Tờ SCMP đưa tin, ngày 7/7 Thủ tướng Mark Rutte tuyên bố từ chức và giải tán nội các sau khi bốn đảng trong liên minh chính phủ bất đồng về chính sách nhập cư.
Theo đó, liên minh bốn đảng trong khối cầm quyền của ông Rutte đã thất bại trong việc thống nhất một thỏa thuận về các chính sách kiểm soát nhập cư, vấn đề gây chia rẽ tại các quốc gia trên khắp châu Âu.
"Không có gì bí mật khi các đối tác liên minh có quan điểm khác nhau về chính sách nhập cư. Hôm nay, chúng tôi rất tiếc phải kết luận rằng những khác biệt đó đã trở nên không thể hòa giải. Vì vậy, tôi sẽ đệ đơn từ chức toàn bộ nội các lên nhà vua", Reuters dẫn lời ông Rutte trong một cuộc họp báo trên truyền hình.
Thủ tướng Mark Rutte ngày 7/7 tuyên bố từ chức và giải tán nội các sau.
Theo Reuters, căng thẳng lên đến đỉnh điểm tuần này, khi ông Rutte yêu cầu sự ủng hộ dành cho đề xuất hạn chế việc nhập cư của con cái những người tị nạn chiến tranh đã đến Hà Lan, đồng thời bắt buộc các gia đình phải đợi ít nhất 2 năm trước khi có thể đoàn tụ. Các đảng Liên minh Cơ đốc và D66 coi đề xuất mới nhất "đi quá xa", dẫn đến bế tắc.
Quyết định của Thủ tướng Mark Rutte, thủ tướng tại vị lâu nhất của Hà Lan, đồng nghĩa với việc nước này sẽ đối mặt với cuộc tổng tuyển cử vào cuối năm nay. Ông Rutte và chính phủ của ông sẽ tiếp tục tại vị cho đến khi một liên minh cầm quyền mới được chọn
Các chính trị gia phe đối lập ngay lập tức đã tận dụng cơ hội để kêu gọi các cuộc bầu cử mới ngay cả trước khi Thủ tướng Mark Rutte chính thức xác nhận từ chức.
Geert Wilders, lãnh đạo của Đảng chống nhập cư vì Tự do, viết trên twitter cá nhân: "Hãy bầu cử nhanh ngay bây giờ”. Lãnh đạo đảng Cánh tả Xanh Jesse Klaver cũng kêu gọi bầu cử và nói với đài truyền hình NOS của Hà Lan: "Đất nước này cần thay đổi hướng đi”.
Trước đó, Thủ tướng Rutte đã chủ trì các cuộc họp vào hai ngày 5 và 6/7 nhưng không đạt được thỏa thuận về chính sách di cư. Tại vòng đàm phán cuối cùng vào tối 7/7, các bên đã nhất trí quyết định rằng họ không thể hoà giải, chính vì vậy sẽ không thể ở lại cùng nhau trong liên minh.
Đơn xin tị nạn ở Hà Lan đã tăng 1/3 vào năm ngoái lên hơn 46.000 và chính phủ dự báo con số này có thể tăng lên hơn 70.000 trong năm nay, vượt qua mức cao nhất trước đó được ghi nhận vào năm 2015. Điều này gây căng thẳng cho các cơ sở tị nạn của đất nước, bởi vào năm ngoái, hàng trăm người tị nạn đã buộc phải ngủ trong điều kiện khó khăn với rất ít hoặc không được tiếp cận với nước uống, thiết bị vệ sinh hoặc chăm sóc sức khỏe.
Theo văn phòng thống kê của Hà Lan, ước tính vào năm 2022, có hơn 21.500 người từ bên ngoài châu Âu đã xin tị nạn ở Hà Lan và hàng chục nghìn người khác đã chuyển đến để làm việc và học tập. Những con số đã gây ra tình trạng quá tải cho vấn đề nhà ở vốn đã thiếu hụt ở quốc gia đông dân cư này.
Chính phủ của Thủ tướng Rutte đã thảo luận về một đạo luật nhằm yêu cầu các thành phố trực thuộc trung ương cung cấp chỗ ở cho những người xin tị nạn mới đến. Tuy nhiên, luật này vẫn chưa được cả hai viện của quốc hội thông qua. Thủ tướng cũng thúc đẩy các nỗ lực của Liên minh châu Âu (EU) nhằm làm chậm quá trình di cư sang khối 27 quốc gia.
Dự kiến, liên minh của ông Rutte sẽ tiếp tục với tư cách là một chính phủ tạm quyền cho đến khi một chính quyền mới được thành lập sau bầu cử, một quá trình mà trong bối cảnh chính trị rạn nứt của Hà Lan thường mất hàng tháng.
Hãng thông tấn ANP, trích dẫn ủy ban bầu cử quốc gia, cho biết các cuộc bầu cử sẽ không được tổ chức trước giữa tháng 11. Một chính phủ lâm thời không thể quyết định các chính sách mới, nhưng Thủ tướng Rutte cho biết điều đó sẽ không ảnh hưởng đến sự ủng hộ của Hà Lan đối với Ukraine.
Như Quỳnh (T/h)