“Nếu vi phạm môi trường, phải đóng cửa nhà máy, nộp lại toàn bộ tài sản”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói ngày 27/8 tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Ninh Thuận.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các dự án ven biển phải được kiểm soát chặt chẽ về môi trường, đảm bảo phát triển bền vững. |
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Ninh Thuận có khí hậu khắc nghiệt, nhưng có nhiều điều kiện để phát triển công nghệ cao, năng lượng tái tạo, nông nghiệp, du lịch... Chính người dân, doanh nghiệp là những người làm kinh tế, và chính quyền phải tạo ra môi trường thuận lợi để đầu tư, kinh doanh phát triển. “Bộ máy hành chính phải kiến tạo, liêm chính, không được để tình trạng trì trệ, mà phải năng động, không được ỷ lại cấp trên mà phải vươn lên, không được chậm trễ”, Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, môi trường đầu tư ở Ninh Thuận còn nhiều dư địa, tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh phải đứng ra cam kết để nhà đầu tư yên tâm. Cùng đó, phải có môi trường cạnh tranh lành mạnh, không hình sự hóa quan hệ kinh doanh, doanh nghiệp, đặt doanh nghiệp vào vị trí trung tâm để hỗ trợ. Lấy ví dụ từ Đồng Tháp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Ở đâu chính quyền phục vụ tốt, thái độ tốt, doanh nghiệp sẽ đến đầu tư, kinh doanh mà không cần những ưu đãi quá lớn. Doanh nghiệp cũng rất vui vẻ để nộp thuế… Cán bộ từ cấp tỉnh, huyện, xã, phải lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, đừng để người ta kêu ca, bức xúc, rồi mới chạy theo”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý về kinh tế biển, nhiều địa phương đang băm nát cả bờ biển ra để chia lô, bán nền. Quy hoạch phải rõ ràng, thống nhất, tránh chồng chéo, xé nhỏ, để nhà đầu tư yên tâm. Các dự án, nhà máy, khu công nghiệp ven biển phải được kiểm soát, phải kiểm soát nước thải, không để phá hỏng du lịch biển… “Nếu vi phạm môi trường, phải đóng cửa nhà máy, nộp lại toàn bộ tài sản. Do vậy, khi triển khai dự án, phải đánh giá nhà máy, phải đánh giá một cách nghiêm khắc nhất để bảo vệ môi trường một cách bền vững”, Thủ tướng nói.
Là người đang triển khai siêu dự án thép 10 tỷ USD tại Ninh Thuận, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen, nói rằng, khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận công suất 16 triệu tấn/năm sẽ ứng dụng các công nghệ xử lý nước, khí thải đồng bộ, khép kín, sẽ không để “một giọt nước thải dự án chảy ra biển”. Theo ông Vũ, Trung Quốc đã đánh đổi phát triển bằng sự trả giá đắt về ô nhiễm môi trường, và gần đây, vụ Formosa Hà Tĩnh là một trong những bài học rất lớn đối với sự phát triển ở Việt Nam. “Nếu nhà máy chúng tôi gây ô nhiễm môi trường thì điều đầu tiên, chúng tôi sẽ nguyện đóng cửa nhà máy và giao toàn bộ tài sản cho Nhà nước và chúng tôi sẵn sàng ký điều này với đại diện của Chính phủ”, ông Vũ nói. Để kiểm soát vấn đề môi trường của một dự án lớn như vậy, ngay từ đầu, Tập đoàn Hoa Sen sẽ mời đại diện các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ TN&MT, tham gia.
Khởi công dự án Điện gió Trung Nam Sáng 27/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát lệnh khởi công dự án Nhà máy điện gió Trung Nam có tổng công suất 90 MW ở huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận. Nhà máy nằm ở xã Bắc Phong và xã Lợi Hải, do Cty Cổ phần Điện gió Trung Nam làm chủ đầu tư, gồm 45 tổ máy, tổng số vốn đầu tư 3.965 tỷ đồng. Giai đoạn 1 của dự án gồm 17 tổ máy, vốn đầu tư 1.558 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào quý IV/2017. Giai đoạn 2 gồm 28 tổ máy sẽ được triển khai ngay sau khi giai đoạn 1 hoàn thành. Nhà máy sẽ cung cấp sản lượng điện khoảng 260 triệu kWh/năm. |
Video tin tức được xem nhiều:
[mecloud]RIdWzC0EfF[/mecloud]