Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Thương hiệu du lịch Sapa qua những món ngon

  • Như Quỳnh (T/h)
(DS&PL) -

Không chỉ nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, Sapa còn níu chân du khách bởi nền ẩm thực độc đáo, đậm đà bản sắc văn hóa địa phương.

Thị trấn Sapa xinh đẹp không chỉ nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, những dãy núi trùng điệp và sương mù bao phủ, mà còn là một thiên đường ẩm thực với vô vàn món ăn đặc sắc. Bên cạnh những đặc sản quen thuộc mà du khách thường mua về làm quà như mận Sapa, nấm hương, rượu ngô…, Sapa còn ẩn chứa rất nhiều món ngon độc đáo mà bạn khó có thể tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác.

Cá hồi

Cá hồi Sa Pa có đặc điểm chắc, thớ săn nhưng mềm, ngọt thịt với màu hồng cam bắt mắt.

Trước đây, cá hồi chỉ được biết tới tại bờ biển Bắc châu Âu và châu Mỹ. Sau khi áp dụng nhiều phương pháp, loài cá nức tiếng trời Tây này đã có mặt tại Sa Pa và nhanh chóng trở thành món ăn được nhiều người yêu thích.

Cá hồi Sa Pa có đặc điểm chắc, thớ săn nhưng mềm, ngọt thịt với màu hồng cam bắt mắt. Tới bất kỳ nhà hàng nào tại thị trấn vùng cao này, bạn đều dễ gọi những món ngon chế biến từ cá hồi như gỏi, chiên xù, nướng, làm ruốc..., phổ biến nhất là lẩu.

Với cách chế biến khéo léo, lẩu cá hồi nơi đây gần như không có mùi tanh. Không chỉ vậy, khi kết hợp cùng các loại rau rừng, món ngon này càng trở nên đậm đà. Trong cái lạnh của núi rừng, nhâm nhi một chén rượu táo mèo bên nồi lẩu nghi ngút khói sẽ là trải nghiệm khó có thể quên.

Cốn sủi

Cốn sủi vốn là một món ăn của người Hoa, sau khi du nhập vào Lào Cai đã dần trở thành đặc sản thơm ngon của vùng đất Sa Pa.

Cốn sủi sử dụng nguyên liệu là sợi mì dẹt giống bánh phở, ăn cùng một thứ nước sốt sệt như súp, nên còn được gọi là phở khan. Các thức ăn kèm gồm có khoai lang thái sợi chiên giòn hoặc củ rong, thịt heo, bò thái lát chỉ, trứng luộc, đậu phộng. Khi ăn, tùy sở thích của từng người, có thể cho thêm rau thơm, dưa cải muối thái nhỏ, ớt… sau đó trộn đều lên rồi thưởng thức. 

Thịt lợn cắp nách

Thịt lợn “cắp nách” rất nổi tiếng và được các nhà hàng sang trọng sử dụng chế biến nhiều món ăn ngon.

Bạn có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh người dân địa phương xách lợn hoặc thậm chí cắp vào nách đem bán ở các phiên chợ, cái tên “lợn cắp nách” bắt nguồn từ đó. Đây là giống lợn riêng của người dân vùng cao, lợn con sinh ra được thả rông cho lớn tự nhiên, khoảng một năm lợn nặng trên dưới 20kg thì đem bán lấy thịt. Thịt lợn “cắp nách” rất nổi tiếng và được các nhà hàng sang trọng sử dụng chế biến nhiều món ăn ngon.

Su su

Khí hậu quanh năm mát mẻ tại Sa Pa tạo điều kiện thuận lợi để trồng su su. Nhờ đó, loại rau này cũng nhanh chóng trở thành một trong nhiều đặc sản phố núi. Đi khắp nơi quanh thị trấn, bạn đều dễ bắt gặp những giàn su su xanh mát với trái sai lúc lỉu.

Hai món ăn được chế biến từ su su mà du khách nào cũng thử là ngọn rau xào tỏi và phần quả đem luộc cùng cà rốt. Ngọn su su sau khi xào có vị giòn bùi lạ miệng, kết hợp cùng tỏi trắng khiến món ăn càng trở nên đậm đà. Trong khi đó, phần quả luộc lại được ăn cùng muối vừng, thả thêm vài miếng cà rốt vàng cam để tăng thêm độ bắt mắt.

Thắng cố

Những nồi thắng cố được chế biến một cách tinh tế và cầu kỳ.

Ẩm thực Sa Pa nổi tiếng với những món ăn độc đáo mang nét đặc trưng của vùng núi Tây Bắc, một trong số đó phải kể đến món thắng cố trứ danh. Từ một món ăn truyền thống của người Mông, dần dần lan ra các đồng bào thiểu số khác của vùng Tây Bắc và được yêu thích.

Cái tên thắng cố cũng xuất phát từ cách gọi và cách phát âm của người Mông là “thoảng cổ”, có nghĩa là “nồi nước” hay “khấu tha” có nghĩa là “canh thịt”.

Qua đôi tay của những người đầu bếp giàu kinh nghiệm, những nồi thắng cố được chế biến một cách tinh tế và cầu kỳ. Để phù hợp hơn với khẩu vị của khách du lịch, món thắng cố có phần biến tấu đôi chút, nên sẽ có phần hơi khác so với phiên bản gốc.

Tuy nhiên, món ăn vẫn giữ trọn vẹn hương vị nguyên bản truyền thống với thịt ngựa cùng những loại gia vị và rau mùi đặc trưng của vùng núi rừng Tây Bắc.

Đồ nướng

Trong khí trời se lạnh nơi đây, bạn chắc chắn đừng quên thưởng thức đồ nướng, thơm ngon và đa dạng như: thịt lợn bản xiên que, ba chỉ lợn nướng, chim cút, bò cuộn cải mèo xiên hay bò cuộn nấm kim châm xiên que,… Cải mèo là loại rau đặc sản ở đây, vị rau cải đắng lạ đọng lại trên đầu lưỡi sẽ khiến du khách thích thú.

Thịt gà đen

Gà đen (hay gà ác) có thân nhỏ, gà trưởng thành chỉ nặng khoảng 1,2 - 1,5kg. Cả da, thịt và xương gà đều có một màu xám đen.

Thịt gà săn chắc, hàm lượng mỡ ít, giàu giá trị dinh dưỡng, có thể chế biến thành nhiều món ăn tốt cho sức khỏe. Ngoài các món lẩu, rán, hấp, luộc, xào, gà đen còn được chế biến thành gà đen nướng mật ong và gà đen tiềm thuốc bắc, gây thương nhớ cho du khách.

Cá suối

Thông thường, cá suối nhiều xương nên chủ yếu được chiên giòn.

Đây là món ăn đặc trưng của mảnh đất trập trùng núi với những dòng suối len lỏi, uốn mình qua từng vách đá. Cá suối Sa Pa không lớn như những loại nuôi trong ao hồ nhưng có đặc điểm thịt chắc, mềm xương và thơm tới lạ lùng.

Mỗi con cá ở đây to bằng 2-3 ngón tay và thường ngụy trang thành màu xanh, cùng màu với rong rêu trong kẽ đá. Thông thường, cá suối nhiều xương nên chủ yếu được chiên giòn.

Vị thơm ngậy cùng lớp thịt ngọt khiến du khách nhớ mãi. Không chỉ vậy, sau khi chiên, cá trở nên giòn tan và ăn được cả phần xương nhỏ. Chấm cùng phần nước mắm pha tiêu ớt quả càng khiến món ăn thêm ngon, thêm đặc biệt.

Cải mèo

Cải mèo là loại rau nhỏ, lá có lông màu trắng. Trước đây loại rau được người dân tộc trồng để ăn và không đem bán. Tuy nhiên cùng với sự phát triển của du lịch thì cải mèo đã được mở rộng vùng trồng trọt hơn.

Cải mèo thường được xào, luộc hoặc ăn cùng lẩu nhưng được ưa chuộng nhất vẫn là thái nhỏ, nấu cùng gừng. Tùy từng nơi mà món canh này được cho thêm thịt gà hoặc thịt lợn băm nhỏ. Dù được nấu theo cách nào, món ăn này vẫn giữ vị ngọt mát tự nhiên và hơi ngăm ngăm đắng.

Tin nổi bật