờ về viên đá 30 năm trước khiến nghìn người lên núi ôm mộng đổi đời

(DS&PL) -

Người nông dân vốn vất vả cả đời nên khi nghe tin có cơ hội đào đá đổi đời, nay là nông dân, mai là tỷ phú thì có ai không ham. Nhưng giấc mộng đó chỉ có cách đây 30 năm

“Người nông dân vốn vất vả cả đời nên khi nghe tin có cơ hội đào đá đổi đời, nay là nông dân, mai là tỷ phú thì có ai không ham. Nhưng giấc mộng đó chỉ có cách đây 30 năm trước”, ông Hoàng Văn Chí (xã Minh Xuân, Lục Yên, Yên Bái) tâm sự.

Tâm sự người trong cuộc

Sau 1 tháng bị đào bới, bãi đá Bưởi (thôn Chính Quân, xã Liễu Đô, Lục Yên, Yên Bái) nơi mà cách đây vàu ngày từng được kỳ vọng sẽ mang giấc mộng đổi đời cho hàng nghìn nông dân đã trơ sỏi đá nhưng đá quý thì tuyệt nhiên không thấy.

Giữa tháng 6/2019, hàng chục, hàng trăm rồi cao điểm lên tới hàng nghìn người kéo nhau lên đây đào đá quý sau tin đồn có người đào được viên đá to bằng ngón tay và bán giá 5 tỷ đồng.

Ông Hoàng Văn Chí cũng là một trong số hàng nghìn người đó. Tuy nhiên, sau 4 ngày liên tục đào xới trên bãi Bưởi, ông Chí đã trở về với đúng công việc đồng áng.

Ông xa xăm kể lại: “Sau 4 ngày lên rừng trở về mà người thân không nhận ra tôi, do điều kiện sinh hoạt và đào núi khó khăn tôi gầy và đen hẳn đi”.

Ông Hoàng Văn Chí đã 4 ngày lên núi đào đá nhưng không thu được gì.

Ông kể tiếp: “Ngày 3/7, sau khi đã nghe tin về viên đá 5 tỷ, tôi nửa tin nửa ngờ, nhưng Lục Yên vốn từng là thủ phủ đá quý nên tôi cũng hạ quyết tâm theo mọi người lên núi tìm vận may”.

Rời nhà từ xã Minh Xuân đi khoảng 5km ông Chí đã tới bãi Bưởi. Đá tai mèo, dốc núi cheo leo không làm khó được một người bản xứ lại đang mang trong mình khát khao đổi đời, nên chỉ sau hơn 45 phút di chuyển ông đã từ chân núi lên tới bãi Bưởi. (Người không quen đi núi phải mất gần 2 tiếng - PV).

Tìm được vị trí, ông cùng một vài người bạn dựng lán, quyết tâm bám núi chờ ngày đổi đời. Vốn là phu đào đá quý gạo cội ở Lục Yên từ những năm 1990 nên kinh nghiệm giúp ông có sự chuẩn bị tốt hơn nhiều người.

Nghỉ trưa xong ông và cộng sự nhanh chóng bắt tay ngay vào việc, kẻ thuổng, người cuốc, người xẻng cứ thế mà đào. Khắp các gốc cây, khe đá đến những chỗ “khả nghi”.

Thời tiết mùa hè oi bức khiến ai cũng mất nhiều sức, hết ngày rồi mà chỉ đào lên đá vôi. Đến khi trời tối, mọi người vào lán ăn chút lương khô ngủ lấy sức ngày mai lại đào.

Người dân đào đá trong những hàng đá tiềm ẩn nguy hiểm rất lớn.

Ông Chí thở dài: “Nghề đào đá quý không có kinh nghiệm gì hết. Khi đặt cuốc đào thì tất cả chỉ là may rủi, dưới lớp đất, đá có gì hay không chỉ là mơ hồ.

Sinh hoạt đúng cảnh “ăn lông ở lỗ”, trên núi này hoàn toàn không có nguồn nước. Lượng nước ngọt mang theo uống còn thiếu nên không có chuyện được tắm rửa. Lương thực mang theo toàn lương khô, trời oi bức khiến tôi sụt cân trông thấy. Nên với người hiếu kỳ muốn thử vận may thì chỉ sau nửa ngày là thất vọng xuống núi”.

Ngày qua ngày, sức người có hạn mà giấc mơ vẫn chưa thành hiện thực, sức cùng lực kiệt nên sang ngày tới thứ 4 mọi người dần nản chí.

Ông Chí cũng thẳng thắn cho biết, một phần vì được cán bộ tuyên truyền, nhưng bản thân tự chán nản khi liên tục đào xới mà không thu được gì. Sức cùng lực kiệt nên ông và những người đi cùng cũng trong cảnh tương tự nên cùng rủ nhau xuống núi.

Giấc mơ chỉ còn trong quá khứ

“Người nông dân vốn vất vả cả đời nên khi nghe tin có cơ hội đào đá đổi đời, nay là nông dân mai là tỷ phú thì có ai không ham. Nhưng đến giờ tôi khẳng định giấc mộng đó chỉ có cách đây 30 trước”, ông Chí tiếp tục bộc bạch.

Ông Chí nói vậy là bởi đến Lục Yên chúng ta vẫn được nghe câu “Không lên núi đào đá không phải người Lục Yên” câu nói này đã phần nào đã nói lên thời huy hoàng của quá khứ.

Chả là, hơn 30 năm trước, đá quý đã từng mang lại cuộc sống sang giàu, đã từng biến nhiều nông dân thành tỷ phú. Lục Yên từ đó cũng được mệnh danh là vùng “đất ngọc”.

Đến nay, niềm hi vọng ngày đó lại được nhen nhóm hay nói đúng hơn là bị đồn thổi sẽ trở lại ngay trên bãi Bưởi để người dân hi vọng về một giấc mơ đổi đời sẽ lại quay về.

Bà Hoàng Thị Trì cho rằng, đá quý đã được khai thác hết từ lâu.

Chính vì vậy, thông tin mập mờ về viên đá 5 tỷ xuất hiện như giọt nước tràn ly, giấy lên khát khao đổi đời mạnh mẽ của người người, nhà nhà.

Bà Hoàng Thị Trì (78 tuổi, trú xã Minh Xuân) có lẽ là người tỉnh táo nhất mà phóng viên gặp giữa lúc người người vẫn vương mộng đá quý.

Bà Trì chia sẻ, bản thân bà đã từng trải qua giai đoạn rực rỡ nhất của khai thác đá Lục Yên trong những năm 1990. Bà nhớ lại, người ta đi đào đá quý bán từ đó cho đến 2003, sau đó gần như không còn ai nghĩ đến đá quý nữa.

“Sau nhiều năm khai thác, đá quý gần như không còn. Đặc biệt, khi những chủ thầu đưa thiết bị hiện đại tới nên họ khai thách rất triệt để. Vừa rồi khi nghe tin và thấy mọi người ùn ùn kéo lên tôi đã bảo con cháu ở nhà”, bà Trì cho hay.

Đất đá bị cày xới để lại sự thất vọng của hàng nghìn người.

Ước mơ về một cơ hội đổi đời là hoàn toàn chính đáng, chả vậy mà có cả công chức địa phương cũng tranh thủ cùng người nông dân lên núi đào và đào. Để rồi cùng chung nhau nỗi thất vọng trở về.

Ước mơ là ước mơ còn thực tế vẫn sẽ trở về thực tế, hàng nghìn người háo hức lên núi thử vận may rồi cũng ngần đó thất vọng trở về. Bởi thực tế là không có thương vụ bạc tỷ nào như đã đồn thổi.

Trao đổi với Người Đưa Tin, một vị Công an xã Liễu Đô cho biết, thông tin về đá quý được bán tiền tỷ chỉ là thông tin thất thiệt. Rất nhiều người lên núi rồi thất vọng trở về.

Hiện chính quyền địa phương vẫn tiếp tục tuyên truyền đến người dân ở nhà ổn định làm ăn, tránh đông người kéo lên núi gây mất an ninh trật tự cho địa phương, mất thời gian công sức của gia đình chỉ vì những điều không có thật.

Người Đưa Tin

Tin nổi bật