Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Cùng dự có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; các Phó Trưởng ban Chỉ đạo: Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; lãnh đạo các bộ, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo.
Theo Ban Chỉ đạo, công tác cải cách hành chính thời gian qua được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tăng cường nguồn lực; tích cực triển khai trên cả 6 mặt công tác; đạt nhiều kết quả tích cực.
Chính phủ đã tổ chức 6 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật để thảo luận, cho ý kiến đối với 30 dự án luật, pháp lệnh, đề nghị xây dựng luật; đã ban hành 96 văn bản quy phạm, trong đó nhiều nội dung liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần hỗ trợ, phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.
Công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được triển khai sâu rộng. Theo đó, đã cắt giảm, đơn giản hóa 657 quy định kinh doanh tại 73 văn bản; phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 183 quy định tại 19 văn bản quy phạm pháp luật; phê duyệt phương án phân cấp thẩm quyền giải quyết 699/5.187 thủ tục hành chính trên 100 lĩnh vực.
Bên cạnh đó, 11.700 bộ phận một cửa các cấp trên cả nước được thành lập (56 Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh); 53/63 địa phương hợp nhất Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử. Hơn 4 nghìn thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến (trên 61%) và hoàn thành tích hợp, cung cấp 21/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 lên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước được thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt. Nhờ đó, đã ban hành Nghị định về tổ chức bộ máy của 11 bộ, cơ quan; qua đó giảm 7 tổng cục, 10 cục, 60 vụ (thuộc bộ và thuộc tổng cục), 9 đơn vị sự nghiệp công lập. Các bộ, ngành đã nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định pháp luật có liên quan đến phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước (3 luật; 27 nghị định, 9 thông tư và một số nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội).
Cả nước tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; trình Bộ Chính trị đồng ý bổ sung gần 66.000 biên chế giáo viên cho giai đoạn 2022-2026 để tháo gỡ việc thiếu giáo viên, bảo đảm nguyên tắc có học sinh phải có giáo viên đứng lớp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Đáng chú ý, công tác xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số đạt kết quả tích cực; cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đã số hóa và tạo lập gần 100 triệu dữ liệu dân cư được cấp số định danh cá nhân; cấp hơn 73 triệu thẻ căn cước có gắn chíp điện tử cho công dân...
Tại Phiên họp, bên cạnh tập trung đánh giá khách quan kết quả đạt được của Ban Chỉ đạo trong 9 tháng qua, các thành viên Ban Chỉ đạo cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, nêu rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan để rút ra bài học kinh nghiệm, biện pháp khắc phục trong việc triển khai các nội dung, nhiệm vụ tại kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo và của từng thành viên Ban Chỉ đạo, đặc biệt đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện tốt kế hoạch hoạt động các tháng cuối năm 2022.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức và cá nhân, đặc biệt là các thành viên Ban Chỉ đạo đã tích cực thúc đẩy triển khai công tác cải cách hành chính với nhiều kết quả tích cực, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững.
Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ rõ, công tác chỉ đạo cải cách hành chính vẫn chưa được thực hiện một cách quyết liệt ở một số bộ, ngành. Tiến độ xử lý văn bản quy phạm pháp luật sau rà soát để tháo gỡ các rào cản về thể chế, cơ chế, chính sách tại một số nơi còn chậm. Thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực còn rườm rà.
Việc kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh với cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành cũng như việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn chậm. Việc xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử tại một số bộ, ngành tỷ lệ còn thấp.
Về định hướng nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, trên cơ sở phân tích, nhận định tình hình, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành cần xác định cải cách hành chính là một khâu quan trọng, đột phá, phải được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ ở tất cả các cấp hành chính trên cơ sở quan điểm chỉ đạo điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời, sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn. Đầu tư cho cải cách hành chính là đầu tư cho phát triển. Người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, động lực, mục tiêu của cải cách hành chính.
"Cải cách hành chính là nhiệm vụ nặng nề, khó khăn vì tác động đến con người, tổ chức; song phải làm vì sự phát triển. Thực hiện cải cách hành chính phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó; quyết tâm tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, huy động mọi nguồn lực cho phát triển; không để lãng phí thời gian, công sức, nguồn lực vì tắc trách, quan liêu của người thi hành công vụ", Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo đó, các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện các mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ còn lại trong năm. Các thành viên Ban Chỉ đạo, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải chỉ đạo quyết liệt thúc đẩy công tác cải cách hành chính; quan tâm bố trí nhân lực và các nguồn lực cần thiết; chỉ đạo kịp thời các vấn đề đặt ra từ thực tiễn, giải đáp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của địa phương trong triển khai các nội dung, nhiệm vụ cải cách hành chính.
Thủ tướng nhấn mạnh, phải thể chế hóa kịp thời các chủ trương của Đảng; cụ thể hóa đầy đủ, chính xác quy định của Hiến pháp, pháp luật; nhanh chóng đưa chính sách, pháp luật vào cuộc sống. Theo đó, tập trung tham mưu, triển khai Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 sau khi được cấp có thẩm quyền ban hành; nghiêm túc triển khai thực hiện định hướng xây dựng luật, pháp lệnh của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.
Cùng với đó, tập trung nghiên cứu, rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật hiện hành để xử lý các vấn đề thực tiễn mới phát sinh, cần điều chỉnh để tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội; nâng cao chất lượng thẩm định, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo đồng bộ, khả thi; ban hành kịp thời các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh, nghị quyết.
"Lãnh đạo các bộ, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo phải bám sát hơi thở cuộc sống; thường xuyên rà soát; cầu thị lắng nghe ý kiến, góp ý của người dân, doanh nghiệp để đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông cho phát triển", Thủ tướng nhắc nhở.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp; thực hiện Đề án đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính giai đoạn 2021-2025 và Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, thực thi ngay các phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh và phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; các bộ chưa có phương án thì khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng; tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ giai đoạn 2022-2025.
Cập nhật đầy đủ, chính xác, công khai, kịp thời và thực hiện tham vấn các quy định, phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trên Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh.
Thủ tướng nhấn mạnh, trong tháng 12/2022 phải hoàn thành việc chuẩn hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính; tổ chức kiện toàn bộ phận một cửa các cấp, triển khai Bộ nhận diện thương hiệu.
Các đại biểu, thành viên Ban Chỉ đạo tham dự phiên họp. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Trước mắt, phấn đấu trong tháng 11/2022, chậm nhất trong quý I/2023, hoàn thành việc hợp nhất Cổng Dịch vụ công với Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh, thành phố và Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tập trung duy nhất của bộ, tỉnh; thiết lập, nâng cấp, hoàn thiện kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trong Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh; hoàn thành kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu kết quả giải quyết thủ tục hành chính.
Các bộ, ngành hoàn thành việc xây dựng quy trình nội bộ, quy trình điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính; cắt giảm tối thiểu 20% thông tin phải khai báo trên cơ sở tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa; đánh giá, công khai chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công tại các bộ, ngành, địa phương theo Quyết định số 766/QĐ-TTg.
Đặc biệt, ngay trong tháng 10/2022, hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; tiếp tục nghiên cứu, thí điểm chuyển giao một số nhiệm vụ và dịch vụ hành chính công mà Nhà nước không nhất thiết phải thực hiện cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đảm nhiệm; đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ phân cấp, phân quyền theo Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức, thực hiện tinh giản biên chế gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm; hoàn thiện cơ chế, chính sách phát hiện, thu hút và trọng dụng nhân tài cho nền công vụ; tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức.
Thủ tướng cũng yêu cầu triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội; tổ chức triển khai có hiệu quả thực hiện cơ chế tự chủ tài chính tại cơ quan hành chính và các đơn vị sự nghiệp công lập.
Thủ tướng đề nghị tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển Chính phủ số, nâng cao hiệu quả của cơ quan hành chính nhà nước trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử (Đề án 06) và nhiệm vụ hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành, thúc đẩy chuyển đổi số. Đồng thời, tăng cường thông tin, truyền thông để nhân dân hiểu, nhân dân biết, nhân dân làm; dành thời lượng tuyên truyền, hướng dẫn, đặc biệt giới thiệu các mô hình hay, mô hình tốt để lan tỏa, nhân rộng; nêu những khó khăn, vướng mắc cần khắc phục và hiến kế cho công tác cải cách hành chính.
“Đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo bắt tay ngay vào triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải cách hành chính các tháng cuối năm 2022, bảo đảm đúng yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2022 và thời gian tới”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Theo TTXVN
Link nguồn: https://baotintuc.vn/thoi-su/thu-tuong-day-manh-cai-cach-hanh-chinh-khoi-thong-cho-phat-trien-20221019123211732.htm