Các quan chức Ukraine cho biết, thêm 3 tàu chở hàng nghìn tấn ngô đã rời các cảng của nước này vào ngày 5/8 (giờ địa phương), CBS News thông tin. Đây được cho là động thái mới nhất cho thấy, một thỏa thuận đàm phán để xuất khẩu ngũ cốc bị mắc kẹt kể từ khi Nga xâm lược Ukraine gần 6 tháng trước, đang dần thành công. Tuy nhiên khó khăn vẫn còn ở phía trước để đưa thực phẩm đến các quốc gia cần nó nhất.
Các con tàu đi Ireland, Vương quốc Anh và Thổ Nhĩ Kỳ theo chuyến hàng ngũ cốc đầu tiên đi qua Biển Đen kể từ khi chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine bắt đầu.
Khu vực Biển Đen được mệnh danh là "cái nôi" của thế giới, với Ukraine và Nga là những nhà cung cấp lúa mì, ngô, lúa mạch và dầu hướng dương quan trọng trên toàn cầu mà hàng triệu người nghèo ở châu Phi, Trung Đông và các khu vực châu Á dựa vào để sinh sống.
Các chuyên gia cho biết trong khi các lô hàng này làm dấy lên hy vọng xoa dịu cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, phần lớn ngũ cốc mà Ukraine đang cố gắng xuất khẩu được sử dụng để làm thức ăn gia súc chứ không phải cho người dân tiêu thụ.
Thêm 3 tàu chở ngũ cốc rời cảng Ukraine hôm 5/8 (giờ địa phương). Ảnh: AP News.
David Laborde, Chuyên gia về nông nghiệp và thương mại tại Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế ở Washington (Mỹ), cho biết: “Ukraine chiếm khoảng 10% thương mại quốc tế về lúa mì nhưng về sản lượng, nó thậm chí không đến 5%”.
Được biết, 3 con tàu rời Ukraine hôm 5/8 với hơn 58.000 tấn ngô nhưng đó vẫn chỉ là một phần nhỏ trong số 20 triệu tấn ngũ cốc mà Ukraine cho biết đang bị mắc kẹt trong các hầm chứa và cảng của đất nước này. Chúng phải được vận chuyển ra ngoài để có chỗ chứa cho vụ thu hoạch năm nay.
Giá ngũ cốc đạt đỉnh sau cuộc tấn công của Nga và trong khi một số loại đã giảm xuống mức trước khi chiến sự diễn ra, chúng vẫn cao hơn so với trước đại dịch COVID-19. Jonathan Haines, nhà phân tích cấp cao của công ty phân tích và dữ liệu Gro Intelligence, cho biết giá ngô cao hơn 70% so với cuối tháng 2/2020. Ông cho biết giá lúa mì cao hơn khoảng 60% so với tháng 2/2020.
Một lý do khiến giá cả vẫn ở mức cao là tác động của hạn hán đối với thu hoạch ở Bắc Mỹ, Trung Quốc và các khu vực khác, cũng như giá phân bón cần thiết cho nông nghiệp cao hơn.
Bích Thảo (Theo CBS News)