Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tích cực chuẩn bị tổng kết 10 năm xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020

(DS&PL) -

(ĐS&PL) Sáng ngày 16/5, tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn diễn ra cuộc họp giữa Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam (PHANO) và Văn phòng Điều phối Nông th

(ĐS&PL) Sáng ngày 16/5, tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn diễn ra cuộc họp giữa Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam (PHANO) và Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương về việc "Phối hợp chuẩn bị tổng kết 10 năm xây dựng Nông thôn mới và đề xuất nhiệm vụ trong giai đoạn mới".

Tham dự Hội nghị, về phía Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương có: ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng - Chánh Văn phòng; Đại diện Văn phòng Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng Nông thôn mới; Lãnh đạo một số phòng ban chuyên môn. Về phía Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam có: GS.TS Nguyễn Văn Bộ, Phó chủ tịch Trung ương Hội; TS. Đào Thế Anh, Phó chủ tịch Trung ương Hội, ông Tăng Minh Lộc, Phó chủ tịch Trung ương Hội; TS. Lê Thành Ý, Phó Tổng biên tập Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam; TS. Hoàng Xuân Trường, Văn phòng Trung ương Hội; ThS. Vương Xuân Nguyên, Văn phòng Trung ương Hội...

Toàn cảnh buổi làm việc

Thay mặt Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, ông Nguyễn Minh Tiến đã thông báo những nội dung chính trong Kế hoạch tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 vừa ban hành.

Theo đó, mục đích của kế hoạch là đánh giá toàn diện, tổng thể kế hoạch và tác động của 10 năm thực hiện Chương trình, trong đó, tập trung đánh giá những mặt được, chưa được, nguyên nhân và rút ra bài học kinh nghiệm triển khai thực hiện chương trình; đề xuất các nguyên tắc, chủ trương, cơ chế, chính sách, giải pháp chủ yếu triển khai chương trình giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến 2030; tổ chức tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân, phong trào tiêu biểu thực hiện Phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới" giai đoạn 2016 - 2020.

Kế hoạch đặt ra yêu cầu việc tổng kết phải bám sát các nội dung của chương trình, tiêu chí huyện, xã nông thôn mới và theo cơ chế quản lý, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; đánh giá nghiêm túc, đúng thực tế, khách quan, rút ra được những mặt đạt được, bài học kinh nghiệm, những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, đảm bảo đánh giá toàn diện, sâu sắc, hiệu quả, tránh hình thức.

"Trong kế hoạch đã nêu rõ, trong quá trình tổng kết ở các cấp phải tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội và người dân được tham gia đóng góp ý kiến. Chính vì vậy, sự phối hợp giữa Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương và Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam sẽ được triển khai theo tinh thần đó..."

Theo đánh giá của ông Nguyễn Minh Tiến - Cục trưởng, Chánh văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, với tiến độ như hiện nay, hết quý II/2019 cả nước sẽ hoàn thành mục tiêu 5 năm của Chương trình đã được Quốc hội và Chính phủ giao là có ít nhất 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Đến nay, cả nước đã có 4.144 xã (chiếm 46,48%) đạt chuẩn nông thôn mới, 61 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Ba địa phương có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới là Đồng Nai, Nam Định và Đà Nẵng. Đồng thời, có một số địa phương công nhận số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo Bộ tiêu chí do tỉnh ban hành.

Hà Nội là địa phương mở đầu và luôn giữ vững “lá cờ đầu” của cả nước về thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Khu vực nông thôn Hà Nội có bước chuyển mình và phát triển rõ nét, thu nhập bình quân đầu người và tỷ lệ hộ giàu tăng, tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm, đời sống vật chất và tinh thần của nông dân được cải thiện rõ rệt, nhiều vùng được nâng cao.

Các đại biểu đã thảo luận sôi nổi về phương hướng hợp tác giữa hai cơ quan

Thay mặt Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam, TS. Đào Thế Anh đã giới thiệu những thế mạnh của Hội trong nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, liên kết với các nhà khoa học, giới nghệ nhân, doanh nhân, chủ nhà vườn trên mặt trận Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn...

Với những lợi thế đó, Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam hoàn toàn có thể phối hợp với Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương để chuẩn bị tốt cho tổng kết 10 năm xây dựng nông thôn mới và đưa ra những nhiệm vụ, mục tiêu, khung chính sách về xây dựng Nông thôn mới trong giai đoạn tiếp theo.

Cụ thể là các nhà khoa học và chuyên gia của Hội có thể tham gia đánh giá, phản biện các báo cáo; Tham gia điều hành Hội thảo quốc tế; Nghiên cứu đề xuất một số giải pháp xây dựng Nông thôn mới giai đoạn sau 2020; Kết nối với các chuyên gia, các tổ chức Quốc tế tham gia vào quá trình tổng kết; Phối hợp tổ chức Hội nghị tôn vinh nghệ nhân, doanh nhân, chủ nhà vườn tiêu biểu toàn quốc trong xây dựng Nông thôn mới; Truyền thông chuyên đề xây dựng Nông thôn mới trên Tạp chí của Hội và các kênh thông tin liên kết...

Các đại biểu dự cuộc họp đã thống nhất quan điểm cho rằng, việc tổng kết 10 năm xây dựng Nông thôn mới nếu được tiến hành khách quan, đồng bộ phản ánh đúng được thực trạng, làm rõ những thuận lợi, khó khăn, nguyên nhân và giải pháp...sẽ là tiền đề quan trọng để thúc đẩy xây dựng Nông thôn mới giai đoạn tiếp theo được thuận lợi và hiệu quả hơn. Việc tổng kết phải toàn diện, khách quan từ thực tiễn Việt Nam và kinh nghiệm Quốc tế để chọn ra những mô hình tốt, cách làm thiết thực hiệu quả cho giai đoạn tiếp theo.

Mục tiêu của xây dựng Nông thôn mới giai đoạn tiếp theo là sự thay đổi mạnh mẽ về chất lượng và sự phát triển bền vững những giá trị cốt lõi trong xây dựng Nông thôn mới. Cần phải có những giải pháp thiết thực, hiệu lực, hiệu quả để từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn. Quan tâm đến những vấn đề bức thiết ở nông thôn hiện nay như: Quy hoạch xây dựng nông thôn, Văn hóa nông thôn, Môi trường nông thôn, An toàn thực phẩm; Chăm sóc sức khỏe cộng đồng, An ninh, an toàn nông thôn...Để Nông thôn mới vẫn giữ được Hồn quê Việt, mang được bản sắc văn hóa dân tộc, văn minh thời đại.

Về phát triển sản xuất, những chương trình lớn như: Phát triển 15.000 hợp tác xã kiểu mới; Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm...phải được xem là chiến lược lâu dài để phát triển nông nghiệp bền vững. Chú trọng vào khai thác du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Đặc biệt chú ý đến việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào những chương trình trên cũng cần được quan tâm; Thu hẹp khoảng cách chênh lệch trong xây dựng nông thôn mới giữa các vùng, miền; Xây dựng nông thôn mới lồng ghép với nhiều chương trình như: Xóa đói giảm nghèo, chương trình các xã vùng biên giới hải đảo; gắn giữa phát triển rừng bền vững với xóa nghèo…

Để cụ thể sự phối hợp giữa Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam và Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương hướng đến những mục tiêu trên, lãnh đạo hai đơn vị đã thống nhất sẽ ký kết biên bản hợp tác trong công tác chuẩn bị tổng kết 10 năm xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 và đề xuất nhiệm vụ giai đoạn sau 2020.

Quyết Tuấn

Tin nổi bật