Mặc dù chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi Covid-19 nhưng thời gian qua thị trường lao động đã có những chuyển biến tích cực.
Những dấu hiệu phục hồi và khởi sắc
Sau khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 3 được kiểm soát, các hoạt động kinh doanh, sản xuất đang dần trở lại bình thường. Nhờ vậy, thị trường lao động trong nước đang có những dấu hiệu phục hồi và khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm 2020.
Một trong những nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, doanh nghiệp như Hà Nội, sau một năm ảm đạm, thị trường lao động dần nhộn nhịp. Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội suốt những ngày qua đón nhận rất đông người lao động đến đăng ký, ứng tuyển với nhiều công việc khác nhau.
Chia sẻ với PV ĐS&PL, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (HCES) cho biết, thị trường lao động trong những tháng đầu năm 2021 dù phải chịu những tác động và thay đổi nhất định vì Covid-19.
Kể từ sau khi người dân quay trở lại làm việc sau Tết Tân Sửu, thị trường lao động đã có nhiều nét tích cực. Dịch covid được kiểm soát tốt nên nhu cầu tuyển dụng có tăng lên so với năm 2020."Tính từ tháng 1 đến hết ngày 22/3, chúng tôi tiếp nhận 1.251 lượt doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng với hơn 20 nghìn chỉ tiêu. Số lao động được tư vấn, cung cấp thông tin thị trường lao động là 23.305 lượt người và số lao động có nhu cầu tìm việc là 10.217 người", ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm SCES cho biết.
"Cũng từ đầu năm đến giờ, trung tâm cũng đã tư vấn và kết nối việc làm cho hơn 6.033 lao động và đã có trên 2.076 người lao động được các cơ quan tuyển dụng tiếp nhận hồ sơ và trúng tuyển", ông Thành thông tin thêm.
Dù vậy, theo ông Thành, dù nhu cầu tuyển dụng, tìm việc làm trong những tháng đầu năm 2021 có tăng nhưng nếu so với các năm trước thì chưa thực sự tốt: "Như các năm trước, khi chưa bị ảnh hưởng bởi dịch, quý I là thời điểm thị trường sôi nổi nhất. Bởi vậy, công tác tuyển dụng người lao động, tìm kiếm việc làm tập trung tương đối nhiều trong giai đoạn này", ông Thành cho biết.
Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (HCES) trao đổi với PV. |
Các ứng viên cần trau dồi thêm kỹ năng
Về xu hướng tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trong những tháng đầu năm 2021, ông Thành cho biết, chỉ tiêu tuyển dụng lao động chủ yếu tập trung vào nhóm lĩnh vực sản xuất như linh kiện điện tử, cơ khí, điện thoại... chiếm trên 35%. Những nhóm khác như công nghệ thông tin, dệt may, thương mại dịch vụ, bán hàng, tài chính ngân hàng... cũng có xu hướng tuyển dụng khá lớn. "Từ những dẫn chứng trên, chúng ta có thể thấy, thị trường lao động đang có dấu hiệu phục hồi nhất định. Trong thời gian tới, khi mà dịch bệnh đã được kiểm soát và chương trình tiêm chủng vaccine được mở rộng, dự kiến nền kinh tế phục hồi ổn định và phát triển trong quý III và quý IV/2021. Nhu cầu tuyển dụng của nhiều ngành nghề có xu hướng sôi động trở lại như dịch vụ nhà hàng, khách sạn, dịch vụ du lịch lữ hành,...".
Ông Thành cũng cho biết, uớc tính mỗi buổi giao dịch việc làm cứ 100 ứng viên là sinh viên có khoảng 30% các bạn được tuyển dụng ngay. Tuy nhiên, phản hồi chung từ doanh nghiệp cũng cho thấy, nhiều bạn trẻ, sinh viên mới ra trường còn hạn chế kinh nghiệm, kỹ năng mềm, phải đào tạo thêm trong thực tế.
Trước câu hỏi người lao động cần chuẩn bị những gì để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động chịu tác động của Covid-19, Phó giám đốc SCES cho rằng, các ứng viên cần phải trau dồi thêm kỹ năng về lĩnh vực mà mình lựa chọn. Đặc biệt, trong thời buổi công nghệ phát triển từng giây như hiện nay, việc bổ sung, cập nhật kiến thức về công nghệ thông tin là vô cùng cần thiết đối với người lao động trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Đây là một yếu tố vô cùng quan trọng để người lao động ghi điểm trước nhà tuyển dụng.
Theo ông Vũ Quang Thành, người lao động bắt buộc phải đào sâu về chuyên môn nghiệp vụ, nâng tầm chất lượng lên cao hơn để cạnh tranh. Ngoài việc học lý thuyết ở trường ra, phải mạnh dạn, tự tìm cơ hội để được tham gia trải nghiệm, thực tập, cọ xát thực tế nhiều hơn ở trong và ngoài nước. Ngoài kiến thức chuyên môn thì nghị lực vượt qua khó khăn, thử thách sẽ là tiêu chí mà nhà tuyển dụng chọn lựa bạn. Bạn phải rèn luyện điều này bằng cách tham gia nhiều hơn vào các hoạt động mang tínhxã hội, các trải nghiệm thực tế về nghề nghiệp trước khi ra trường.
“Hiện nay, nếu người lao động muốn có cơ hội việc làm tốt thì phải luôn nâng cấp bản thân, đầu tư vào học tập, kiến thức, kỹ năng để nâng cao giá trị của sức lao động, tạo ra nhiều giá trị mà doanh nghiệp có thể nhìn thấy", ông Thành “ nhấn mạnh. |
Đàm Linh - Thanh Huyền
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Thứ 7 (13)