Hãng tin RT đưa tin, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Ivan Gavrilyuk trong cuộc phỏng vấn mới nhất với tờ Der Tagesspiegel cho biết, cuộc xung đột với Nga chỉ có thể kết thúc bằng việc Ukraine “giải phóng hoàn toàn” và “khôi phục lại đường biên giới năm 1991” .
Chỉ khi đó Moscow và “liên minh” thân Kiev mới có thể ký một văn bản nhằm “tạo ra các cơ chế phòng ngừa để Nga không bao giờ nghĩ đến một cuộc chiến khác chống lại Ukraine hay bất kỳ quốc gia nào trong tương lai”. “Tài liệu này phải bao gồm việc Nga từ bỏ vũ khí hạt nhân vì nó gây ra mối đe dọa cho thế giới”, ông Gavrilyuk nói thêm.
Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Ivan Gavrilyuk. Ảnh: RBC - Ukraine
Ông Mikhail Podoliak - cố vấn cấp cao của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trước đó cũng từng đưa ra quan điểm tương tự. Ông cho rằng các cuộc đàm phán hòa bình chỉ nên diễn ra khi Nga “chịu thất bại toàn cầu” hoặc ít nhất là một loạt “thất bại về mặt chiến thuật” và “thất bại trong nội bộ” buộc nước này phải “tự nguyện từ bỏ vũ khí hạt nhân”.
“Thất bại toàn cầu là gì? Liên bang Nga sẽ không còn khả năng thống trị… sẽ không thể sử dụng quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Sau đó là các điều kiện đối với vũ khí hạt nhân, bao gồm cả tên lửa có tầm bắn nhất định và các vùng đệm xuyên biên giới,...", ông Mikhail Podoliak lí giải.
Xung đột Nga - Ukraine kéo dài và trở thành một cuộc chiến tiêu hao. Nhiều đề xuất hoà bình cho xung đột đã được đưa ra, song chưa mang lại kết quả do khác biệt về quan điểm giữa hai bên. Trong Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2024 ở Davos (Thụy Sĩ) vừa qua, Tổng thống Zelensky một lần nữa cố gắng thúc đẩy “công thức hòa bình” do ông đưa ra vào năm 2022.
Công thức hòa bình này gồm 10 điểm, kêu gọi Nga rút hết quân khỏi lãnh thổ của Ukraine và đưa Moscow ra tòa án quốc tế. Tuy nhiên, Moscow đã bác bỏ và cho rằng những đề xuất của Kiev là phi thực tế.
Trong khi đó, Tổng thống Vladimir Putin tuần trước tiếp tục tái khẳng định rằng Nga chưa bao giờ từ chối đàm phán nhưng chính Ukraine đã làm vậy và hiện chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình hình mà họ gặp phải. Ông ám chỉ việc Kiev rút khỏi cuộc đàm phán hồi tháng 3/2022 Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) vào phút chót.
Chủ nhận điện Kremlin đã bày tỏ sự không hài lòng và lên án việc Ukraine miễn cưỡng tham gia các cuộc đàm phán hòa bình từng được tổ chức trước đó. Ông nhấn mạnh đối với Moscow, mọi chuyện lẽ ra đã kết thúc từ lâu nếu không có Kiev.
Phương Uyên (Theo RT)