Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Thu hồi hơn 11.000 tỷ đồng tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế

  • Khánh Ngân
(DS&PL) -

Bộ Tư pháp vừa thông tin về kết quả công tác tư pháp 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ chủ yếu công tác 6 tháng cuối năm 2024.

Trình Quốc hội thông qua và cho ý kiến đối với Luật Thủ đô, Luật Đấu giá tài sản...

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm, Bộ Tư pháp, các bộ, ngành đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 292 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) . Bộ Tư pháp đã trình Quốc hội thông qua và cho ý kiến đối với Luật Thủ đô, Luật Đấu giá tài sản, Luật Công chứng…; các địa phương ban hành 1.528 VBQPPL cấp tỉnh; 1.038 VBQPPL cấp huyện và 810 VBQPPL cấp xã.

Các đơn vị thuộc Bộ đã tổ chức thẩm định 113 đề nghị xây dựng văn bản, dự án, dự thảo VBQPPL; tổ chức Pháp chế các bộ, ngành thẩm định 222 dự thảo; các Sở Tư pháp thẩm định 2.069 đề nghị xây dựng nghị quyết của Hội đồng nhân dân, dự thảo VBQPPL; các Phòng Tư pháp thẩm định 1.124 dự thảo VBQPPL.

Trong đó, nhiều Báo cáo thẩm định được đẩy nhanh tiến độ thực hiện trong thời gian rất gấp, như: “Chùm” Nghị định quy định chi tiết hướng dẫn thi hành các Luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, Các tổ chức tín dụng. Các bộ, ngành đã kiểm tra theo thẩm quyền tổng số 1.601 VBQPPL; trong đó, riêng tại Bộ Tư pháp đã kiểm tra theo thẩm quyền 1.131 văn bản.

Ảnh minh họa.

Trong lĩnh vực thi hành án dân sự, 9 tháng đầu năm (tính từ ngày 1/10 đến ngày 30/6), Hệ thống thi hành án đã thi hành xong gần 404.000 việc, đạt tỉ lệ 65,24% với hơn 73 nghìn tỷ, đạt tỉ lệ 27,6%. Trong lĩnh vực thi hành án hành chính, đã thi hành xong 400 việc.

Cùng với đó, Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia đã tiếp nhận, xử lý trên 219 nghìn thông tin, cập nhật và tạo lập, tích hợp vào Cơ sở dữ liệu hơn 158 nghìn thông tin; các Sở Tư pháp đã cấp được gần 610 nghìn phiếu lý lịch tư pháp.

Các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản đã tiếp nhận và giải quyết hơn 619 nghìn phiếu yêu cầu đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, trong đó, tỷ lệ đăng ký trực tuyến đạt mức cao với 86,7% (tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2023).

Thu hồi hơn 11.000 tỷ đồng tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế

Về công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được Bộ, ngành Tư pháp chỉ đạo thực hiện nghiêm, đúng quy định pháp luật và bám sát chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan.

Từ tháng 10/2023 đến hết tháng 5/2024, các cơ quan thi hành án đã thu hồi hơn 11 nghìn tỷ đồng tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; thu hồi hơn 9 nghìn tỷ đồng đối với các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số tiếp tục được Bộ, ngành Tư pháp chú trọng triển khai thực hiện, trọng tâm là các nhiệm vụ được giao tại Đề án 06. Đã thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VneID tại Hà Nội và Thừa Thiên Huế, được người dân đón nhận tích cực; Đăng ký khai sinh; đăng ký khai tử; đăng ký kết hôn trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh/thành phố kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia; kết nối liên thông dữ liệu giữa Cổng Dịch vụ công/Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh với Hệ thống đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử cơ bản bảo đảm thống nhất, hiệu quả.

Đồng thời, công tác tài chính tiếp tục được triển khai chặt chẽ, đúng quy định; đáp ứng kịp thời các yêu cầu về kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ triển khai các nhiệm vụ công tác của Bộ, ngành Tư pháp. Công tác xuất bản, báo chí tiếp tục được Bộ Tư pháp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, bảo đảm bám sát quan điểm, định hướng, chỉ đạo thông tin tuyên truyền của cấp có thẩm quyền.

6 tháng cuối năm, Bộ, ngành Tư pháp tiếp tục thể chế hóa và triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến các lĩnh vực công tác của Bộ, ngành Tư pháp.

Cùng với đó, tập trung xây dựng, bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án luật thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; khắc phục tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh; chú trọng công tác theo dõi thi hành pháp luật gắn với kiểm tra, rà soát, xử lý văn bản.

Mặt khác, tiếp tục chỉ đạo và tổ chức thi hành án, bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu thi hành án dân sự được giao năm 2024, tập trung giải quyết các vụ việc phức tạp, kéo dài; các vụ việc thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế trong công tác xây dựng ngành; xây dựng Đề án vị trí việc làm của Bộ Tư pháp và các cơ quan, đơn vị; kiện toàn tổ chức và sắp xếp, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức theo các Nghị định, Thông tư, quy định có liên quan và yêu cầu của vị trí việc làm.

Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo đúng chỉ đạo của Đảng và quy định của pháp luật.

Tin nổi bật