Động lực giúp người dân và doanh nghiệp vượt khó
Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đã khiến hàng loạt doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn, không ít doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh, ngừng hoạt động hoặc chờ làm thủ tục giải thể; hàng triệu người lao động mất việc làm hoặc nghỉ việc không lương. Trước thực trạng “đuối sức”, có nguy cơ khó phục hồi của các doanh nghiệp, vấn đề xây dựng chính sách tập trung hỗ trợ người dân, khách hàng, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh được đặt ra một cách cấp bách hơn bao giờ hết.
Vì vậy, ngay từ thời điểm dịch bệnh mới bắt đầu bùng phát trong năm 2020, Đảng, Nhà nước ta đã kịp thời chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế, xã hội; trong đó có các quyết sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã kịp thời đáp ứng mong mỏi của đông đảo người dân và doanh nghiệp.
Các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã kịp thời đáp ứng mong mỏi của đông đảo người dân và doanh nghiệp
Thể hiện trách nhiệm chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp, thời gian qua hệ thống ngân hàng đã rất chủ động vào cuộc bằng nhiều giải pháp để hỗ trợ khách hàng. Với vai trò “huyết mạch” và trách nhiệm xã hội của ngân hàng trước khó khăn chung của nền kinh tế, các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng đã có nhiều chính sách, giải pháp cụ thể như: miễn, giảm phí giao dịch; tăng cường các gói tín dụng ưu đãi lãi suất thấp… giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn giá rẻ, bao gồm cả vốn tín dụng ngắn, trung và dài hạn; cơ cấu lại các khoản nợ vay để duy trì, nhanh chóng phục hồi, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển. Chỉ tính riêng trong giai đoạn bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư này, nhiều ngân hàng thương mại bằng các chương trình ưu đãi thiết thực đã triển khai các gói tín dụng với quy mô hàng chục, hàng trăm ngàn tỷ đồng lãi suất ưu đãi dành cho các đối tượng vay vốn.
Điểm tựa trong khó khăn
Cùng với toàn hệ thống, với vai trò của NHTM hàng đầu Việt Nam, chủ lực trong đầu tư phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Agribank bằng nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, tiếp tục làm tròn nhiệm vụ chính trị do Đảng, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước giao phó, giữ vững tỷ trọng đầu tư "Tam nông" chiếm 70% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế và lớn nhất trong thị phần tín dụng đầu tư nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam; đồng thời triển khai tốt công tác phòng, chống dịch, đảm bảo cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế và các dịch vụ tài chính theo nhu cầu khách hàng, hỗ trợ khách hàng cùng vượt qua khó khăn.
Ngay từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay, Agribank đã triển khai kịp thời, đồng bộ các giải pháp như cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; miễn, giảm lãi suất, phí; cho vay mới với lãi suất ưu đãi... để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, Agribank đã thực hiện cơ cấu lại, miễn giảm lãi, phí cho 12.500 khách hàng với dư nợ 30.109 tỷ đồng, cho vay mới hơn 203.000 tỷ đồng cho trên 50.000 khách hàng. Tính từ đầu năm 2020 đến nay, Agribank đã dành hơn 1.000 tỷ đồng lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng vượt qua đại dịch Covid-19, đồng thời triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi, lãi suất thấp hơn từ 2% - 2,5% so với lãi suất cho vay thông thường với quy mô hơn 300.000 tỷ đồng dành cho khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, khách hàng lớn, khách hàng cá nhân và doanh nghiệp FDI, cụ thể như: Tăng gấp đôi hạn mức chương trình hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với quy mô 100.000 tỷ đồng, mức lãi suất, phí hỗ trợ tối đa 2,5%/năm; Cho vay ưu đãi đối với Doanh nghiệp nhỏ và vừa quy mô 30.000 tỷ đồng, hỗ trợ mức phí tối đa 2%; Cho vay ưu đãi đối với khách hàng xuất nhập khẩu quy mô 15.000 tỷ đồng và 300 triệu USD; Cho vay khách hàng lớn quy mô 15.000 tỷ đồng; Cho vay khách hàng tiêu dùng tại các đô thị quy mô 20.000 tỷ đồng.
Agribank luôn đảm bảo cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế và các dịch vụ tài chính theo nhu cầu khách hàng, hỗ trợ khách hàng cùng vượt qua khó khăn
Mới đây, Agribank tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng cá nhân và tổ chức vay vốn bằng VNĐ tại Agribank nhằm hỗ trợ khách hàng, doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn. Cụ thể, đối với khoản vay tại thời điểm 15/07/2021, Agribank giảm tiếp 10% so với lãi suất cho vay đang áp dụng đối với dư nợ cho vay ngắn hạn có lãi suất từ 5%/năm trở lên và dư nợ cho vay trung, dài hạn có lãi suất từ 7%/năm trở lên (Không áp dụng đối với các khoản cho vay đã được ưu đãi lãi suất, miễn giảm lãi). Ước tính, với việc tiếp tục giảm lãi suất lần này, Agribank dành khoảng 5.500 tỷ đồng để hỗ trợ khách hàng.
Việc chấp nhận hy sinh một phần lợi nhuận để hỗ trợ cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn là việc làm mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc đã được Agribank chủ động thực hiện trong nhiều năm nay thông qua việc hàng năm dành hàng ngàn tỷ đồng để hỗ trợ cho vay lãi suất thấp đối với các đối tượng ưu tiên trong sản xuất nông nghiệp; thực hiện tiết giảm chi phí hoạt động, giảm lương thưởng, lợi nhuận để tiếp tục giảm lãi suất cho vay thực chất đối với các khoản vay hiện hữu và các khoản vay mới. Năm 2020, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và NHNN, Agribank đã cắt giảm các chi phí hoạt động, điều chỉnh giảm tiền lương và cắt giảm lợi nhuận 3-4 nghìn tỷ đồng để tập trung nguồn lực tài chính chia sẻ khó khăn, hỗ trợ khách hàng.
Agribank thể hiện quyết tâm trong điều kiện khó khăn vẫn luôn hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân góp phần phục hồi SXKD
Với việc đồng loạt triển khai các gói tín dụng ưu đãi dành cho khách hàng, doanh nghiệp từ năm 2020 đến nay, Agribank thể hiện quyết tâm trong điều kiện khó khăn vẫn luôn hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh sau đại dịch.
Trong những tháng cuối năm, để hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu hoạt động năm 2021, góp phần hoàn thành mục tiêu kế hoạch tại Nghị quyết 01 của Chính phủ gắn với kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh theo phương châm bảo đảm hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng, chống dịch và sản xuất kinh doanh, “chống dịch để sản xuất và sản xuất để chống dịch”, thực hiện tốt các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2021 theo chỉ đạo của NHNN, Agribank tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ, NHNN và diễn biến dịch Covid-19 để triển khai chủ động, quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn sức khỏe của cán bộ người lao động và khách hàng, duy trì hoạt động kinh doanh liên tục của các đơn vị trong toàn hệ thống; sẵn sàng tập trung tối đa mọi nguồn lực để khắc phục khó khăn, đồng thời luôn sẵn sàng, chủ động nguồn vốn để nhiều đối tượng khách hàng, doanh nghiệp, các mô hình sản xuất nông nghiệp,… trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh kéo dài vẫn được tiếp cận và vay vốn từ Agribank để phục hồi và sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Bảo Linh