Thiếu tướng, ĐBQH Đặng Ngọc Nghĩa cho rằng: Facebook, Google sẽ không có chuyện rút đi hay không. Vì nếu rút, chắc chắn họ sẽ thất thu lớn và đó là điều không người kinh doanh nào mong muốn. Quốc gia nào cũng phải có một luật riêng về an ninh mạng, nó liên quan đến vấn đề bảo vệ Tổ quốc, an ninh, chính trị.
Dự án luật An ninh mạng sẽ được Quốc hội thảo luận tại tổ vào ngày 13/11 và thảo luận tại hội trường vào ngày 23/11 tới. Đây là dự luật được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 4.
PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa, ĐBQH tỉnh Thừa Thiên-Huế, Ủy viên Thường trực ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội xung quanh vấn đề này.
PV: Thưa ông, dự án luật An ninh mạng được kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết tốt vấn đề tấn công mạng đang ngày càng phức tạp và gia tăng hiện nay. Quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?
Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa: Tôi nghĩ rằng, quốc gia nào cũng phải có một luật riêng về vấn đề an ninh mạng. Ngoài luật An toàn thông tin mạng ra, với một quốc gia, luật An ninh mạng hết sức quan trọng. Nó liên quan đến việc bảo vệ Tổ quốc, an ninh, chính trị. Luật An ninh mạng sẽ đảm bảo được những yêu cầu đó.
Thời gian qua, nhiều tình huống xảy ra khiến chúng ta bị động, lúng túng. Chính phủ đã báo cáo vấn đề này, quốc tế cũng đánh giá Việt Nam là một trong 10 nước bị tấn công an ninh mạng nhiều nhất.
ĐBQH Đặng Ngọc Nghĩa. (Ảnh: D.Thu). |
Gần đây, nhiều vụ việc lộ, lọt thông tin bí mật, các sân bay bị tin tặc tấn công… Ngay cả lĩnh vực ngân hàng, tiền tệ, kinh tế… tin tặc tập trung chống phá, chế áp rất mạnh. Trên lĩnh vực quốc phòng, tác chiến điện tử cũng có nguy cơ chiến tranh mạng…
Tôi nói luật An ninh mạng ra đời sẽ đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ an toàn thông tin. Vì khi nắm chắc hệ thống điện tử, thông tin mạng sẽ chủ động phòng, chống những hoạt động tiêu cực trên tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh như đã kể trên, chủ động xử lý kịp thời các tình huống.
Nếu có luật riêng, tôi nghĩ sẽ thực hiện tốt hơn, tạo điều kiện mở cửa hơn trên lĩnh vực điện tử-viễn thông và đi đúng hướng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tất cả những nước siêu cường như Mỹ, Nga, Anh, Trung Quốc họ đều làm tốt vấn đề an ninh mạng.
PV: Điều 34, dự thảo Luật quy định về đặt máy chủ và cơ quan đại diện liệu có hạn chế các “ông lớn” như Facebook, Google trên thị trường Việt Nam?
Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa: Những doanh nghiệp lớn như Google, Facebook luôn cần thị trường lớn, đông dân đặc biệt như Việt Nam. Họ rất sợ không cạnh tranh được trên thị trường này.
Quan điểm của tôi, khi họ vào một đất nước, kể cả Việt Nam, họ phải tôn trọng những điều kiện luật pháp của Nhà nước sở tại. Nếu họ làm ăn lành mạnh, phát triển về kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng và an ninh thì chắc chắn Chính phủ Việt Nam rất ủng hộ.
Tôi nghĩ không có chuyện rút đi hay không. Vì nếu rút, chắc chắn họ sẽ thất thu lớn và đó là điều không người kinh doanh nào mong muốn.
PV: Rõ ràng, việc quản lý Google, Facebook là cần thiết, nhất là khi họ đang thu một nguồn lợi khủng từ khai thác thị trường Việt Nam?
Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa: Đúng là như vậy, cần có những chế tài cụ thể để quản lý được họ bằng pháp luật. Bởi thực tế hiện nay, lợi dụng mạng internet, có nhiều thông tin tuyên truyền xuyên tạc chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, lãnh tụ… nhưng chúng ta chưa chặn được. Điều này là rất nguy hại.
Thậm chí có những đường dây cá độ, đánh bạc qua mạng internet, vì máy chủ ở nước ngoài nên chúng ta không thể ngăn chặn được. Do vậy, tôi khẳng định dự án Luật này là cần thiết để bảo vệ chủ quyền Quốc gia tốt hơn và bảo vệ an toàn về phát triển kinh tế. Ví dụ như hệ thống ngân hàng, sân bay bị tin tặc tấn công, đánh sập sẽ nguy hại rất lớn, đặc biệt là lĩnh vực an ninh hàng không lại cực kỳ nguy hiểm.
PV: Có những ý kiến lo ngại luật An ninh mạng sẽ có ảnh hưởng nhất định đến sự phát triển kinh tế, ông có nghĩ như vậy không và vì sao?
Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa: Quan điểm của tôi là không lo ngại. Luật Doanh nghiệp, luật Đầu tư là quy định kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm. Còn an ninh mạng cũng là bảo vệ cho doanh nghiệp.
Ví dụ đơn giản, một số lĩnh vực nếu như bị tin tặc tấn công thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ thiệt hại rất lớn: Vấn đề tiền gửi ngân hàng, chứng khoán…
Luật An ninh mạng ra đời, doanh nghiệp sẽ được an tâm vì có những người bảo vệ an toàn cho mình trong khi sử dụng các hệ thống điện tử hiện nay.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!