Sáng 9/4, TAND TP.Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Thị Loan (cựu Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn dược phẩm Vimedimex) cùng 12 đồng phạm trong vụ án sai phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất ở huyện Đông Anh.
Khi làm thủ tục khai mạc, thư ký phiên tòa thông báo một số người liên quan cùng 4/5 luật sư bào chữa của bà Nguyễn Thị Loan vắng mặt. Để đảm bảo quyền lợi, bà Nguyễn Thị Loan đứng lên đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa. Một luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị Loan cho hay, nếu phiên tòa phải tạm hoãn, lần sau tái mở xin đề nghị triệu tập thêm Công ty thẩm định giá VNG.
Nêu quan điểm, đại diện Viện kiểm sát cho rằng việc vắng mặt người tham gia tố tụng sẽ ảnh hưởng đến phiên xét xử nên mong HĐXX cân nhắc. Sau khi hội ý, tòa quyết định tiếp tục xét xử do tội danh của bị cáo không nghiêm trọng, không cần luật sư bào chữa.
Các bị cáo tại tòa.
Theo cáo trạng, ngày 28/2/2020, UBND huyện Đông Anh (Hà Nội) phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất năm 2020 trong đó có Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất phía Đông Nam thôn Cổ Dương, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, TP.Hà Nội.
Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đông Anh (BQL) được giao nhiệm vụ tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất. Khi xác định giá khởi điểm, các bị cáo Trần Công Tuyên, cựu Trưởng phòng và Vương Thị Thu Thủy, cựu cán bộ Phòng Kế hoạch tổng hợp đã yêu cầu các bị cáo là thẩm định viên hạ giá trị khu đất.
Nhóm bị cáo thẩm định viên của Công ty tư vấn thẩm định giá và đầu tư Hà Nội đã không thực hiện đúng quy định. Thẩm định viên đã khảo sát thông tin giao dịch thực tế chuyển nhượng, cho thuê sàn thương mại dịch vụ qua mạng internet, các thông tin liên quan về giá đất tại khu vực lân cận của dự án làm tài sản để so sánh, xây dựng phương án giá đất. Từ đó, xác định giá trị khu đất thẩm định khoảng 500 tỉ đồng.
Tuy nhiên, yêu cầu từ phía bị cáo Thủy, bị cáo Tuyên, nhóm thẩm định viên đã làm lại đơn giá, điều chỉnh, hạ giá trị khu đất thẩm định, ban hành chứng thư thẩm định với giá trị thấp.
Việc này đã tạo điều kiện cho các công ty đấu giá của bị cáo Nguyễn Thị Loan trúng đấu giá với giá trị thấp, gây thiệt hại cho Ngân sách Nhà nước với số tiền 135 tỷ đồng.
Mặt khác, quá trình tham gia đấu giá khu đất phía Đông Nam, thôn Cổ Dương, Tiên Dương, Nguyễn Thị Loan còn dùng pháp nhân của 3 công ty đều do Loan điều hành hoạt động để tham gia đấu giá, thống nhất với các bị cáo khác bỏ giá các vòng với số tiền như nhau để được bốc thăm và công ty nào trúng đấu giá thì dự án vẫn thuộc của bị cáo Loan.
Sau khi nhận bàn giao đất, hoàn thiện hồ sơ dự án khi đã đủ điều kiện bán, CTCP phát triển nhà ở Bắc Từ Liêm đã ký hợp đồng với đối tác môi giới để bán ra thị trường. Theo kết quả điều tra, đã có 25 trong số 96 căn biệt thự và nhà liền kề được bán cho khách.
Ngày 29/10/2021, tại CQĐT, bà Loan đề nghị trả lại dự án trên cho UBND TP Hà Nội. Ngày 18/11/2022, CTCP phát triển nhà ở Bắc Từ Liêm và UBND huyện Đông Anh ký biên bản bàn giao đất, bàn giao lại toàn bộ hiện trạng diện tích đất, mốc giới khu đất.
Đến nay, bà Loan đã thanh toán các khoản tiền liên quan đến dự án là 580 tỷ đồng. Trong đó, có hơn 91,5 tỷ đồng thanh toán, thanh lý hợp đồng, trả lại tiền cho khách hàng đã ký hợp đồng mua bán, hợp đồng đặt cọc, tiền phạt cho khách hàng, thanh toán tiền cho các nhà thầu thi công hạ tầng, ép cọc, tư vấn… tại dự án số tiền hơn 79 tỷ đồng, thanh toán tiền gốc và lãi cho ngân hàng là hơn 410 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra xác định bà Nguyễn Thị Loan đã khắc phục toàn bộ hậu quả do hành vi sai phạm gây ra. Gia đình bà Loan là gia đình có công với cách mạng, chồng là sỹ quan quân đội nhân dân Việt Nam hy sinh khi đang công tác (tử sỹ), trước khi phạm tội, bà Loan có thành tích trong quá trình điều hành hoạt động kinh doanh của các công ty thuộc Tập đoàn dược phẩm Vimedimex được tặng nhiều bằng khen, giấy khen.